Nhiều địa phương vào cuộc siết chặt kiểm soát thị trường xăng dầu
Trong tháng 5, nhiều địa phương đã lên kế hoạch triển khai và vào cuộc kiểm soát thị trường xăng dầu, nhất là việc thực hiện quy định về hóa đơn điện tử.
- 10-05-2024Vụ buôn lậu hơn 200 triệu lít xăng từ Singapore về Việt Nam: Khởi tố 23 bị can
- 09-05-2024Giá xăng giảm mạnh 1.200-1.400 đồng/lít, RON 92 chỉ còn 22.620 đồng/lít
- 02-05-2024Giá xăng tăng, RON 95 áp sát 25.000 đồng/lít
Xăng, dầu là mặt hàng thiết yếu, có tác động lớn đến đời sống người dân cũng như phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, nhiều địa phương vừa lên kế hoạch và triển khai nhanh chóng, ráo riết công tác kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật, vận động các cửa hàng kinh doanh xăng dầu chấp hành, cam kết không vi phạm các quy định của pháp luật nhằm ổn định thị trường này.
Thừa Thiên Huế tăng cường kiểm tra các hoạt động kinh doanh xăng dầu
Nghệ An: Triển khai kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng dầu ngay từ đầu tháng 5
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công thương về việc thực hiện quy định về hóa đơn điện tử và cung cấp dữ liệu hóa đơn điện tử theo quy định, tỉnh Nghệ An yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý mặt hàng xăng dầu, thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu trên địa bàn.
Nghệ An triển khai kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng dầu từ ngày 2/5
Cụ thể, lực lượng Quản lý thị trường Nghệ An sẽ kiểm tra kéo dài trong thời gian từ 2/5-31/05/2024 hoạt động kinh doanh xăng dầu, qua đó kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm. Thông qua công tác kiểm tra thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các tổ chức và cá nhân hiểu và chấp hành đúng các quy định trong hoạt động kinh doanh trên thị trường.
Theo thông tin từ Cục quản lý thị trường Nghệ An, kế hoạch kiểm tra sẽ tiến hành kiểm tra theo 4 nội dung là việc chấp hành các quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh; kiểm tra giấy xác nhận/giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu, việc duy trì các điều kiện kinh doanh xăng dầu (tùy theo từng loại hình kinh doanh); kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu; kiểm tra hợp đồng đại lý/hợp đồng làm thương nhân nhận quyền bán lẻ, hợp đồng mua bán; hóa đơn chứng từ; nguồn gốc, xuất xứ xăng dầu; và kiểm tra, lấy mẫu xăng dầu để thử nghiệm; giám định chất lượng theo quy định (nếu cần thiết).
Đáng chú ý, Cục Thuế Nghệ An sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát việc lập hoá đơn điện tử tại các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh, đảm bảo đúng quy định pháp luật; xem xét, xử lý nghiêm các thương nhân kinh doanh xăng dầu không thực hiện quy định về hoá đơn điện tử.
Bên cạnh đó, lực lượng Thuế sẽ tiếp tục đẩy mạnh, đa dạng hoá công tác tuyên truyền đến người nộp thuế, các cửa hàng, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh quy định về phát hành hoá đơn điện tử theo từng lần bán hàng theo quy định về hoá đơn, chứng từ.
Thừa Thiên Huế: Năm 2024, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm thị trường xăng dầu
Tại Thừa Thiên Huế, Cục Thuế Thừa Thiên Huế cho biết, từ đầu 2024, Cục Thuế đã khẩn trương, tích cực triển khai các giải pháp để thúc đẩy các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu trên địa bàn thực hiện được việc phát hành hóa đơn điện tử sau từng lần bán hàng. Đồng thời, tổ chức làm việc, đối thoại với các đơn vị kinh doanh xăng dầu, trao đổi kinh nghiệm giữa các đơn vị kinh doanh xăng dầu khi lập hóa đơn điện tử; trao đổi các giải pháp lập hóa đơn điện tử của các nhà cung cấp giải pháp với các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh xăng dầu cũng như bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc triển khai thực hiện để đảm bảo theo tiến độ yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ...Đến nay, có 50/51 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã thực hiện phát hành hoá đơn điện tử theo từng lần bán, đạt 98% (gồm 117/118 cửa hàng, đạt 99%).
Theo tin từ lực lượng Quản lý thị trường, từ nay đến cuối năm 2024, lực lượng chức năng địa phương sẽ kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm hoạt động kinh doanh xăng dầu, buôn lậu, hàng giả.
Theo đó, lực lượng quản lý thị trường sẽ tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo hoạt động cung ứng, phân phối và bán lẻ xăng dầu của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn. Đồng thời chỉ đạo các thương nhân kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh chủ động khai thác nguồn cung, đảm bảo nguồn cung xăng dầu đáp ứng nhu cầu cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân
Hà Giang: Thanh, kiểm tra chuyên đề đối với 21 cửa hàng kinh doanh xăng, dầu
Để đảm bảo hoạt động kinh doanh, buôn bán mặt hàng thiết yếu này tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, Hà Giang đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tăng cường công tác quản lý địa bàn, thường xuyên nắm bắt, cập nhật diễn biến tình hình thị trường; đẩy mạnh công tác phối hợp trong kiểm tra, kiểm soát các đơn vị kinh doanh xăng, dầu nhằm kịp thời phát hiện các hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, tăng giá bất hợp lý; đồng thời tiến hành xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Thực tế cho thấy, hoạt động thanh tra, kiểm tra, quản lý kinh doanh xăng, dầu đã được các ngành, đơn vị chức năng vào cuộc đồng bộ, trong đó nòng cốt là lực lượng quản lý thị trường.
Đáng chú ý, theo kế hoạch năm 2024, Cục Quản lý thị trưởng Hà Giang sẽ kiểm tra chuyên đề từ giữa tháng 2 đến ngày 15/12/2024 đối với 21 cửa hàng kinh doanh xăng, dầu; phối hợp các ngành, lực lượng chức năng kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp; giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng, dầu; điều kiện kinh doanh, nguồn gốc, xuất xứ xăng, dầu đang kinh doanh; đăng ký mua, bán xăng, dầu theo hệ thống phân phối; thời gian đóng, mở cửa bán hàng; niêm yết giá bán lẻ xăng, dầu và bán theo giá niêm yết. Đồng thời tăng cường các biện pháp nghiệp vụ nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật trong kinh doanh xăng, dầu; đặc biệt là hành vi găm hàng chờ tăng giá nhằm trục lợi, giảm thời gian bán hàng, không bán hàng, ngừng bán hàng, giảm lượng hàng bán ra mà không có lý do chính đáng; không thông báo hoặc được sự chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Cà Mau: Các cơ quan quản lý đồng loạt kiểm tra chuyên đề thị trường xăng dầu
Cà Mau yêu cầu sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chức năng về Thuế, Quản lý thị trường, Công an...
UBND tỉnh Cà Mau vừa ban hành Kế hoạch kiểm tra hoạt động kinh doanh, quản lý, sử dụng hoá điện đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh này. Trong đó đặc biệt yêu cầu sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chức năng về Thuế, Quản lý thị trường, Công an và cơ quan có liên quan đẩy mạnh công tác quản lý, kiểm tra giám sát, hướng dẫn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh xăng dầu nói chung và quy định về hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng, kết nối với cơ quan thuế nói riêng.
Bên cạnh đó, tỉnh này chỉ đạo việc xem xét ngưng hoạt động, thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu đối với tổ chức, cá nhân vi phạm về kinh doanh xăng dầu; phối hợp cơ quan Thuế xử lý hành vi vi phạm về thuế, về hóa đơn của tổ chức, cá nhân kinh doanh xăng dầu. Công bố đường dây nóng tiếp nhận, xử lý thông tin người dân, tổ chức, cá nhân cung cấp, phản ánh về hành vi bán xăng dầu không giao hóa đơn khi người mua yêu cầu, hành vi trốn thuế, gian lận thương mại, hàng giả...
Đáng chú ý, UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường, Cục Thuế kịp thời nắm bắt các hình thức gian lận mới về hóa đơn điện tử nói chung và hóa đơn điện tử đối với kinh doanh xăng dầu nói riêng nhằm mục đích thu lợi bất chính hoặc chiếm đoạt tiền thuế của nhà nước, để có giải pháp ngăn chặn kịp thời, xử lý hành vi vi phạm theo đúng quy định. Công bố đường dây nóng tiếp nhận, xử lý thông tin người dân, tổ chức, cá nhân cung cấp, phản ánh về hành vi bán xăng dầu không giao hóa đơn khi người mua yêu cầu, hành vi trốn thuế, gian lận thương mại, hàng giả...
VTV