MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều doanh nghiệp địa ốc khó gắng gượng thêm được nữa vì tiếp tục phải "nặng gánh" dòng tiền trong năm 2024

10-02-2024 - 09:13 AM | Bất động sản

Nhiều doanh nghiệp địa ốc khó gắng gượng thêm được nữa vì tiếp tục phải "nặng gánh" dòng tiền trong năm 2024

Thị trường bất động sản năm 2024 có những tín hiệu tốt hơn năm 2023 nhưng chưa hết khó khăn. Trong đó, thách thức về dòng tiền vẫn “đeo bám” doanh nghiệp địa ốc.

Có nhiều kì vọng

Chia sẻ về bức tranh bất động sản năm Giáp Thìn 2024, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam cho rằng, bước sang năm 2024, thị trường nhà ở tại 2 thành phố lớn Hà Nội và Tp.HCM sẽ có nhiều tín hiệu tích cực hơn, với nguồn cung và sức hấp thụ chưa hoàn toàn phục hồi nhưng dần nhích lên nhẹ.

Trong năm 2024, nguồn cung mới vẫn duy trì hạn chế so với những năm trước, dự kiến có thêm hơn 30.000 nguồn cung nhà ở mới được chào bán ở cả 2 thành phố. Trong đó phần nhiều các sản phẩm mới đều đến từ các dự án thuộc phân khúc cao cấp và hạng sang trở lên sẽ khiến giá bán tiếp tục neo ở mức cao tại cả 2 thành phố. Riêng tại Tp.HCM, ngoài các dự án mở bán mới cũng sẽ có một số dự án dự kiến tái xây dựng và tái mở bán sau thời gian dài im ắng do vướng mắc pháp lý.

Theo bà Dung, sang năm 2024, dù tâm lý dè dặt của nhà đầu tư và người mua nhà là không thể tránh khỏi nhưng sẽ khả quan hơn năm 2023. Về mặt chính sách, các Luật đã được Quốc hội thông qua là tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản nhà ở.

" Niềm tin của người mua nhà bắt đầu có dấu hiệu phục hồi từ nửa cuối năm 2023 khi chúng tôi thấy tỷ lệ thanh khoản tốt hơn tại các dự án được chào bán mới trong quý. Tuy nhiên sự phục hồi vẫn còn diễn ra rất chậm và niềm tin của người mua nhà vẫn còn cần rất nhiều yếu tố để có thể phục hồi mạnh mẽ”, Chuyên gia CBRE Việt Nam nhấn mạnh.

Nhiều doanh nghiệp địa ốc khó gắng gượng thêm được nữa vì tiếp tục phải

Ảnh: Hạ Vy

Một số chuyên gia trong ngành cũng nhấn mạnh, theo đúng chu kỳ đến năm quý 2/2025 thị trường bất động sản mới tiến vào giai đoạn khởi sắc.

Nhận định thận trọng về thị trường, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan, cho biết xét từ các yếu tố như thời gian cần để các bộ Luật mới thẩm thấu vào thị trường, tăng trưởng kinh tế và diễn biến tâm lý người mua nhà, năm 2024 sẽ chỉ là năm bắt đầu chu kỳ "đảo chiều" của bất động sản, còn sớm để nói đến sự phục hồi và tăng trưởng. Sự "đảo chiều" này không phải là thị trường sẽ hết khó và tiến ngay vào giai đoạn phục hồi. Đây chỉ là điểm kết thúc chu kỳ "đi xuống" của bất động sản. Từ điểm đảo chiều, thị trường sẽ tiến vào giai đoạn "đi ngang", thanh khoản ít nhiều có cải thiện nhưng khó tăng trưởng đột phá.

Doanh nghiệp địa ốc vẫn gánh nặng nỗi lo dòng tiền

Một số chuyên gia trong ngành thừa nhận, mặc dù thị trường bất động sản đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực năm 2024, nhưng các doanh nghiệp vẫn gặp khó về dòng tiền .

Ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, thị trường địa ốc còn nhiều thách thức bởi các doanh nghiệp bất động sản gặp khó trong việc tiếp cận vốn vay tín dụng và hầu như không huy động được vốn trái phiếu doanh nghiệp cũng như các nguồn vốn từ khách hàng, dẫn đến tình trạng thiếu vốn để triển khai dự án

Cùng với đó, doanh nghiệp bất động sản vẫn áp lực khoản nợ vay ngân hàng. TS Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho biết ngay trong tháng 1/2024 có 15.600 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản đáo hạn. Trước những khó khăn về dòng tiền, ông Lực cho hay doanh nghiệp cần có kế hoạch cụ thể, khả thi thanh toán nợ trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, nhất là trong năm 2024.

Nhiều doanh nghiệp địa ốc khó gắng gượng thêm được nữa vì tiếp tục phải

Để khơi thông dòng tín dụng chảy vào thị trường địa ốc, bên cạnh những kế hoạch chi tiết mà doanh nghiệp tự đặt ra, một số doanh nghiệp bất động sản cho rằng, ngành ngân hàng cần “mở” hơn về các điều kiện cấp tín dụng. Cụ thể, về thủ tục, cần đơn giản hóa hồ sơ, rút ngắn thời gian phê duyệt và cấp tín dụng xuống dưới 1 tháng. Bên cạnh đó, cần giảm lãi suất nhiều hơn nữa, nhất là đối với các doanh nghiệp có lịch sử tín dụng tốt và phương án kinh doanh khả thi.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đề xuất Chính phủ cho kéo dài thời gian cơ cấu khoản vay; tiếp tục cho phép dùng 34% vốn ngắn hạn cho vay trung – dài hạn (thay vì rút xuống 30%); nới room cho những ngân hàng đang tham gia tái cơ cấu thị trường bất động sản; kéo dài thời gian cho vay đối với các ngành liên quan trực tiếp tới bất động sản.

Các chuyên gia cho rằng, việc “nới” tín dụng là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay, nhằm tiếp sức cho các doanh nghiệp bất động sản, vốn đã ở trong tình thế khó và lại chuẩn bị đối diện với “cơn bão” đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2024.

Mới đây, theo số liệu của Tổng cục Thống kê đưa ra, ngay đầu năm 2024 đã có 2.000 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tạm ngừng hoạt động, bằng 138% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp giải thể là 149 doanh nghiệp, bằng 97,4% so với cùng kỳ. Cùng với đó, tình trạng cắt giảm nhân sự tại các doanh nghiệp bất động sản vẫn đang diễn ra không chỉ đối với các doanh nghiệp nhỏ, mà với cả các doanh nghiệp lớn.

Hạ Vy

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên