Nhiều khả năng Sabeco sẽ thoái vốn Nhà nước như Vinamilk, thỏa thuận ngoài sàn
Sabeco càng chậm thay đổi thì các đối thủ cạnh tranh càng nhanh chóng bắt kịp thị phần và giá trị của công ty sẽ suy giảm. Vì vậy, điều quan trọng với công ty này là phải thay đổi cơ cấu sở hữu và niêm yết trên thị trường chứng khoán.
- 16-06-2016Cựu Chủ tịch Sabeco: "Bán Sabeco một lần trên sàn như ông bố có con gái xinh lại mang ra chợ và lấy số đấu giá, trúng thằng nào thì lấy thằng đấy"
- 15-06-2016Cựu Chủ tịch Sabeco nói gì về việc mời con trai cựu Bộ trưởng Công Thương về làm Phó Tổng giám đốc?
- 15-06-2016Ông Vũ Quang Hải: Tôi được “xin” về Sabeco “đúng quy trình”
- 15-06-2016Bổ nhiệm con làm lãnh đạo Sabeco: Nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói gì?
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Việt Đức, chuyên gia nghiên cứu cao cấp của Chứng khoán MB (MBS) khi trao đổi với báo điện tử Trí Thức trẻ về phương thức thoái vốn Nhà nước tại Sabeco.
Thưa ông, Nhà nước có chủ trương thoái vốn tại Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Hiện đã có một số nhà đầu tư ngỏ ý, nhưng đến nay sau nhiều năm việc bán vốn tại đây vẫn chưa đạt được mục tiêu. Ông nhận xét gì về nguyên nhân?
Tỷ phú Buffet từng nói: “Khi chúng tôi sở hữu cổ phần trong những doanh nghiệp xuất sắc với một bộ máy quản lý xuất sắc, thì thời gian mà chúng tôi muốn nắm giữ cổ phần là mãi mãi”.
Sabeco là một trong những doanh nghiệp lớn làm ăn hiệu quả nhất hiện nay, với thị phần 43,5% tại thị trường bia Việt Nam. Riêng cổ tức hàng năm cũng đem lại cho nhà nước 1.700 tỷ trên 5.475 tỷ giá trị ghi sổ cổ phiếu.
Nếu chỉ đứng trên phương diện một nhà đầu tư thông thường thì có lẽ Nhà nước sẽ không bao giờ muốn bán vốn tại những doanh nghiệp như Sabeco hay Vinamilk.
Dưới góc độ là chuyên gia phân tích về đầu tư, việc trì hoãn bán cổ phần tại Sabeco theo ông có khiến cho doanh nghiệp này giảm dần tính hấp dẫn. Thực tế là thương hiệu này đang bị cạnh tranh rất gay gắt với nhiều hãng bia nước ngoài?
Cho đến năm 2015, tình hình kinh doanh của Sabeco vẫn rất khả quan với doanh thu tăng 10% và lợi nhuận tăng 28% so với cùng kỳ năm trước. Không nói đến mức tăng trưởng lợi nhuận thì tăng trưởng doanh thu của Sabeco cũng vượt xa mức tăng trưởng 4,5% của thị trường bia. Điều này cho thấy Sabeco vẫn đang ở vị trí dẫn đầu trong một thị trường sẽ còn tăng trưởng thêm 50% trong 10 năm tới.
Tuy nhiên, việc các hãng bia nước ngoài đang gia nhập thị trường mạnh mẽ chưa từng có, cùng với việc hệ thống bán lẻ đang rơi dần vào các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đặt Sabeco ở một thời khắc rất quan trọng để thay đổi.
Việc giảm vốn nhà nước, mở rộng sự tham gia cho cổ đông nước ngoài và cổ đông tổ chức và cá nhân khác sẽ giúp việc quản lý trở nên hiệu quả và minh bạch hơn là điều Sabeco cần trong bối cảnh cạnh tranh gia tăng mạnh như hiện nay.
Trong một bài phỏng vấn mới đây, ông Phan Đăng Tuất, nguyên là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Sabeco cho biết nguyên nhân khó bán vốn Nhà nước là do Chính phủ phải cân nhắc việc bán như thế nào và bán cho ai để không bị mất thương hiệu của Việt Nam, tránh lặp lại bài học từ việc bán vốn tại Habeco. Ông nghĩ sao về quan điểm này?
Nhìn định hướng thoái vốn của SCIC đối với Vinamilk trong đó nhà nước sẽ bán vốn thành nhiều lần và theo phương thức thỏa thuận ngoài sàn thì tôi cho rằng rất có thể phương pháp thoái vốn trên cũng sẽ áp dụng cho Sabeco.
Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm phải giữ thương hiệu Sabeco hay Vinamilk, những thương hiệu quốc gia có sức thu hút với nhà đầu tư quốc tế như vậy là rất ít và gần như không có thương hiệu thay thế. Điều quan trọng là có những giải pháp để tăng cường giá trị của thương hiệu đó thay vì giữ chặt lại và hạn chế sự phát triển của công ty và thương hiệu.
Cựu Chủ tịch Sabeco cũng khẳng định Chính phủ sẽ không bao giờ đồng ý chuyện bán đấu giá công khai một lần trên sàn với Sabeco do lo ngại thao túng giá, dìm giá và không mang lại hiệu quả cho DN. Nhưng thực tế ở nước ngoài vẫn thực hiện theo cách thức này rất nhiều. Vậy theo ông lo ngại trên có là hợp lý hay không?
Theo thông tin của Bộ Công Thương thì tỷ lệ nắm giữ của nhà nước tại Sabeco có thể giảm từ mức 90% xuống tới 36%, tương đương mức bán ra là 350 triệu cổ phiếu với thị giá sẽ vào khoảng 1,5 đến 2 tỷ đô la Mỹ. Đây là một dung lượng khổng lồ với một đợt đấu giá xét trên quy mô của Việt Nam.
Vấn đề ở Việt Nam là dòng vốn đầu tư trong nước còn rất yếu do độ tích lũy của người dân chưa cao, thiếu các nhà đầu tư tổ chức nên các đợt đấu giá phụ thuộc nhiều vào dòng vốn nước ngoại. Những đợt đấu giá những công ty lớn gần đây như Vietnam Airlines, tổng công ty cảng hàng không Việt Nam số lượng cổ phiếu đưa ra đấu giá chỉ vào khoảng 50 đến 80 triệu cổ phiếu với tổng giá trị tương đương 50 triệu USD.
Do vậy, tôi cho rằng phương thức bán vốn từng lần là phù hợp với quy mô thị trường hiện tại. Nhà nước có lẽ cũng muốn tránh lặp điều đã xảy ra khi Nhà nước nắm 50% Vinamilk vào thời kỳ 2005- 2006. Vào thời gian đó, Vinamilk đã hoạt đông rất tốt nhưng vẫn chỉ là một công ty có quy mô vốn chủ sở hữu 2.154 tỷ.
Sau 10 năm, Vinamilk đã có quy mô vốn chủ sở hữu tăng gấp 10 lần (chưa tính tới việc chi trả cổ tức bằng tiền đều đặn 20% - 30% /năm) và giá cổ phiếu gấp 20 lần so với thời kỳ năm 2006.
Nếu như chuyện đấu giá một lần không được đồng ý và việc bán vốn nhà nước tại Sabeco vẫn tiếp tục bị kéo dài, ông có nghĩ rằng Sabeco sẽ bị kém hấp dẫn đi không?
Khi định giá một công ty nhà đầu tư nhìn vào hiệu quả hoạt động và tốc độ tăng trưởng trong tương lai. Sabeco càng chậm thay đổi thì các đối thủ cạnh tranh càng nhanh chóng bắt kịp thị phần của Sabeco và giá trị của công ty sẽ suy giảm.
Nhìn từ thành công của Vinamilk, điều quan trọng nhất với Sabeco là niêm yết cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước theo lộ trình, mở rộng sở hữu tư nhân trong đó có sở hữu nước ngoài, qua đó tăng cường độ minh bạch, tạo cơ chế để xây dựng một bộ máy quản trị xuất sắc, một quy mô hoạt động tối ưu và đầu tư thích hợp để duy trì tốc độ tăng trưởng.