MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều giải pháp giữ chân lao động cuối năm

Trong bối cảnh kinh tế kinh thế giới gặp nhiều khó khăn, khiến nhiều DN bị sụt giảm đơn hàng, song các DN vẫn chấp nhận bỏ ra một khoản chi phí để giữ chân lao động.

Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cho biết, hiện có hơn 240.000 công nhân dệt may, da giày, chế biến gỗ thiếu việc làm dịp cuối năm do doanh nghiệp cắt giảm hoặc chờ đơn hàng. Đây là thống kê chưa đầy đủ do tình trạng cắt giảm lao động, giờ làm đang diễn ra diện rộng. Để giữ chân công nhân, nhiều nhà máy dùng hết phép năm nay và ứng phép năm 2023 để bù đắp. Hiện, các địa phương có đông lao động đang tính các giải pháp bảo vệ người lao động , tránh dẫn đến tranh chấp, ngừng việc tập thể.

Tuy nhiên, nếu thiếu việc mà ngay lập tức cho công nhân nghỉ việc rất có thể doanh nghiệp sẽ lại nhanh chóng rơi vào tình trạng thiếu lao động khi có đơn hàng mới. Chính vì vậy, các doanh nghiệp phải đưa nhiều giải pháp để giữ chân lao động

Công ty sản xuất panel đang có hơn 350 lao động. Trung bình mỗi năm, công ty sản xuất hơn 3,5 triệu mét panel cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, nay đơn hàng của doanh nghiệp bỗng sụt giảm 15%. Dù vậy, doanh nghiệp vẫn không cắt giảm lao động, chỉ giảm bớt ca làm việc và chia việc đều cho các công nhân có việc để làm.

Công ty cổ phần Hợp tác kinh tế và Xuất nhập khẩu Savimex - một doanh nghiệp sản xuất đồ nội thất đang có hơn 1.100 lao động. Các sản phẩm của doanh nghiệp chủ yếu cung ứng cho Mỹ và các nước châu Âu. Đang lúc tình hình kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, đơn hàng của các đối tác ở các thị trường truyền thống này bỗng nhiên sụt giảm từ 30 - 50%. Song, không vì thế mà doanh nghiệp sa thải lao động.

Nhiều giải pháp giữ chân lao động cuối năm - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp đã có những biện pháp để thu hút và giữ chân người lao động. Ảnh minh họa.


Theo chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh kinh tế kinh thế giới đang gặp nhiều khó khăn, khiến nhiều doanh nghiệp bị sụt giảm đơn hàng. Song, trong ngắn hạn các doanh nghiệp vẫn chấp nhận bỏ ra một khoản chi phí để giữ chân lao động, không chỉ tạo điều kiện cho người lao động duy trì công ăn việc làm, mà còn tạo cho người lao động có niềm tin về triển vọng nghề nghiệp, cũng như niềm tin kinh tế sẽ sớm phục hồi trở lại. Còn ở góc độ doanh nghiệp thì họ cũng đánh giá được những lợi ích trong ngắn hạn và dài hạn.

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn - chuyên gia Kinh tế, Giảng viên Đại học Fullbright Việt Nam cho biết: "Trước mắt họ chấp nhận mở ra một khoản chi phí nào đó để tiếp tục duy trì công ăn việc làm cho người lao động nhưng khi nền kinh tế phục hồi, các đơn hàng phục hồi trở lại họ lại không bị mất đi chi phí tìm kiếm và tuyển dụng lao động, thậm chí là phải đào tạo lao động mới để đáp ứng các nhu cầu về mặt kỹ năng có tính chuyên môn hóa cao".

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, lúc này Chính phủ và chính quyền địa phương cần phát huy vai trò hỗ trợ doanh nghiệp bằng các chi phí tăng thêm như hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp cho các doanh nghiệp khi người lao động đang đứng trước ngưỡng cửa mất việc, giảm tiền điện nước, mặt bằng, thuê đất… để doanh nghiệp hỗ trợ chéo cho người lao động, vừa giúp doanh nghiệp tăng cường khả năng chống chịu khó khăn vừa giải quyết sinh kế, thu nhập tạm thời cho người lao động.

Theo Ban Thời sự

VTV.VN

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên