MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thu ngân sách năm 2021 nhiều khoản vượt dự toán

Quán triệt quan điểm tập trung ưu tiên, nỗ lực cao nhất cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã nghiêm túc thực hiện chi ngân sách bám sát dự toán được giao.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, sáng 24/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021 trước Quốc hội. Theo đó, nhiệm vụ thu NSNN năm 2021 là 1.358.084 tỷ đồng; Tổng số chi NSNN là 1.701.713 tỷ đồng; Bội chi NSNN là 343.670 tỷ đồng, tương đương 4% GDP gồm bội chi ngân sách trung ương (NSTW) là 318.870 tỷ đồng, tương đương 3,7% GDP, bội chi ngân sách địa phương (NSĐP) là 24.800 tỷ đồng, tương đương 0,3% GDP.

Các khoản thu NSNN cao hơn dự toán

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2021, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt KTXH. Việc áp dụng các biện pháp giãn cách tăng cường để phòng chống dịch trong Quý II và Quý III/2021 đã tác động mạnh tới hoạt động kinh tế, tài chính trong nước. Tuy nhiên, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, các hoạt động kinh tế đã bắt đầu phục hồi và tăng trưởng tích cực.

Thu ngân sách năm 2021 nhiều khoản vượt dự toán - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021 trước Quốc hội.

Theo đó, dự toán thu NSNN năm 2021 là 1.358.084 tỷ đồng nhưng quyết toán là 1.591.411 tỷ đồng, tăng 233.327 tỷ đồng (17,2%) so với dự toán; tỷ lệ động viên thu NSNN đạt 18,7% GDP, trong đó thu thuế và phí đạt 15,1% GDP. Trong đó, nguồn thu nội địa dự toán là 1.133.500 tỷ đồng; quyết toán là 1.313.281 tỷ đồng, tăng 179.781 tỷ đồng (15,9%) so với dự toán, chủ yếu là tăng từ các khoản thu về nhà đất, thu từ hoạt động xổ số kiến thiết và thu khác ngân sách; tỷ trọng thu nội địa trên tổng thu NSNN đạt 82,5%.

“Thực hiện chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong năm 2021, Chính phủ đã thực hiện miễn, giảm, giãn nghĩa vụ thuế và một số khoản thu ngân sách, qua đó giúp DN, hộ kinh doanh và người dân vượt qua khó khăn và phục hồi hoạt động sản xuất - kinh doanh, được dư luận đánh giá cao. Kết quả tổng số thuế, phí, tiền thuê đất đã miễn, giảm, gia hạn 132.418 tỷ đồng, bao gồm tổng số các khoản thu NSNN được gia hạn là 108.426 tỷ đồng. Tổng số các khoản thu NSNN được miễn, giảm là 23.982 tỷ đồng”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu rõ.

Tương ứng với tỷ lệ thu NSNN tăng trong năm 2021, tỷ lệ chi NSNN cũng tăng. Tại Báo cáo quyết toán Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Quốc hội dự toán chi NSNN năm 2021 là 1.701.713 tỷ đồng, nhưng quyết toán chi là 1.708.088 tỷ đồng, tăng 6.375 tỷ đồng (0,4%) so với dự toán; trong đó quyết toán chi NSTW là 640.914 tỷ đồng, bằng 91% so với dự toán; quyết toán chi NSĐP là 1.067.174 tỷ đồng, bằng 107% so với dự toán.

Thu ngân sách năm 2021 nhiều khoản vượt dự toán - Ảnh 2.

Quốc hội nghe các Báo cáo về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021.

Hạn chế lớn nhất của chi NSNN năm 2021 theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc là tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp; việc tổ chức triển khai thực hiện một số chính sách đảm bảo an sinh xã hội còn chậm; số chuyển nguồn kinh phí sang năm sau còn lớn; việc quản lý sử dụng kinh phí NSNN ở một số bộ, ngành, địa phương còn sai phạm; việc chấp hành thời hạn báo cáo quyết toán chưa đảm bảo theo đúng quy định.

Thu ngân sách năm 2021 nhiều khoản vượt dự toán - Ảnh 3.

Chính phủ trình Quốc hội quyết toán thu, chi và bội chi NSNN năm 2021.

Số liệu quyết toán thu, chi, bội chi NSNN năm 2021 thay đổi khá lớn

Thẩm tra Báo cáo quyết toán NSNN năm 2021 Chính phủ trình trước Quốc hội sáng 24/5, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, quyết toán thu NSNN đạt kết quả như trong báo cáo khi thu NSNN tăng 233.327 tỷ đồng so với dự toán, tỷ lệ động viên thu NSNN năm 2021 đạt 18,7% GDP ngoài lý do lập dự toán thận trọng, các khoản thu về nhà đất, chứng khoán, dầu thô tăng cao… là sự nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị, người dân và DN.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, trong năm 2021 dù đã thực hiện nhiều chính sách miễn, giảm thuế, phí nhưng số tăng thu NSNN năm 2021 vượt rất cao là do công tác lập dự toán một số khoản thu chưa sát, cụ thể như lập dự toán thu tiền sử dụng đất nhiều năm thấp hơn số thực hiện năm trước. “Một số ý kiến đề nghị, trong bối cảnh khó xác định chính xác dự toán thu NSNN, cần nghiên cứu, sửa đổi Luật NSNN để có cơ chế, chính sách quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả, không dàn trải, thất thoát, lãng phí số tăng thu NSNN”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách nêu rõ.

Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí theo đề nghị của Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước trình Quốc hội phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2021. Đồng thời, đề nghị Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành địa phương tiếp tục rà soát các khoản chi chuyển nguồn năm 2021 sang năm 2022. Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước chịu trách nhiệm về nội dung, thông tin, số liệu quyết toán NSNN năm 2021 bảo đảm tính chính xác, trung thực, đầy đủ, đúng quy định của pháp luật.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh, qua kết quả giám sát của Ủy ban Tài chính, Ngân sách và báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2021 cho thấy, kỷ luật, kỷ cương trong lập, chấp hành dự toán, quyết toán NSNN năm 2021 chưa nghiêm, công tác quyết toán NSNN chậm đã nêu trong các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần chấn chỉnh nhưng chưa được khắc phục.

Đặc biệt, thông tin, số liệu quyết toán thu, chi, bội chi NSNN năm 2021 thay đổi khá lớn so với số liệu Chính phủ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện NSNN năm 2021, trong đó có các khoản tăng thu NSTW khá lớn nhưng chưa báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét phương án sử dụng trong năm 2022./.

Theo Nguyễn Quỳnh

VOV

Trở lên trên