MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều công ty Trung Quốc lọt vào tầm ngắm hạn chế của Mỹ

16-12-2022 - 17:42 PM | Kinh tế số

Nhiều công ty Trung Quốc lọt vào tầm ngắm hạn chế của Mỹ

Chính quyền Tổng thống Joe Biden có khả năng sẽ đưa 36 công ty của Trung Quốc vào "danh sách đen thương mại" ngay trong tuần này.

Một số động thái mới trong quan hệ cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc liên tiếp những ngày gần đây, tiếp nối những vấn đề từng là đề tài tranh cãi căng thẳng giữa 2 bên dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Mới nhất là động thái từ Thượng viện Mỹ khi thông qua dự luật mới hướng đến giới hạn hoạt động của ứng dụng truyền thông xã hội TikTok tại Mỹ.

Theo dự luật mới được Thượng viện Mỹ thông qua, các nhân viên làm việc trong các cơ quan liên bang tại Mỹ không được tải xuống hoặc sử dụng TikTok trên các thiết bị của chính phủ. Lý do đưa ra là vì an ninh quốc gia. Dự luật cũng sẽ phải chờ được Hạ viện chấp thuận trước khi Tổng thống Joe Biden ký thành luật.

Nhiều công ty Trung Quốc lọt vào tầm ngắm hạn chế của Mỹ - Ảnh 1.

Ứng dụng TikTok được coi là một rủi ro an ninh lớn tại Mỹ

Các quan chức chính phủ và nghị sĩ thuộc cả hai đảng ở Mỹ đã bày tỏ quan ngại về ứng dụng TikTok của Trung Quốc và cho rằng, đây là một rủi ro an ninh lớn. Dự luật là nỗ lực mới nhất của các nghị sĩ Mỹ nhằm ứng phó với các công ty công nghệ Trung Quốc.

Ủy ban đầu tư nước ngoài của chính phủ Mỹ hồi năm 2020 đã yêu cầu ByteDance, công ty mẹ của TikTok có trụ sở ở Trung Quốc, thoái vốn khỏi TikTok tại Mỹ. Ủy ban này và TikTok đã đàm phán trong nhiều tháng nhằm đạt được một thỏa thuận bảo vệ dữ liệu của hơn 10 triệu người dùng. Tuy nhiên, hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy hai bên sẽ đạt được một thỏa thuận trước cuối năm nay.

TikTok hiện đang là ứng dụng chia sẻ các video clip ngắn phổ biến nhất trên thế giới và được sử dụng bởi 2/3 số trẻ vị thành niên ở Mỹ. Trước khi có động thái của Thượng viện, nhiều cơ quan tại Mỹ, bao gồm bộ Quốc phòng, Bộ An ninh Nội địa, Bộ Ngoại giao cùng nhiều bang như South Carolina, Maryland, South Dakota, Nebraska, Indiana, Texas, đã cấm TikTok trên các thiết bị của chính quyền.

Trong một diễn biến khác, trang tài chính Bloomberg của Mỹ đưa tin, chính quyền Tổng thống Joe Biden có khả năng đưa 36 công ty của Trung Quốc vào "danh sách đen thương mại" ngay trong tuần này.

Các công ty này sẽ bị cấm mua một số linh kiện của Mỹ. Hàng loạt căng thẳng liên tiếp sau khi tập đoàn sản xuất chip lớn nhất thế giới TSMC mở nhà máy chip mới ở Mỹ và Trung Quốc khởi động một vụ kiện nhằm vào Mỹ tại tổ chức thương mại thế giới WTO vì các biện pháp hạn chế xuất khẩu con chip mà Washington áp đặt khiến cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới Trung Quốc gặp khó trong tiếp cận với linh kiện công nghệ cao.

Nhiều công ty Trung Quốc lọt vào tầm ngắm hạn chế của Mỹ - Ảnh 2.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân (Ảnh: Reuters)

Ông Uông Văn Bân - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc - cho biết: "Không lâu trước đây, WTO đã ra phán quyết rằng, động thái áp thuế quan có chọn lọc của Mỹ đối với sản phẩm từ một số thành viên WTO hồi năm 2018, với danh nghĩa vì an ninh quốc gia, là vi phạm các quy tắc của WTO. Thực tế đã chỉ ra rằng, các điều khoản ngoại lệ viện đến lý do an ninh, không thể là lời biện minh thay cho chủ nghĩa đơn phương hay chủ nghĩa bảo hộ".

Thượng nghị sĩ thuộc đảng cộng hoà Marco Rubio công bố dự luật tại thượng viện, cho rằng dự luật ra đời là để đảm bảo an ninh của nước Mỹ, gây áp lực lên chủ sở hữu ByteDance trong bối cảnh Mỹ lo ngại ứng dụng này có thể được dung để theo dõi người Mỹ và kiểm duyệt nội dung.

Giám đốc FBI Mỹ nói rằng, hoạt động của TikTok tại Mỹ làm gia tăng mối lo ngại về an ninh quốc gia và cảnh báo ứng dụng này có thể được khai thác nhằm gây ảnh hưởng đến người sử dụng hoặc kiểm soát thiết bị của họ.

Uỷ ban về đầu tư nước ngoài của chính phủ Mỹ cách đây 2 năm đã yêu cầu ByteDance thoái vốn khỏi Tiktok. Cho đến nay, ByteDance chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về động thái trên. Nhưng điều này cho thấy, những tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ ngày càng gia tăng.

Giới phân tích đánh giá, việc Tổng thống Mỹ tham dự lễ khởi công xây dựng nhà máy sản xuất chip TSMC tại Arizona hôm thứ Ba vừa qua đã gửi đi thông điệp mạnh mẽ về việc thực hiện chính sách bảo hộ mới của Mỹ, gia tăng sản xuất tại nước Mỹ.

Bên cạnh đó, nhiều cuộc thảo luận giữa Mỹ với các đối tác của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc, là những nước đang có thị phần sản xuất chip điện tử khá lớn và người ta thấy, đằng sau những cuộc thảo luận này là kiềm chế thị phần của Trung Quốc, trong đó việc có khả năng sắp tới Mỹ đưa thêm nhiều công ty Trung Quốc vào danh sách đen về thương mại hay dự luật cấm TikTok mới nhất có thể là động thái đầu tiên.

Chip là một nguồn cơn gây căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong những năm gần đây, Washington đã gia tăng áp lực lên lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc bằng cách hạn chế quyền tiếp cận các linh kiện chip và máy móc cao cấp. Tình hình dường như quyết liệt trong giai đoạn nắm quyền của cựu Tổng thống Donald Trump, im ắng hơn trong giai đoạn đại dịch và gần đây đang nóng trở lại.

Theo Ban Thời sự

VTV

Trở lên trên