MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều khó khăn trong thành lập mới các khu công nghiệp tại Đồng Nai

Đứng trước tình trạng ngày càng thiếu hụt quỹ đất khu công nghiệp, tỉnh Đồng Nai đang trong quá trình chuẩn bị các thủ tục để thành lập thêm các khu công nghiệp mới.

Tuy nhiên, hàng loạt khó khăn, vướng mắc đang cản trở quá trình này, khiến tiến độ thành lập khu công nghiệp mới của Đồng Nai vẫn chưa đạt kỳ vọng.

Chậm thành lập mới khu công nghiệp

Theo báo cáo của Ban Quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai, tỉnh có 33 KCN được thành lập với tổng diện tích đất hơn 10.500 ha. Trong đó, 31 KCN đang hoạt động, 1 KCN đang trong giai đoạn thành hình (KCN công nghệ cao Long Thành) và 1 KCN vừa thành lập vào tháng 7/2023 (KCN Long Đức 3).

Hiện diện tích cho thuê tại 32 KCN là hơn 6.000 ha, đạt 85,3% diện tích đất cho thuê. Để mở rộng quỹ đất cho khu công nghiệp.

Nhiều khó khăn trong thành lập mới các khu công nghiệp tại Đồng Nai - Ảnh 1.

Một góc Khu công nghiệp Long Đức, huyện Long Thành (Ảnh: Duy Phương)

Bà Dương Thị Xuân Nương - Phó Trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh Đồng Nai cho biết: "Tỉnh đang đôn đốc để trình Thủ tướng các quyết định chủ trương đầu tư để thành lập các khu công nghiệp mới. Bên cạnh đó, đối với một KCN đang trong quá trình thực hiện, chúng tôi đang đôn đốc để hoàn thiện hạ tầng hoàn chỉnh nhằm thu hút nhà đầu tư".

Hạ tầng hoàn chỉnh để chào đón doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp là quan trọng. Ngoài ra, vấn đề an sinh cho người lao động cũng là bài toán cần giải quyết.

Bà Tôn Thị Nhật Giang – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn KN Holdings cho biết, chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân chưa rõ nét.

Nhiều khó khăn trong thành lập mới các khu công nghiệp tại Đồng Nai - Ảnh 2.

Đồng Nai vẫn khó khăn trong thành lập khu công nghiệp mới (Ảnh: Duy Phương)

Theo bà Giang, để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư làm nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân thì phải đi từ chính sách, từ sự đồng bộ trong việc ưu đãi.

"Câu hỏi đặt ra, ai sẽ là đơn vị chịu trách nhiệm trong việc phát triển nhà lưu trú trong khu công nghiệp. Khi chủ đầu tư khu công nghiệp thấy không hiệu quả và đã bỏ, thì lại đặt ra cơ chế đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư phát triển nhà lưu trú" - ba Giang nhấn mạnh.

Vướng mắc giải phóng mặt bằng

Một vướng mắc lớn trong phát triển khu công nghiệp mới là giải phóng mặt bằng. Cụ thể, toàn tỉnh có tới 10 KCN đang vướng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với tổng diện tích đất khoảng 820ha.

Bà Nguyễn Thị Hoàng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết: Tỉnh đã có văn bản quy định trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương phối hợp với chủ đầu tư từng KCN cụ thể để thúc đẩy tiến độ giải phóng mặt bằng.

Nhiều khó khăn trong thành lập mới các khu công nghiệp tại Đồng Nai - Ảnh 3.

Đồng Nai sẽ tiến tới chọn lọc nhà đầu tư FDI (Ảnh: Duy Phương)

Đối với KCN Long Đức 3, bà Hoàng đề nghị cần đưa vào kế hoạch sử dụng đất năm 2023 của huyện Long Thành. Sau khi thực hiện công tác này, UBND tỉnh giao Ban Quản lý các KCN thực hiện nhiệm vụ lập quy hoạch.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng và sự chậm trễ trong triển khai các khu công nghiệp đã làm lỡ nhịp tăng trưởng của tỉnh.

Ông Lĩnh yêu cầu phải tăng tốc trong triển khai xây dựng các khu công nghiệp mới: "Sắp tới đề xuất thêm 4 - 5 khu công nghiệp nữa với khoảng 6.000 ha mới. Tôi đề nghị Ban cán sự đảng UBND tỉnh thúc đẩy thủ tục, thúc đẩy hồ sơ, thúc đẩy lộ trình. Làm sao sớm ra sản phẩm để thu hút nhà đầu tư thứ cấp".

Là địa phương phát triển mạnh về công nghiệp, việc thiếu quỹ đất khu công nghiệp cho thấy tỉnh Đồng Nai đã thiếu quy hoạch, thiếu tầm nhìn trong quá khứ. Để lấy lại đà tăng trưởng, Đồng Nai cần khẩn trương giải quyết các vướng mắc, nhanh chóng đưa thêm khu công nghiệp mới vào hoạt động.

Theo Duy Phương

vov.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên