MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều dự án hấp dẫn chờ đợi nhà đầu tư

Giai đoạn 2021- 2030, Đồng Nai đã chuẩn bị sẵn quỹ đất để chào mời nhà đầu tư tham gia vào loạt dự lớn với số vốn lên đến hơn 10 tỉ USD

UBND tỉnh Đồng Nai nhận định với vai trò trung tâm kết nối giao thông các vùng kinh tế, nguồn nguyên liệu như Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, ĐBSCL, dự kiến đến năm 2030, Đồng Nai sẽ trở thành địa phương có kinh tế phát triển thứ 3 trên cả nước. Do đó, thời gian tới, tỉnh sẽ là điểm đến của nhiều tập đoàn trong và ngoài nước.

Những dự án "tỉ đô"

Để nắm bắt cơ hội trên, trong danh mục những dự án mời gọi đầu tư FDI giai đoạn 2021-2025, Đồng Nai có 5 dự án gọi vốn hơn 6 tỉ USD. Cụ thể, dự án đường sắt Trảng Bom - Hòa Hưng (TP HCM) có vốn đầu tư gần 2,98 tỉ USD, đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu vốn đầu tư 2,47 tỉ USD; đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - sân bay Long Thành có vốn đầu tư 174 triệu USD, đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương (đoạn từ Dầu Giây đến Tân Phú) vốn đầu tư 268 triệu USD và hệ thống cấp nước, xử lý chất thải TP Long Khánh có vốn đầu tư 127 triệu USD. "Do các dự án này đa số thuộc lĩnh vực hạ tầng giao thông nên khi hoàn thành sẽ tạo điều kiện cho phát triển kinh tế của tỉnh và những vùng lân cận nên tỉnh đã chuẩn bị sẵn quỹ đất để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư" - lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai chia sẻ.

Ở lĩnh vực du lịch, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đưa ra 6 dự án "khủng" để mời gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn đầu tư hơn 1,2 tỉ USD. Ngoài ra, còn có các dự án nhà ở xã hội (NƠXH) với tổng số vốn gần 40.000 tỉ đồng; dự án khu đô thị Hiệp Hòa (phường Hiệp Hòa, TP Biên Hòa) có diện tích 293 ha với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 72.000 tỉ đồng; dự án hạ tầng kỹ thuật các KCN, nông nghiệp và công nghiệp công nghệ cao cần nguồn vốn vài tỉ USD cũng đang được tỉnh Đồng Nai mời gọi đầu tư.

Nhiều dự án hấp dẫn chờ đợi nhà đầu tư - Ảnh 1.

TP Biên Hòa sẽ có 2 dự án đường sắt đi qua với tổng vốn đầu tư hơn 5,4 tỉ USD

Bà Đoàn Thị Ngọc Vân, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) nhấn mạnh Đồng Nai là điểm đến đầu tư lý tưởng giai đoạn hậu COVID-19 của doanh nghiệp (DN). Từ đầu năm 2022 đến nay, DN Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, châu Âu, Ấn Độ… đã thăm và làm việc với Đồng Nai để tìm hiểu môi trường, cơ hội đầu tư và có chung nhận định Đồng Nai là điểm đến hấp dẫn. "Đồng Nai là trung tâm sản xuất công nghiệp lớn của Việt Nam, có nhiều tập đoàn nước ngoài đầu tư vào tỉnh rất thành công. Đặc biệt, sắp tới, khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động, từ Đồng Nai đến các trung tâm tài chính, sản xuất hàng đầu của khu vực chỉ trong vòng 2 giờ bay nên Đồng Nai càng có lợi thế cho nhà đầu tư" - bà Vân nhấn mạnh.

Nói về các dự án mời gọi đầu tư kể trên, ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, nhấn mạnh đến dự án khu đô thị Hiệp Hòa. Ông nói UBND tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo Sở KH-ĐT chủ trì phối hợp cùng các sở, ngành và UBND TP Biên Hòa hoàn thiện quy trình, hồ sơ thủ tục; UBND tỉnh sẽ trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét quyết định chủ trương đầu tư. "Khu đô thị có vị trí gần sân bay, gần quốc lộ, cao tốc và cảng nên có nhiều ưu thế, thuận lợi khi đầu tư" - lãnh đạo tỉnh Đồng Nai nói.

Nhiều ưu đãi

Thừa nhận những lợi thế không phải địa phương nào cũng có được khi đầu tư vào Đồng Nai, nhưng các chuyên gia, DN cũng đưa ra nhiều kiến nghị và đề nghị tỉnh tháo gỡ liên quan đến thủ tục, đất đai, quy hoạch… Ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch CLB Bất động sản Việt Nam, nhìn nhận Đồng Nai là địa bàn các DN rất quan tâm và muốn sở hữu quỹ đất lớn để triển khai các dự án bất động sản, công nghiệp, thương mại dịch vụ. Tuy nhiên, để thực sự hút DN, Đồng Nai cần tạo điều kiện tốt hơn nữa cho nhà đầu tư tiếp cận về đất đai thông qua việc giải quyết thủ tục nhanh chóng.

Tương tự, nhiều DN quan tâm đến hạ tầng KCN cho rằng hiện diện tích đất công nghiệp cho thuê ở Đồng Nai còn rất ít nên khi DN muốn tham gia đầu tư một số dự án hạ tầng kỹ thuật KCN thì quá trình thực hiện các thủ tục còn rườm rà, mất nhiều thời gian làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án. "Thủ tục hành chính kéo dài sẽ làm mất đi nhiều cơ hội trong thu hút vốn FDI vì nhiều DN không thể chờ đợi thời gian thuê đất quá lâu" - các DN nêu ý kiến. Các DN đề xuất Chính phủ đơn giản, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục cho những dự án hạ tầng KCN của Đồng Nai nói riêng, cả nước nói chung.

Trong khi đó, các DN quan tâm đến NƠXH đề nghị thông tin rõ hơn về chính sách cho nhà đầu tư. Theo ông Hồ Văn Hà, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai, đối với dự án NƠXH, DN đầu tư sẽ được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, miễn giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN. Đồng thời, nhà đầu tư dự án còn được dành 20% tổng diện tích đất ở để xây dựng nhà ở thương mại để bù đắp chi phí đầu tư. "Đặc biệt, các DN khi đầu tư dự án NƠXH còn được vay vốn ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội; UBND tỉnh hỗ trợ DN toàn bộ hoặc một phần kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án…" - giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai thông tin thêm.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng khẳng định tiếp tục ưu tiên nguồn vốn đầu tư công để triển khai các dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng, giữ môi trường sản xuất, kinh doanh ổn định nhất cho DN để dự án đầu tư đạt hiệu quả cao. "Quy hoạch các dự án trên địa bàn cũng được tỉnh công khai để mời gọi những tập đoàn kinh tế lớn có tiềm năng về công nghệ, tài chính đăng ký thực hiện. DN thực hiện dự án tại Đồng Nai sẽ được hướng dẫn, giải quyết thủ tục kịp thời. Tỉnh giao trách nhiệm cho Ban Quản lý các KCN Đồng Nai làm đầu mối nắm bắt, xử lý những vướng mắc của dự án trong KCN, dự án ngoài KCN do Sở KH-ĐT giải quyết" - bà Nguyễn Thị Hoàng nêu rõ địa chỉ.

Theo Nguyễn Tuấn

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên