MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều ngân hàng sắp "lên ghế nóng" trước cổ đông

17-03-2019 - 17:41 PM | Tài chính - ngân hàng

Xét về tạo lợi ích cho cổ đông, tái cơ cấu ngân hàng sau nhiều năm vẫn chưa cụ thể hóa cải thiện...

Cuối tháng 3 và tập trung vào tháng 4 hàng năm, các ngân hàng thương mại bước vào mùa đại hội đồng cổ đông. Sau nhiều năm tái cơ cấu, mùa đại hội năm nay dự báo vẫn tiếp tục có nhiều điểm nóng.

2017, 2018 và triển vọng 2019, tăng trưởng kinh tế hồi phục và đạt các mức cao, nhiều ngân hàng thương mại liên tiếp lập kỷ lục lợi nhuận. Nhưng, kết quả này không là mẫu số chung cho các thành viên, đặc biệt xét ở lợi ích cổ đông.

"Lợi nhuận tủ kính"

Trong hệ thống, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) bước vào mùa đại hội năm nay với tâm thế mới: tự hào khi gần như dẫn đầu toàn diện về lợi nhuận, xử lý và kiểm soát nợ xấu, chuẩn mực hoạt động, thu nhập nhân viên…

Nhưng với cổ đông, kỷ lục trên 18.000 tỷ đồng lợi nhuận năm qua có phần "tủ kính", vì tỷ lệ trả cổ tức vẫn chỉ quanh 8 - 10% những năm gần đây và khó có thể cải thiện, dù về điều kiện thực tế Vietcombank có năng lực chi trả cao hơn nhiều.

Mô hình ngân hàng thương mại nhà nước vẫn còn đó, cổ phần hóa nửa vời khiến chính ngân hàng khó tăng được vốn qua trả thêm cổ tức bằng cổ phiếu, hoặc gia tăng tỷ lệ chi trả ở mức độ hai con số như nhiều ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân khác.

Dù sao Vietcombank cũng là trường hợp chi trả được cổ tức đều đặn những năm qua, và bằng tiền mặt.

"Ghế nóng" cổ tức năm nay đặt ở khối quốc doanh, thuộc về Ngân hàng Công thương (VietinBank) và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV).

"Lợi nhuận tủ kính" tiếp tục thể hiện rõ tại hai trường hợp này, vì đã qua 2018, bước sang 2019 mà cổ đông nhỏ lẻ vẫn không rõ khi nào thì được trả cổ tức treo của 2017, cũng không rõ tỷ lệ sẽ thế nào bằng tiền mặt hay bằng cổ phiếu.

Từ 2016, câu chuyện cổ tức bắt đầu đặt ra căng thẳng tại VietinBank và BIDV, với yêu cầu được trả bằng cổ phiếu để tăng vốn. Bộ Tài chính không đồng ý. Và đến nay nút thắt tại đây gỡ theo hướng nào vẫn phải tiếp tục chờ thêm kỳ đại hội nữa.

Lần đại hội này, liệu hai thành viên trên có được trả cổ tức bằng cổ phiếu hay không?

Nút thắt nộp ngân sách vẫn khó gỡ ở hai điểm: một là, kế hoạch trung hạn ngân sách Nhà nước không đầu tư thêm, nhận cổ tức bằng cổ phiếu cũng đồng nghĩa với đầu tư thêm; hai là, nếu nhận cổ tức bằng cổ phiếu rồi bán ra thu tiền về, ngân sách cũng không thể như tại VietinBank do tỷ lệ sở hữu Nhà nước đã giảm ở ngưỡng cuối cùng.

Cả Vietcombank, VietinBank và BIDV, những thành viên tạo quy mô lợi nhuận lớn trong hệ thống, nhưng cho đến nay chính sách cổ tức cho cổ đông vẫn chưa có được một bước cải thiện rõ ràng sau nhiều năm.

Áp lực mới cận kề

Tại một số ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, "kỳ lạ" là đến nay cổ tức của 2017 cũng chưa thấy thực hiện. Nhìn rộng ra hệ thống, tình trạng nhiều ngân hàng thương mại đến nay vẫn chưa, hoặc không thể trả được cổ tức sau nhiều năm tái cơ cấu.

Tại đại hội 2018, vẫn có cổ đông thắc mắc vì sao Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) không trả cổ tức. Tương tự, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng gặp khó khăn ở lợi ích này.

Cuối 2011, chủ trương tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam đặt ra quyết liệt. Đến nay, chính hai thành viên mạnh mẽ hàng đầu trước đây trong khối thương mại cổ phần là Sacombank và Eximbank lại rơi vào khó khăn và chưa thể trở lại, cũng như chưa lấy lại được khả năng trả cổ tức cho cổ đông sau nhiều năm.

Với Sacombank, vị thế ngân hàng lớn vẫn còn đó, thể hiện ở sức gia tăng thị phần, tăng trưởng đáng kể ở các hoạt động, cùng các dự án gia cố nền tảng hoạt động liên tục được triển khai gần đây. Nhưng tại đại hội tới, câu hỏi nóng vẫn là thực sự triển vọng xử lý nợ xấu tại đây, khi tiến độ bắt đầu chậm lại trong 2018, trước khi có thể tính đến có cổ tức 3 - 5 năm nữa.

Với Eximbank, sau thay đổi lớn về cơ cấu thượng tầng nhân sự và cổ đông, cũng đã nhiều năm cho đến nay hoạt động kinh doanh vẫn kém khả quan. Câu hỏi nóng chờ tại đại hội sắp tới: liệu có cú hích nào đó để mở lại triển vọng ngân hàng lớn và hiệu quả một thời?

Nhìn lại, nhóm ngân hàng yếu kém được nhận diện đầu tiên triển khai tái cơ cấu hệ thống từ 2011, cùng các trường hợp sau đó, đến những thay đổi về cơ cấu sở hữu, ngoại trừ trường hợp TPBank thành công và đã trả được cổ tức, còn lại vẫn chưa rõ triển vọng đảm bảo được lợi ích cổ đông sau nhiều năm.

Phía trước, năm 2020 đã cận kề, yêu cầu thực hiện Thông tư 41 của Ngân hàng Nhà nước về các tiêu chuẩn an toàn vốn trong hoạt động, ở một đòi hỏi cao hơn về năng lực vốn, bắt đầu hiệu lực.

Thông tư 41 ban hành từ ba năm trước, tức là đã trù tính một khoảng thời gian để chuẩn bị. Nhưng đến sát kề, mùa đại hội đồng cổ đông 2019, câu hỏi vẫn đặt ra: nhiều ngân hàng thương mại làm sao đáp ứng tốt các tiêu chuẩn mới, trong khi lợi ích cho cổ đông chưa hoặc không thực sự có cải thiện, làm sao để huy động nguồn lực của họ cho yêu cầu thay đổi lớn này?

Thông tư 41 là chuẩn mực an toàn vốn Basel 2 - phương pháp tiêu chuẩn, mà đến nay toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam mới chỉ có hai thành viên là Vietcombank và VIB đáp ứng được.

Những trường hợp không đáp ứng được Thông tư 41 từ 1/1/2020, khi khó huy động được nguồn lực của cổ đông hoặc khó kêu gọi được nhà đầu tư mới, không tái cơ cấu tài sản được phù hợp và kịp thời, thì không loại trừ khả năng một lần nữa khung hoạt động hệ thống sẽ nhượng bộ.

Trong quá khứ, một số chính sách lớn về tăng cường tiêu chuẩn an toàn, năng lực tài chính hệ thống… cũng từng phải nhượng bộ, trì hoãn, thậm chí nhiều lần, do khó khăn áp dụng trên thực tế.

Theo Minh Đức

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên