MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Nhiều đoàn ra nước ngoài học tập nhưng thực chất là kết hợp du lịch”

05-09-2018 - 16:45 PM | Xã hội

Năm 2018 vẫn có tình trạng lãnh đạo đi công tác nước ngoài nhiều lần, nhiều đoàn đi khảo sát nhưng thực chất là để kết hợp tham quan, du lịch.

Báo cáo của Chính phủ cho thấy, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) trong năm 2018 đã được chỉ đạo quyết liệt, có bước tiến mạnh, đạt được nhiều kết quả toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được nhân dân đồng tình đánh giá cao, được các tổ chức quốc tế ghi nhận

6 trường hợp vi phạm về kê khai tài sản

Về minh bạch tài sản, thu nhập, báo cáo của Chính phủ cho biết có 99,8% số người kê khai, công khai tài sản, thu nhập; có 44 người được xác minh tài sản, thu nhập, phát hiện 6 trường hợp vi phạm. Cơ quan thẩm quyền cũng đã xử lý kỷ luật 4 trường hợp, kiểm điểm 1 trường hợp, đang xem xét xử lý kỷ luật 1 trường hợp.

Năm 2018, đã có 24 trường hợp nộp lại quà tặng với tổng giá trị là 421 triệu đồng.

Từ đầu năm đến nay có 29 người đứng đầu bị xử lý hoặc đang được xem xét để xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó 5 người bị xử lý hình sự, 21 người đã bị xử lý kỷ luật, 3 người đang thực hiện quy trình xử lý kỷ luật.

“Nhiều đoàn ra nước ngoài học tập nhưng thực chất là kết hợp du lịch” - Ảnh 1.
Nhiều vụ án liên quan đến tham nhũng đã được đưa ra xử lý nghiêm khắc. Trong ảnh: Các bị cáo trong vụ án xảy ra tại PVN và PVC

Báo cáo cũng cho thấy, qua thanh tra phát hiện vi phạm 25.763 tỷ đồng, 41.010 ha đất; kiến nghị thu hồi 8.558 tỷ đồng và trên 390 ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 1.456 tập thể và nhiều cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 85 vụ, 87 đối tượng (tăng 2,4% số vụ).

Còn Kiểm toán Nhà nước đã ban hành 269 báo cáo kiểm toán, kiến nghị xử lý tài chính 97.189,2 tỷ đồng (tăng 144,6%). Chuyển 4 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự sang Cơ quan Cảnh sát điều tra.

Cơ quan điều tra đã thụ lý điều tra 378 vụ án, 770 bị can phạm tội về tham nhũng. Viện kiểm sát các cấp thụ lý giải quyết 233 vụ/553 bị can (trong đó án mới 198 vụ/484 bị can); đã giải quyết 215 vụ/510 bị can, đạt tỷ lệ 92,3 %, giảm 3,3% so với cùng kỳ năm trước.

Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 313 vụ với 774 bị cáo (giảm 9,2% số vụ). Có 9 bị cáo bị tuyên phạt mức án tử hình, tù chung thân (tăng 12,5% so với cùng kỳ).

“Đối với các vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN theo dõi, chỉ đạo, Bộ Công an giao cơ quan Cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu thụ lý 27 vụ án, xác minh 19 vụ việc, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công thụ lý điều tra 2 vụ án, 2 vụ việc và Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai thụ lý 1 vụ việc” – báo cáo nêu rõ.

Phát hiện tham nhũng tăng, người đứng đầu bị xử lý giảm

Báo cáo của Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ rõ công tác tổ chức, cán bộ và quản lý cán bộ để PCTN vẫn còn hạn chế. Một số bộ, ngành, địa phương còn có tình trạng bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý còn nhiều trường hợp thiếu điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực; bố trí người thân vào vị trí việc làm hoặc để người thân kinh doanh trong phạm vi quản lý, vi phạm quy định pháp luật về PCTN.

Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa phát huy toàn diện. Tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc (“tham nhũng vặt”) chưa được ngăn chặn có hiệu quả.

Ý kiến từ cơ quan thẩm tra báo cáo cũng nhấn mạnh, vẫn có tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức thiếu tu dưỡng, rèn luyện, lợi dụng sơ hở của cơ chế, chính sách trong quản lý hoặc lợi dụng nhiệm vụ được giao làm trái quy định, quy trình công tác để vụ lợi; tình trạng cán bộ, công chức có tâm lý thờ ơ, ngại đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực trong nội bộ còn diễn ra...

“Nhiều đoàn ra nước ngoài học tập nhưng thực chất là kết hợp du lịch” - Ảnh 2.
"Tham nhũng vặt” chưa được ngăn chặn có hiệu quả

Bên cạnh những hạn chế được nêu trong Báo cáo của Chính phủ, qua giám sát, phản ánh của dư luận cử tri và báo chí cho thấy, việc thực hiện quy tắc ứng xử còn một số những hạn chế, có biểu hiện “lợi ích nhóm. Tại một số bộ, ngành, địa phương, việc lập, phê duyệt đoàn đi nước ngoài còn nhiều bất cập, có tình trạng lãnh đạo đi công tác nước ngoài nhiều lần, nhiều đoàn ra nước ngoài với nội dung khảo sát, học tập kinh nghiệm nhưng thực chất là để kết hợp đi tham quan, du lịch.

Một điểm đáng lưu ý, theo cơ quan thẩm tra là việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng tại một số cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn còn bị xem nhẹ và chưa tương xứng với số vụ án, vụ việc tham nhũng được đưa ra xét xử, xử lý thời gian qua.

Để chứng minh cho quan điểm trên, ý kiến thẩm tra dẫn chứng, năm 2018 có 29 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng bị xử lý, giảm 10 người so với năm 2017. Trong khi đó, theo Báo cáo của Chính phủ thì số vụ việc tham nhũng bị phát hiện qua kiểm tra nội bộ tăng 26,7% số vụ; qua thanh tra tăng 52,2% số vụ; qua giải quyết khiêu nại, tố cáo tăng 100% số vụ; vụ án tham nhũng khởi tố mới 232 vụ, tăng 37 vụ; qua thanh tra, kiểm toán phát hiện vi phạm hàng chục nghìn tỷ đồng, hàng chục nghìn ha đất và riêng Thanh tra đã kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 1.456 tập thể, cá nhân..., trong đó có những vụ liên quan đến tham nhũng.

Theo Hiếu Minh

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên