MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều ngân hàng lên kế hoạch đại hội cổ đông

01-03-2021 - 15:58 PM | Tài chính - ngân hàng

Ngành ngân hàng rục rịch chuẩn bị vào mùa ĐHĐCĐ năm 2021. Ảnh: Internet.

Ngành ngân hàng rục rịch chuẩn bị vào mùa ĐHĐCĐ năm 2021. Ảnh: Internet.

Dù kết quả kinh doanh năm 2020 nhìn chung là tích cực, tuy nhiên, theo yêu cầu của cơ quan quản lý, năm nay các ngân hàng sẽ không được chia cổ tức bằng tiền mặt, cùng với đó có thể phải giảm lợi nhuận để hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Ngân hàng TMCP Công Thương (Vietinbank) vừa công bố thông tin về kế hoạch ĐHĐCĐ thường niên năm 2021.

Theo đó, ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 của Vietinbank dự kiến diễn ra vào ngày 16/4. Nội dung dự kiến được đưa ra gồm Báo cáo về hoạt động năm 2020, định hướng năm 2021; thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2020. Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2020, lãnh đạo VietinBank đề nghị không chia cổ tức, dồn toàn bộ lợi nhuận để tăng vốn hoặc thực hiện phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn tự có đáp ứng yêu cầu phát triển hoạt động kinh doanh. Sau đó phương án chia cổ tức được phê duyệt là chia cổ tức tiền mặt 5% và chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ hơn 28,7%. Vietinbank cho biết sẽ hoàn tất chia cổ tức bằng cổ phiếu muộn nhất vào quý 1/2021.

Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) cũng vừa công bố tài liệu ĐHĐCĐ dự kiến tổ chức ngày 24/3 tới. Ngân hàng sẽ trình cổ đông thông qua phương án tăng vốn với hình thức chia cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn chủ sở hữu 40% và phát hành ra công chúng. Năm 2021 là năm thứ hai VIB trình phương án không chia cổ tức tiền mặt để tăng vốn và tập trung phát triển các mảng kinh doanh trọng yếu. Vốn điều lệ của VIB dự kiến sau các phương án tăng vốn là khoảng 16.000 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank) dự kiến sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 vào ngày 9/3. Tuy nhiên, chưa có những thông tin cụ thể về nội dung sẽ được bàn tại ĐHĐCĐ lần này. Một trong những thông tin được thị trường lưu ý là việc "số phận" của ngân hàng này sẽ ra sao khi chưa thể sáp nhập với một ngân hàng khác. Cuối năm 2020, 300 triệu cổ phiếu PGB đã chính thức giao dịch trên UPCoM từ với giá tham chiếu 15.500 đồng/cp. Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vẫn là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu là 40%.

Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng vừa ra thông báo triệu tập họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 lần 3 và ĐHCĐ thường niên năm 2021 vào ngày 26 và 27/4/2021 tại Hà Nội.

Hai ĐHĐCĐ thường niên của Eximbank sẽ diễn ra liên tiếp trong bối cảnh nội bộ ngân hàng vẫn không ngừng lục đục. Mới đây nhất, ngày 9/12/2020, một nhóm cổ đông sở hữu 11,23% vốn Eximbank đã có thư kiến nghị đề nghị bãi nhiệm đối với 3 thành viên HĐQT là bà Lương Thị Cẩm Tú và các ông Đặng Anh Mai, Hoàng Tuấn Khải với lý do "3 thành viên HĐQT nêu trên đã không hoàn thành trách nhiệm và nghĩa vụ khi có tỷ lệ tham dự các cuộc họp HĐQT rất ít dẫn đến hiệu suất làm việc của HĐQT bị giảm sút". Ngày 7/12/2020, một nhóm cổ đông khác sở hữu 10,31% cổ phần Eximbank cũng có đề nghị bổ sung nội dung bãi nhiệm đối với 4 thành viên HĐQT là Chủ tịch Yasuhiro Saitoh, Lê Minh Quốc, Cao Xuân Ninh và Lê Văn Quyết.

Như vậy, tính cả HĐQT 9 người hiện nay của Eximbank thì đã có tới 7 người bị hai nhóm cổ đông lớn đề nghị miễn nhiệm. Trước đó, cổ đông chiến lược Sumitomo Mitsut Banking Corporation (SMBC) vào ngày 3/12/2020 cũng đã đề nghị bổ sung nội dung ĐHĐCĐ, thanh lọc HĐQT thông qua bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với từng thành viên, để giảm quy mô HĐQT từ 9 về còn 5-7 người.

Theo Đình Vũ

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên