Nhiều DN vận tải “kêu trời”, nhưng chưa tăng giá
Việc xăng liên tục điều chỉnh giá kết hợp với áp lực từ phí đường bộ do nhiều trạm BOT mọc ra hoặc tăng phí khiến nhiều DN vận tải “kêu trời”. Tuy nhiên, áp lực cạnh tranh cùng với sự thay đổi luồng tuyến tại các bến xe ở Hà Nội khiến các DN này nhấp nhổm mà chưa dám tăng giá cước.
- 28-12-2016Các doanh nghiệp vận tải Đăk Lăk điêu đứng vì xe dù
- 23-12-2016Doanh nghiệp vận tải cân nhắc điều chỉnh giá cước
- 22-12-2016Xăng dầu đồng loạt tăng giá mạnh: Doanh nghiệp sản xuất, vận tải kêu trời
Dù ngày 4.1 giá xăng được ghìm chưa điều chỉnh nhưng vẫn cao hơn cùng kỳ năm ngoái hơn 1.000 đồng. Việc xăng dầu tăng giá mạnh trở lại đẩy chi phí vận tải lên cao. Bên cạnh đó, chi phí cầu đường cũng leo thang khi nhiều trạm BOT mới bắt đầu thu phí cùng thời điểm với việc tăng phí tại một số trạm đang có.
Cụ thể, chỉ trong tháng 12.2016, có tới 4 trạm thu phí tại cầu Thái Hà - Thái Bình, tuyến Thái Nguyên - Chợ Mới, trạm thu phí tại Km78+080 QL 3, trạm Km11+625 QL 38 bắt đầu triển khai thu phí với mức từ 30.000 - 35.000 đồng/lượt cho nhóm xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng đến mức từ 160.000 - 200.000 đồng/lượt cho nhóm xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe chở hàng bằng container 40 fit.
Còn trong tuần đầu tháng 1.2017, hai trạm BOT tại QL6 - Hoà Bình và tại QL21B - Nam Định đã điều chỉnh phí trong đó trạm Mỹ Lộc tại QL21B - Nam Định tăng tới 175% so với trước và trạm thu phí ở QL39B, đoạn từ thị trấn Thanh Nê, huyện Kiến Xương đến thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, Thái Bình cũng bắt đầu thu phí.
Trao đổi với báo Lao Động, ông Đỗ Văn Bộ - Giám đốc Cty vận tải Vietbus 27-7, chạy tuyến Hà Nội - Nam Định - Thái Bình cho biết chi phí hoạt động của DN ông ngày càng tăng do chi phí nhiên liệu và phí “dọc đường” tăng cao. Chỉ với tuyến Nam Định - Hà Nội dài chưa đầy 100km, chi phí cầu đường cho xe khách dưới 30 chỗ ngồi đã tăng lên 150.000 đồng/lượt/xe còn riêng tại trạm Mỹ Lộc - Nam Định, phí hằng tháng tăng thêm 600.000 đồng/xe.
“Chi phí cho mỗi lượt xe ngày càng tăng trong khi lượng khách giảm mạnh do điều chuyển luồng tuyến khiến DN chúng tôi ngày càng khó khăn mà không dám tăng giá vì sức ép cạnh tranh”.
Không chỉ tuyến Hà Nội - Nam Định, các tuyến như Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Thái Bình hay Hà Nội - Nghệ An cũng đội nhiều chi phí. Tuy nhiên, tới ngày 9.1, theo phản ánh của các bến xe tại Hà Nội như Nước Ngầm, Yên Nghĩa, giá cước vận tải tại các tuyến cố định chưa có điều chỉnh lớn. Theo giám đốc bến xe Yên Nghĩa, việc điều chuyển luồng tuyến tại đây đã dần ổn định và chưa có DN nào đề xuất tăng giá cước do lượng khách không nhiều. Tương tự, trao đổi với báo Lao Động, ông Nguyễn Văn Lập - Giám đốc Bến xe Nước Ngầm cho biết phải tới ngày 15.1 các tuyến cố định mới chốt giá cước cho dịp tết còn hiện nay giá cước vẫn chưa có sự thay đổi dù giá xăng tăng.
Khi được hỏi về việc có hay không việc tăng mạnh giá cước vận tải dịp tết, ông Lập cho hay để điều chỉnh cước, các DN vận tải phải báo cáo lên sở GTVT địa phương trực thuộc và bến xe chỉ ghi nhận chứ không can thiệp nếu giá cước tăng.
Còn theo một chuyên gia ngành giao thông, nhiều DN đang nhấp nhổm muốn tăng giá do chi phí hoạt động bị đẩy lên nhưng việc điều chuyển luồng tuyến khiến nhiều DN bị ảnh hưởng và mất khách. Do đó, việc tăng cước sẽ được tiến hành dè dặt hơn để “giữ khách”. Tuy nhiên, trong những ngày cao điểm tết, giá cước nhiều khả năng sẽ bị leo thang để bù cho những ngày “gặp khó”.
Lao động