Nhiều hãng ô tô lớn tại Trung Quốc đã lên kế hoạch mở rộng đầu tư, sản xuất kinh doanh vào Việt Nam
Theo thông tin từ Bộ Công thương, sáng 30/9/2024, tại Bắc Kinh, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng Đoàn công tác đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc.
Cùng tham dự buổi làm việc, về phía Đoàn công tác Việt Nam có đại diện Văn phòng Chính phủ cùng lãnh đạo các Cục, Vụ chức năng trong Bộ Công Thương. Về phía Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc có đồng chí Kim Tráng Long - Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc; cùng một số lãnh đạo cán bộ, chuyên viên đang công tác tại Bộ.
Tại buổi làm việc, hai nhà lãnh đạo đã điểm lại quan hệ hợp tác kinh tế, công nghiệp của hai nước, hai Bộ trong những năm qua; cùng đó trao đổi, thảo luận để đưa ra những giải pháp thúc đẩy hợp tác kinh tế, công nghiệp giữa hai nước phát triển hơn nữa trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại buổi làm việc và đề xuất phương hướng để thúc đẩy hợp tác công nghiệp nhanh, mạnh hơn nữa giữa Việt Nam và Trung Quốc, bên cạnh việc triển khai hiệu quả Bản thoả thuận mới ký, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị:
Thứ nhất, hai bên cần đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp ô tô. Thúc đẩy hợp tác với một số tập đoàn/doanh nghiệp có quy mô lớn đã đầu tư tại Việt Nam, hợp tác với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam trong việc triển khai sản xuất các sản phẩm xe thương mại phù hợp với định hướng của Chính phủ và thị trường Việt Nam.
Thứ hai, hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp tiêu dùng. Theo Bộ trưởng, ngành thực phẩm của Trung Quốc đang áp dụng các công nghệ tiên tiến như 5G và trí tuệ nhân tạo để cải thiện hoạt động kinh doanh trong ngành chế biến thực phẩm. Việc sử dụng công nghệ cao trong hoạt động sản xuất của các công ty chế biến đã đem lại những tín hiệu tích cực cho ngành công nghiệp thực phẩm tại Trung Quốc.
Ngoài ra, công nghệ cao còn được ứng dụng trong một số lĩnh vực khác của ngành công nghiệp thực phẩm như đóng gói và vận chuyển.
Cùng đó, đề nghị phía Trung Quốc phối hợp tổ chức các hội thảo chia sẻ kinh nghiệm để học hỏi và phát triển, hỗ trợ Việt Nam trong quá trình áp dụng, nâng cấp dây chuyền công nghệ, giảm thiểu mức độ lãng phí nguyên liệu trong khâu chế biến thực phẩm.
Thứ ba, trong lĩnh vực khoáng sản, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị hai bên thúc đẩy hợp tác về khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ trong thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản nhằm nâng cao hiệu quả, giảm tổn thất tài nguyên, nâng cao năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, thân thiện với môi trường, phù hợp với các quy định pháp luật, tiêu chuẩn của Việt Nam.
Thứ tư , trong ngành công nghiệp hỗ trợ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam đề nghị hai bên tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, cơ chế chính sách cấp trung ương và địa phương về phát triển chuỗi cung ứng. Thúc đẩy liên kết doanh nghiệp FDI Trung Quốc và doanh nghiệp nội địa Việt Nam.
Ngoài ra, đề nghị phía Trung Quốc tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào hoạt động cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho các nhà đầu tư nước ngoài; chia sẻ thông tin, tổ chức các khóa đào tạo hỗ trợ cán bộ, chuyên gia của Việt Nam trong quản lý và phát triển các ngành công nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc Kim Tráng Long nhất trí với các đề xuất từ phía Việt Nam và khẳng định sẽ tạo điều kiện, hết lòng thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, công nghiệp giữa hai Bộ, hai nước.
Bộ trưởng Kim Tráng Long cũng đánh giá cao Bản ghi nhớ hợp tác vừa được ký kết giữa hai Bộ trong tháng 8/2024 vừa qua, hai bên có thể thiết lập những cơ chế hợp tác, trao đổi thường xuyên để thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, công nghiệp phát triển hơn nữa. Doanh nghiệp hai nước có thể thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực mà cả hai cùng quan tâm như vật liệu thô, công nghiệp ô tô, công nghiệp điện, phối hợp phát triển hệ thống các khu công nghiệp...
“Hiện nay nhiều hãng ô tô lớn tại Trung Quốc đã lên kế hoạch mở rộng đầu tư, sản xuất kinh doanh vào Việt Nam. Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc cam kết hỗ trợ các doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng đầu tư vào Việt Nam, dựa trên nhu cầu của mỗi nước” - Bộ trường Kim Tráng Long cho hay.
Bộ trưởng Kim Tráng Long cũng đề xuất, hai bên cần thúc đẩy, xây dựng phát triển chuỗi cung ứng ngành công nghiệp; thúc đẩy hợp tác lĩnh vực công nghiệp điện, công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp hỗ trợ, và thúc đẩy phát triển công nghệ hàng không vũ trụ...
Trước đó, sáng ngày 29/9/2024, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào đã đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 13 Ủy ban Hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam – Trung Quốc tại thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã nhấn mạnh một số nội dung trọng điểm nhằm tiếp tục duy trì và thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế thương mại hai nước như: (i) Hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác, đảm bảo thông quan thông suốt tại các cửa khẩu; phối hợp phân luồng thông quan hiệu quả tại các cửa khẩu biên giới; (ii) Hoàn thiện cơ sở hạ tầng cửa khẩu biên giới, không ngừng nâng cấp, cải thiện hạ tầng cửa khẩu biên giới; (iii) Thúc đẩy mở cửa thị trường cho nông sản của Việt Nam; (iv) Thúc đẩy khai thác các tuyến công-ten-nơ đường sắt; (v) Cùng nghiên cứu mô hình mới để triển khai Khu hợp tác kinh tế qua biên giới; (vi) Thúc đẩy việc thành lập Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Trung Quốc.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc cũng đưa ra một số nội dung nhằm mở rộng và tạo thuận lợi cho hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại song phương như: (i) Tăng cường hợp tác đầu tư và chuỗi cung ứng (hợp tác kinh tế số, phát triển xanh, hợp tác khu công nghiệp, khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, chính sách hỗ trợ tiêu thụ xe điện; (ii) Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thương mại (thương mại điện tử xuyên biên giới, hợp tác trong lĩnh vực tiêu chuẩn, phòng vệ thương mại…) và (iii) Tăng cường hợp tác đa phương, khu vực.
Nhịp sống thị trường