Nhiều địa phương hụt thu hàng trăm tỉ đồng nhưng vẫn vung tay
Kiểm toán nhà nước cho biết một số địa phương dù ngân sách tỉnh hụt thu lớn nhưng chưa kịp thời điều chỉnh giảm chi tương ứng.
- 26-05-2023Ủy ban Tài chính - Ngân sách: Cần thiết ban hành Nghị quyết cơ chế đặc thù cho TP HCM
- 25-05-2023Ủy ban Tài chính Ngân sách: Có ý kiến nâng tỷ lệ giảm thuế VAT 4% để “khoan thư sức dân”
- 24-05-2023Thu ngân sách năm 2021 nhiều khoản vượt dự toán
Kiểm toán nhà nước (KTNN) vừa gửi Quốc hội báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2022. Theo báo cáo này, KTNN đã chỉ rõ một số địa phương dù ngân sách tỉnh hụt thu lớn nhưng chưa kịp thời điều chỉnh giảm chi tương ứng.
Trụ sở Sở Tài chính tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Báo Nhân dân
Trong đó, tại tỉnh Đồng Tháp, nguồn thu xổ số kiến thiết (XSKT) hụt 216,74 tỉ đồng, Sở Tài chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh này chưa phối hợp để tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh giảm kế hoạch vốn đầu tư từ nguồn thu XSKT năm 2021, dẫn đến tổng số giải ngân năm 2021 và số đã chuyển kế hoạch vốn kéo dài sang năm 2022 (là 1.475,67 tỉ đồng), vượt số thực thu năm 2021 là 192,41 tỉ đồng.
Tại thị xã Đức Phổ của tỉnh Quảng Ngãi, ngân sách huyện hụt thu, các nguồn lực (kết dư chỉ còn 0,034 tỉ đồng; thu chuyển nguồn năm trước chuyển sang chỉ còn 0,32 tỉ đồng; ứng trước ngân sách năm 2021 trở về trước 4,79 tỉ đồng không có nguồn để thu hồi tạm ứng), tuy nhiên UBND thị xã Đức Phổ không cắt giảm một số nhiệm vụ chi thường xuyên chưa thật sự cấp thiết để bù hụt thu, dẫn đến mất cân đối ngân sách, đồng thời sử dụng nguồn ngân sách tỉnh bổ sung có mục tiêu 10,74 tỉ đồng để bổ sung chỉ cân đối, sai mục tiêu của tỉnh.
Tại tỉnh Bến Tre, Sở Tài chính tỉnh này chưa kịp thời rà soát, tham mưu UBND tỉnh trình Thường trực HĐND tỉnh quyết định điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương và báo cáo HĐND tỉnh điều chỉnh giảm một số khoản chi trong điều kiện nguồn thu XSKT không đạt dự toán giao, dẫn đến số giải ngân vượt số thực thu năm 2021 là 6,5 tỉ đồng; nguồn thu tiền sử dụng đất không đạt dự toán giao, tuy nhiên do số giải ngân 9,51 tỉ đồng thấp hơn số thực thu.
Còn tại Trà Vinh, KTNN cho biết tỉnh này hụt thu tiền sử dụng đất ngân sách cấp tỉnh 115,6 tỉ đồng, song Kho bạc nhà nước Trà Vinh, Sở Tài chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh này chưa phối hợp tham mưu UBND tỉnh trình Thường trực HĐND tỉnh xem xét, điều chỉnh giảm dự toán chi từ nguồn thu tiền sử dụng đất đã phân bố ngay đầu năm 2021 theo quy định.
KTNN cũng cho biết một số địa phương chưa xây dựng (thị xã Buôn Hồ, tỉnh ĐắK Lắk) hoặc chưa trình Thường trực HĐND (tỉnh Kon Tum, ngân sách cấp tỉnh; An Giang, ngân sách cấp tỉnh và huyện An Phú; Cần Thơ, ngân sách cấp thành phố; Sóc Trăng, huyện Mỹ Xuyên) để xử lý hụt thu theo quy định hoặc chậm tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng phương án trình Thường trực HĐND tỉnh quyết định như tại tỉnh Trà Vinh, đến ngày 26-10-2022, Sở Tài chính chưa tham mưu UBND tỉnh xây dựng phương án xử lý hụt thu ngân sách năm 2021 trình Thường trực HĐND tỉnh xem xét, quyết định và báo cáo HĐND tỉnh trong kỳ họp gần nhất theo quy định điểm a khoản 3 Điều 52 Luật NSNN.
KTNN cũng cho biết có 11/60 địa phương được kiểm toán hỗ trợ không đúng nhiệm vụ chi theo phân cấp với tổng số tiền 57,5 tỉ đồng, như: tỉnh Quảng Nam 16,7 tỉ đồng; Thanh Hóa 14,3 tỉ đồng; Đắk Lắk (TP Buôn Ma Thuột và các huyện 1,2 tỉ đồng), Hà Tĩnh 6,23 tỉ đồng; Ninh Bình 6,5 tỉ đồng; Thừa Thiên Huế 1,3 tỉ đồng; Đồng Nai 1,3 tỉ đồng.
Ngoài ra, có 26/60 địa phương sử dụng sai nguồn 1.421,5 tỉ đồng, như: TP Hà Nội 228,7 tỉ đồng; Thanh Hóa 427,7 tỉ đồng, Đồng Tháp 374,1 tỉ đồng; Đắk Lắk 65,3 tỉ đồng; Bắc Ninh 64 tỉ đồng; Khánh Hòa 44 tỉ đồng; Cà Mau 14 tỉ đồng; Quảng Nam 37 tỉ đồng; Bình Định 8,7 tỉ đồng; Phú Thọ 19,78 tỉ đồng; An Giang 19 tỉ đồng; Bến Tre 17,87 tỉ đồng.
Người lao động