MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều ngân hàng tăng lãi suất: Nhất thời hay xu hướng?

28-06-2017 - 16:10 PM | Tài chính - ngân hàng

Dù thanh khoản hệ thống vẫn dồi dào, nhưng kể từ đầu tháng 6 đến nay, một số ngân hàng vẫn tăng lãi suất đầu vào. Đây chỉ là động thái nhất thời hay tín hiệu mở đầu cho một xu hướng tăng lãi suất mới trong năm nay?

Những diễn biến thời gian qua cho thấy thanh khoản của toàn hệ thống ngân hàng đang dồi dào trở lại, cụ thể lãi suất liên ngân hàng liên tục đi xuống và vẫn duy trì ở mức thấp. Theo dữ liệu công bố gần nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lãi suất qua đêm trên thị trường 2 đến ngày 20/6 nằm tại 2,31%, kỳ hạn 1 tuần và 1 tháng cũng ổn định ở mức thấp tương ứng 2,68% và 3,59%. Trong khi đó, NHNN không có động thái bơm thêm vốn trên thị trường OMO, thậm chí còn hút ròng trong các tuần gần đây.

Tập trung tăng ở kỳ hạn từ 6 tháng trở lên

Tuy nhiên, kể từ đầu tháng 6 đến nay, một số ngân hàng lại có động thái tăng lãi suất huy động đầu vào. Cụ thể như ngân hàng Techcombank ngay ngày đầu tháng 6 đã tăng đều ở các kỳ hạn từ 4 tháng trở lên, cụ thể tăng 0,1% ở kỳ hạn 9 tháng và 15 tháng, tăng 0,2% ở kỳ hạn 4 - 5 tháng và 12 tháng, tăng 0,3% kỳ hạn từ 6 tháng - 8 tháng, 10 tháng, đặc biệt tăng mạnh 0,6% ở kỳ hạn 11 tháng.

Cùng thời điểm, ngân hàng Bắc Á tăng từ 0,1 - 0,15% ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Hiện tại các kỳ hạn dưới 6 tháng của ngân hàng này đã tiệm cận mức trần lãi suất 5,5% theo quy định, nên muốn tăng lãi suất chỉ còn cách điều chỉnh ở kỳ hạn trên 6 tháng.

Ngân hàng Quốc dân cũng tăng từ 0,45 - 0,7% đối với các kỳ hạn từ 7 tháng đến 11 tháng, tương tự lãi suất dưới kỳ hạn 6 tháng của ngân hàng này hiện cũng ở mức khá cao từ 5,3 - 5,5%.

Ngoài ra, một loạt ngân hàng khác cũng điều chỉnh tăng lãi suất huy động đầu vào. Ngân hàng Bản Việt tăng 0,4% ở các kỳ hạn từ 7 tháng - 11 tháng, do lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng của ngân hàng này cũng đang tiệm cận mức trần theo quy định là 5,5%. Ngân hàng An Bình tăng 0,2% đối với kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng lên 5,1%. Ngân hàng Việt Á tăng 0,1% ở kỳ hạn 6 tháng và 0,2% ở các kỳ hạn 12 tháng và 24 tháng.

Trong khi các ngân hàng nhỏ tăng mạnh lãi suất kỳ hạn trên 6 tháng đến 11 tháng, thì một số ngân hàng lớn lại tăng lãi suất trung dài hạn từ 12 tháng trở lên.

Biểu lãi suất công bố gần đây của Ngân hàng Agribank cho thấy điều chỉnh tăng 0,1% ở kỳ hạn 12 tháng và 0,3% ở kỳ hạn 18 tháng. Sau khi điều chỉnh giảm mạnh lãi suất vào cuối tháng 9 năm ngoái cùng với nhóm 3 ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước là Vietcombank, Vietinbank và BIDV thì biểu lãi suất của Agribank gần như đứng yên không thay đổi, do đó đợt điều chỉnh lần này là đáng chú ý.

Một trường hợp khác là Ngân hàng SHB cũng tăng 0,1% ở kỳ hạn 13 tháng lên 7,1% và tăng 0,3% ở kỳ hạn 18 tháng và 24 tháng lên mức 7,4%. Trong khi đó, Sacombank từ ngày 6/6 đã tăng 0,05% ở kỳ hạn 15 tháng, 0,1% ở kỳ hạn 18 tháng, 0,3% ở kỳ hạn 24 tháng và 0,4% ở kỳ hạn 36 tháng.

Việc tăng lãi suất với độ biến động 0,3 - 0,4% như kể trên là rất đáng chú ý, cho thấy nhu cầu huy động vốn đầu vào của các ngân hàng này đang cao trở lại dù thanh khoản toàn hệ thống được đánh giá là vẫn đang dồi dào.

Biến động lãi suất do dâu?

Sự điều chỉnh tăng mạnh lãi suất của các ngân hàng nhỏ cho thấy thanh khoản cục bộ của những ngân hàng này không dồi dào như toàn hệ thống nói chung.

Thực tế thanh khoản của hệ thống gần đây dồi dào trở lại theo một số lý giải là do tiền gửi của Kho bạc Nhà nước (KBNN) tại các ngân hàng tăng lên và chuyển sang có kỳ hạn khi mà vốn đầu tư ra nền kinh tế giải ngân chậm. Tuy nhiên, phần lớn tiền gửi của KBNN hiện nay đang nằm tại các ngân hàng lớn và các NHTM nhà nước, do đó các ngân hàng nhỏ hoàn toàn không được lợi gì từ việc tiền gửi KBNN tăng lên.

Yếu tố thứ hai giúp thanh khoản dồi dào lên là việc NHNN bơm VNĐ ra nền kinh tế thông qua việc tăng mua USD trong thời gian gần đây để tăng dự trữ ngoại hối, nhất là trong bối cảnh tỷ giá USD/VNĐ trong nước thời gian qua tương đối ổn định.

Tuy nhiên, lượng USD dưới dạng tiền gửi hiện nay cũng chủ yếu nằm tại các NHTM nhà nước như Vietcombank, Vietinbank hoặc những ngân hàng mạnh về thanh toán xuất nhập khẩu. Vì vậy, các ngân hàng nhỏ cũng không được hưởng lợi gì từ động thái mua USD bơm thêm VNĐ ra thị trường của NHNN.

Chính vì vậy, dù thanh khoản dồi dào nhưng chủ yếu là tại các ngân hàng lớn, còn các NHTM nhỏ vẫn có thời điểm gặp khó khăn thanh khoản cục bộ. Do đó, họ phải tăng lãi suất để tăng cường huy động vốn đảm bảo thanh khoản cũng như cho kế hoạch đẩy mạnh phát triển kinh doanh trong thời gian tới. Và, khi lãi suất dưới kỳ hạn 6 tháng đã gần với ngưỡng quy định trần lãi suất là 5,5% thì buộc các ngân hàng này phải tăng mạnh lãi suất từ kỳ hạn 6 tháng trở lên để tăng sức cạnh tranh huy động vốn.

Đối với các ngân hàng lớn phải tăng lãi suất huy động trung dài hạn như đã đề cập ở trên thì lý do có thể là muốn tăng nguồn vốn trung dài hạn để cải thiện tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Tỷ lệ này đã giảm xuống còn 50% kể từ đầu năm nay. Trong bối cảnh hầu hết toàn hệ thống đều thiếu vốn trung dài hạn để cho vay thì ngân hàng nào muốn đẩy mạnh cho vay trung dài hạn trong thời gian tới buộc phải tăng cường nguồn vốn huy động trung dài hạn.

Dù sự biến động lãi suất trong nửa đầu tháng 6 vừa qua là đáng lưu ý, nhưng chỉ diễn ra tại một số ngân hàng do đặc thù hoạt động và khó khăn cục bộ. Do vậy, sự biến động lãi suất khó có thể lan tỏa và gây sức ép lên mặt bằng lãi suất hiện tại. Nghị quyết xử lý nợ xấu đã được thông qua đem lại kỳ vọng sẽ đẩy nhanh tiến độ giải quyết nợ xấu, làm tiền đề cho lãi suất có thể giảm thêm.

Một phát biểu gần đây của Thống đốc NHNN cho thấy có thể xem xét lại kế hoạch điều chỉnh tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm xuống 40% kể từ đầu năm 2018 cho các ngân hàng. Nếu kế hoạch trên được hoãn lại thì sẽ giảm bớt áp lực huy động cho các ngân hàng, tạo cơ sở để ổn định lãi suất hoặc giảm thêm như kỳ vọng của cả nền kinh tế.\

Theo Lê Phan

Doanh nhân Sài Gòn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên