Nhiều dấu hiệu gian lận trong kinh doanh đường
Theo phản ánh của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), hoạt động kinh doanh, phân phối, vận chuyển, tiêu thụ đường trên thị trường hiện nay có rất nhiều dấu hiệu gian lận thương mại, tiếp tay cho đường lậu.
Thứ nhất, tổ chức, cá nhân kinh doanh có thể gian lận bằng cách dùng bao bì, nhãn mác của các nhà máy sản xuất đường trong nước để tiêu thụ. Kiểu gian lận này khi tiêu thụ thường không có chứng từ, hoặc nếu có chứng từ nguồn gốc là các hóa đơn bán hàng của các nhà máy đường trong nước nhưng sử dụng quay vòng nhiều lần, thậm chí có hóa đơn đã sử dụng 3 năm chủ hàng vẫn đem ra xuất trình khi cơ quan chức năng kiểm tra. Kiểu gian lận này nếu trót lọt thì một hóa đơn ban đầu mua đường của các nhà máy với số lượng không nhiều, nhưng có thể giải cứu cho nhiều lần vận chuyển đường lậu, kể cả khi vận chuyển lượng hàng không trùng khớp với hóa đơn vì hóa đơn chỉ để xác minh nguồn gốc.
Niên vụ 2016-2017 đường sản xuất trong nước tiêu thụ chậm, tồn kho cao kỷ lục - lên đến trên 748.000 tấn, tính đến ngày 19/5/2017. Một trong những nguyên nhân tồn kho đường cao là do giá đường trong nước kém cạnh tranh khiến đường lậu có cơ hội lấn át, kéo theo nhiều phương thức, thủ đoạn có dấu hiệu gian lận thương mại trong kinh doanh đường.
Thứ hai, sử dụng chứng từ mua đường lậu bán đấu giá của cơ quan chức năng địa phương rồi quay vòng nhiều lần. Tại một số địa phương, có nhiều lần giá đấu giá đường lậu do cơ quan chức năng thu giữ bán ra được cá nhân, tổ chức mua với giá cao hơn giá bán trên thị trường nhằm mục đích chính là lấy chứng từ để phục vụ quay vòng cho việc vận chuyển đường lậu.
Thứ ba, dùng chứng từ nhập khẩu của một số công ty nhập khẩu đường chính thức trong và ngoài hạn ngạch thuế quan để báo xuất xứ hàng hóa cho đường lậu. Chẳng hạn, trường hợp dùng chứng từ của Công ty TNHH Quốc tế Phước Thắng nhập khẩu cuối năm 2016 tại TP.HCM để vận chuyển đường lậu tại An Giang đã bị cơ quan chức năng phát hiện và thu giữ; hoặc trường hợp Công ty TNHH Tài Phát tại xã Hải Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bìnhkhông nhập khẩu đường nhưng lại công khai dán tem nhập khẩu để bán đường tại thị trường Đà Nẵng bị phát hiện hồi tháng 4/2017.
Thứ tư, gian lận thông qua đăng ký kinh doanh với chức năng có sản xuất, chế biến đường, nhưng tổ chức, cá nhân lại không có nhà máy, cũng không thực hiện sản xuất, chế biến đường một cách đúng nghĩa, các cơ sở này vẫn in các loại bao bì PP dạng 50 kg, túi PE 0,5 kg, 1kg... rồi thực hiện sang, chiết đường mua từ nhiều nguồn khác nhau không loại trừ đường lậu để cung cấp ra thị trường (thực trạng này xuất hiện tại Cần Thơ, Đồng Tháp, Long An, An Giang...).
Thứ năm, gian lận thông qua áp dụng quy định thực phẩm đóng túi được đăng ký. Ở thị trường các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, phần lớn lượng đường tiêu thụ có dạng túi đóng gói thủ công 12 kg (gọi là đường cây 12 kg), các cơ sở thương mại có thể mua đường lậu chỉ cần đóng dấu nhãn mác sau khi đóng túi là xem như hợp lệ có thể bày bán công khai tại các chợ, thậm chí người bán có thể xuất hóa đơn hợp lệ cho người mua khi bán hàng.
Một dấu hiệu biến tướng khác về gian lận, tiếp tay cho buôn lậu trong hoạt động kinh doanh đường xuất hiện mới đây, theo VSSA cho biết là có nhiều cơ sở sản xuất đường phèn ở khu vực biên giới tiếp giáp Campuchia (gần cửa khẩu Vĩnh Xương thuộc tỉnh An Giang và sâu trong nội địa) có thể sử dụng đường đầu vào là đường lậu xuất xứ Thái Lan, nhưng khi cơ quan chức năng kiểm tra thì họ sử dụng các phương thức gian lận khai báo là đường đầu vào mua từ các nhà máy sản xuất đường trong nước, hoặc mua đường lậu từ nguồn cơ quan chức năng bắt giữ và bán đấu giá./.
Báo Công thương