Nhiều doanh nghiệp EU vẫn lạc quan về môi trường kinh doanh Việt Nam
Mặc dù vẫn còn lo lắng về luật pháp nhưng đa số các doanh nghiệp châu Âu ở Việt Nam nhìn chung vẫn lạc quan về môi trường kinh doanh Việt Nam...
- 10-07-2018Kiến nghị cơ chế kiểm soát doanh nghiệp FDI lỗ nhưng vẫn mở rộng đầu tư
- 10-07-2018Chuyên gia Deloitte giải thích chuyện "chuyển giá" của doanh nghiệp FDI là hợp pháp ra sao?
- 10-07-2018“Việt Nam cần có một chiến lược thu hút FDI thế hệ mới”
Theo khảo sát mới nhất của Hiệp hội các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) về chỉ số môi trường kinh doanh quý 1/2018 cho thấy, các doanh nghiệp châu Âu hoặc có mối liên hệ với châu Âu tại Việt Nam vẫn khá lạc quan về môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam mặc dù không còn ở mức cao như năm 2016.
Cụ thể, so với quý liền trước, những đơn vị đánh giá tình hình môi trường kinh doanh là "xuất sắc" giảm còn 10%. Thay vào đó, các đơn vị xếp hạng "tốt" tăng thêm 7%. Số lượng đánh giá mang tính "tiêu cực" không nhiều thay đổi.
Nhìn chung, hầu hết các thành viên của EuroCham tự tin vào sự bình ổn và tiếp tục cải thiện nền kinh tế vĩ mô tại Việt Nam với mức tăng 9%. Số lượng doanh nghiệp nghĩ rằng nền kinh tế vĩ mô có thể xấu đi tiếp tục ngang bằng so với quý trước.
Đánh giá về lạm phát trong quý 1/2018, chỉ 1% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng lạm phát sẽ đe dọa công việc kinh doanh của doanh nghiệp mình. Do đó, các đại diện tham gia khảo sát đã xua tan nỗi lo về lạm phát.
Về khía cạnh nguồn lao động, số doanh nghiệp muốn duy trì lượng người làm việc tiếp tục giữ ở mức 40%. Trong khi có, 12% có kế hoạch tuyển thêm nhiều, 41% tuyển thêm một ít.
Những doanh nghiệp thể hiện mong muốn giảm thiểu số lượng người lao động "giảm nhẹ" từ 10% xuống còn 5% và "giảm mạnh" từ 3% còn 2%.
Về kế hoạch đầu tư trong quý tới, 45% thành viên EuroCham muốn duy trì mức đầu tư hiện tại, số lượng thành viên dự kiến tăng đầu tư mạnh có giảm 7% so với quý trước và 11% trong số lượng các doanh nghiệp muốn tăng nhẹ số vốn đầu tư.
Đánh giá việc phát triển luật ở Việt Nam năm vừa qua, 37% cho rằng không có gì thay đổi, 25% nói đã được cải thiện phần nào và 2% thấy có nhiều cải thiện. Những phản hồi mang tính tiêu cực bao gồm 16% nhận xét luật ngày càng trở nên phức tạp, 18% tin rằng năm ngoái luật đã có nhiều thay đổi lớn và phức tạp đối với doanh nghiệp.
Ông Nicolas Audier, đồng Chủ tịch EuroCham cho rằng, kết quả khảo sát cho thấy những kỳ vọng lạc quan từ phía các doanh nghiệp Châu Âu đối với Việt Nam, tuy nhiên, không ở mức cao như vào năm 2016.
EuroCham hy vọng trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam sẽ thúc đẩy các động lực trong việc cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh, đặc biệt là những thay đổi về mặt pháp lý, hoàn tất những cam kết đối với Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) hứa hẹn sẽ có hiệu lực trong năm 2018.
Vneconomy