Lùi thời gian thu phí cao tốc đoạn Nha Trang - Cam Lâm
Chủ đầu tư dự án cao tốc đoạn Nha Trang - Cam Lâm dự kiến thu phí trong tháng 9, tuy nhiên phải lùi lại 3 tháng so với kế hoạch.
- 04-09-2023Xẻ núi, bạt đồi thi công cao tốc Bắc - Nam xuyên lễ
- 03-09-2023Thi công xuyên lễ trên công trường cao tốc Bắc - Nam
- 02-09-2023Cận cảnh thi công hầm xuyên núi trên cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt
Ngày 4/9, ông Nguyễn Văn Huy - Giám đốc Công ty TNHH đầu tư đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm (Tập đoàn Sơn Hải), cho biết: Doanh nghiệp đã trình phương án thu phí mới cao tốc đoạn Nha Trang - Cam Lâm để Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phê duyệt.
Theo ông Huy, động thái trên được thực hiện sau khi phương án thu phí không dừng cho dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
“Chúng tôi đang gấp rút hoàn thiện các hạng mục của 4 trạm thu phí trên đoạn cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, sẽ hoàn thành trong tháng 9. Công tác tuyển nhân sự làm việc tại các trạm thu phí đã được công ty triển khai”, ông Huy nói và cho biết trong phương án mới doanh nghiệp trình Bộ GTVT, sẽ thu phí chính thức cao tốc Nha Trang - Cam Lâm vào tháng 11/2023, chậm 3 tháng so với kế hoạch trước đó.
Ông Huy cũng cho biết từ nay đến khi Bộ GTVT duyệt cho thu phí chính thức, người dân vẫn lưu thông bình thường trên cao tốc Nha Trang - Cam Lâm như trước đây.
Trước đó, Bộ GTVT đã phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật 4 trạm thu phí trên đoạn cao tốc Nha Trang - Cam Lâm tại 4 nút giao, gồm: Diên Khánh, Suối Dầu, Cam Lâm và TP Cam Ranh; trong đó một nhà điều hành cao tốc CMO đặt tại Suối Dầu.
Dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm có chiều dài 49 km khởi công tháng 9/2021, có tổng kinh phí hơn 7.600 tỷ đồng, trong đó, giai đoạn 1 là 5.524 tỷ đồng. Dự án được triển khai theo phương thức PPP (đối tác công tư) và hợp đồng BOT (xây dựng - chuyển giao).
Dự án khánh thành vào ngày 19/5/2023, vượt tiến độ 3 tháng so với hợp đồng. Thời điểm khánh thành dự án, chủ đầu tư cho biết đã trình Bộ GTVT phương án thu phí cao tốc Nha Trang - Cam Lâm vào tháng 9/2023.
Theo đó, tại mỗi chiều có một làn thu phí tự động không dừng (ETC) đa làn tự do, một làn thu phí hỗn hợp (ETC+MTC); hệ thống có thể xử lý với tốc độ tối đa khi xe vào làn ETC đa làn tự do là 120 km/giờ và vào làn hỗn hợp là 40 km/giờ. Tại làn trung tâm (một làn theo mỗi chiều) áp dụng hình thức thu phí ETC không có barie, tốc độ xe qua làn tối đa là 120 km/giờ, còn các làn ngoài cùng là làn thu phí hỗn hợp (ETC+MTC) có barie với tốc độ xe qua làn tối đa là 40 km/giờ.
Tuy nhiên, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, theo chỉ đạo của Chính phủ thì ngày 1/8, trên các tuyến cao tốc chỉ thu phí tự động không dừng.
Theo ông Nguyễn Văn Huy, sau khi có chỉ đạo của Chính phủ, doanh nghiệp phải làm lại hồ sơ thu phí cho phù hợp với quy định mới. "Hiện phương án thu phí theo quy định mới doanh nghiệp trình Bộ GTVT thì phương tiện đi hướng Bắc - Nam sẽ thu phí theo hình thức không dừng. Còn chiều ngược lại sẽ có làn thu phí hỗn hợp để phù hợp với hình thức đầu tư của dự án", ông Huy thông tin.
Trước đó, Cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị Bộ GTVT chấp thuận cho tổ chức thu phí thí điểm tại dự án cao tốc đoạn Nha Trang - Cam Lâm theo hướng đầu vào đa làn tự do, đầu ra đơn làn có barie (không có làn MTC). Từ đó, điều chỉnh tốc độ thiết kế khi xe vào làn có barie là 60 km/giờ.
Cục Đường bộ Việt Nam cũng chỉ đạo nhà đầu tư nghiên cứu phương án thuê các nhà cung cấp dịch vụ thu phí thực hiện công tác thu phí (đầu tư, kết nối dịch vụ, vận hành và bảo trì) như mô hình hiện đang áp dụng tại các tuyến cao tốc do VEC quản lý.
Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam Phía Đông giai đoạn 2017-2020 gồm 11 dự án thành phần dài 654 km. Trong đó có 8 dự án thành phần dài 477 km đầu tư bằng hình thức đầu tư công và 3 dự án thành phần đầu tư theo phương thức đối tác công tư dài 177 km.
Tiền phong