MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều ngân hàng tiếp tục hái quả ngọt nhờ chuyển đổi số

01-08-2021 - 18:54 PM | Tài chính - ngân hàng

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Khó khăn chồng chất khó khăn nhưng nhiều ngân hàng đã biết biến nguy thành cơ để phát triển.

Dịch bệnh Covid-19 đã kéo dài hơn 1 năm qua, tác động không nhỏ tới nền kinh tế Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp nói riêng. Nhiều doanh nghiệp đã phải thay đổi để vượt qua khó khăn, tiếp tục duy trì hoạt động và phát triển. Nếu như doanh nghiệp bình thường phải nỗ lực một thì ngành ngân hàng phải cố gắng gấp đôi hoặc nhiều hơn thế, bởi không chỉ duy trì sự tồn tại phát triển của bản thân họ mà còn phải hi sinh lợi nhuận làm ra để hỗ trợ các doanh nghiệp và nền kinh tế.

Khó khăn chồng chất khó khăn nhưng nhiều ngân hàng đã biết biến nguy thành cơ để phát triển.

Thanh toán không tiền mặt tiếp tục tăng trưởng mạnh

Một trong số các hành động biến nguy thành cơ của ngành ngân hàng thời gian qua là đẩy mạnh chuyển đổi số để phục vụ khách hàng qua đó tăng nguồn thu từ dịch vụ, bù lại những tổn thất từ mảng tín dụng do phải cắt giảm lãi suất để chia sẻ khó khăn với khách hàng.

Nhờ chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn mà các hoạt động ngân hàng "không tiếp xúc" cũng trở nên phổ biến hơn, còn việc sử dụng dịch vụ online của khách hàng cũng dần trở thành thói quen.

Như số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố gần đây cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2021, giao dịch qua kênh Internet trong toàn hệ thống đạt 213,51 triệu món với giá trị 11,03 triệu tỷ đồng, tăng tương ứng 65,9% về số lượng và 31,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020; giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 543,63 triệu món với giá trị hơn 6,69 triệu tỷ đồng, tăng tương ứng 86,3% về số lượng và 123,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020; giao dịch qua kênh QR code đạt 7,2 triệu món với giá trị 6.379 tỷ đồng, tăng tương ứng 95,7% về số lượng và 181,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.

Tổng số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đạt 49.719 nghìn món, tương ứng với giá trị đạt 43.831,97 nghìn tỷ đồng, tăng 9,24% về số lượng và tăng 30,49% về giá trị so với 4 tháng đầu năm 2020; giao dịch qua Hệ thống bù trừ, chuyển mạch giao dịch tài chính đạt 666.321 nghìn món, tương ứng với giá trị đạt 6.525,39 nghìn tỷ đồng, tăng tương ứng 114,97% về số lượng và 169,04% về giá trị.

Tính đến cuối tháng 4/2021 có trên 79 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai thanh toán qua Internet và 44 tổ chức thanh toán qua điện thoại di động; toàn thị trường hiện có 271.683 POS và 19.736 ATM, tăng tương ứng 5,6% và 1,08% so với cùng kỳ năm 2020.

Hái quả ngọt nhờ chuyển đổi số

Chuyển đổi số ở các ngân hàng đã được chuẩn bị từ vài năm nay bởi các dự báo đều cho thấy tương lai sẽ nằm trong tay những ngân hàng nào số hoá tốt. Tuy nhiên không phải nhà băng nào cũng có sẵn nguồn lực để gia nhập cuộc chơi từ sớm. Một số ngân hàng lớn có tiềm lực tài chính nhưng phải đối diện với nhiều khó khăn như hệ thống quá lớn, lượng khách hàng đông, trong khi các không ít các nhà băng nhỏ hơn có thể chuyển đổi số nhanh thì lại bị hạn chế về nguồn lực cả tài chính lẫn nhân sự. Và kết quả là, chỉ những ngân hàng vừa có tiềm lực mạnh, vừa sẵn sàng đầu tư và mạnh dạn thay đổi đã tiên trong trong công cuộc chuyển đổi số. Những cái tên không thể không nhắc tới về tiên phong chuyển đổi số thời gian qua như TPBank, MB, VIB, OCB…

Nhờ chuyển đổi số nhanh mà các ngân hàng cũng hái được nhiều trái ngọt. Như tại MB, trong 6 tháng đầu năm nay đã có khoảng 2,5 triệu tài khoản mới mở qua eKYC, chiếm trên 70% số lượng khách hàng mới kể từ khi nhà băng này chính thức áp dụng eKYC vào mở tài khoản. Không chỉ hơn 80% giao dịch của khách hàng ở MB được thực hiện trực tuyến mà nội bộ ngân hàng này còn đạt 100% không giấy tờ. Hay ở TPBank, trong 5 tháng đầu năm, số lượng khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến đã tăng 87% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhờ triển khai thêm cả phương thức eKYC toàn diện trên app TPBank mà lượng khách hàng mở tài khoản qua hình thức eKYC tăng 790% so với cùng kỳ. Lượng giao dịch trực tuyến của ngân hàng này cũng tăng mạnh, hiện số lượng giao dịch trực tuyến tại TPBank đã chiếm tới 92% tổng số lượng giao dịch của toàn ngân hàng...

Còn ở VIB, ngân hàng chủ động đón đầu làn sóng chuyển đổi số từ nhiều năm trước với việc dành nhiều nguồn lực vào ngân hàng số, các sản phẩm mang hàm lượng công nghệ và tính tự động cao. Nhờ vậy lượng khách hàng đăng ký ngân hàng số của nhà băng này tăng trưởng trên 130% trong năm qua. Các yếu tố này đã giúp VIB trở thành ngân hàng nằm trong top đầu các ngân hàng về tỷ trọng số lượng giao dịch trực tuyến với mức 91% so với tổng số lượng giao dịch.

Ngoài ra VIB còn dẫn đầu xu thế thẻ tại Việt Nam và tiên phong đẩy mạnh phong trào không dùng tiền mặt. Cụ thể ngân hàng đi đầu trong việc phát triển các dòng thẻ tín dụng với tính năng ưu việt và công nghệ hiện đại nhất mang lại trải nghiệm mua sắm hàng đầu với các lợi ích vượt trội cho mọi chi tiêu. Ngân hàng đã áp dụng thành công AI và Big Data, cùng các công nghệ mới hiện đại như e-KYC, e-Signature trong quy trình phê duyệt và phát hành thẻ tín dụng, đạt kỷ lục mới trên thị trường về thời gian xử lý và phê duyệt cho tới khi dùng thẻ trên phiên bản thẻ điện tử: chỉ 15-30 phút, bằng 1/500 thời gian trung bình trên thị trường. Nhờ đó, VIB tiếp tục nằm trong top dẫn đầu về tăng trưởng số lượng thẻ tín dụng và mức chi tiêu trên thẻ, cao gấp 2 lần so với trung bình ngành theo báo cáo của Tổ chức thẻ quốc tế Mastercard.

Những kết quả trên đã đưa các ngân hàng có được những kết quả rất tích cực trong kinh doanh tổng thể, góp phần đẩy lợi nhuận lên cao trong 6 tháng đầu năm nay. Trong đó thu nhập thuần từ dịch vụ của TPBank, bao gồm hoạt động thanh toán, ngân quỹ, dịch vụ bảo hiểm và tư vấn tăng tới 117% so với cùng kỳ năm trước, đưa thu nhập ngoài lãi lên chiếm tỷ trọng 33,2% trong tổng thu nhập. Lãi thuần từ dịch vụ của MB 6 tháng tăng 24% đạt hơn 2.095 tỷ đồng. Tại VIB, thu nhập ngoài lãi 6 tháng tăng 41% trong đó riêng lãi thuần từ dịch vụ đạt hơn 1.373 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước và chiếm tới 19% trên tổng thu nhập.

Theo các chuyên gia phân tích, với diễn biến dịch bệnh như hiện nay, hoạt động ngân hàng số dự kiến sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. Những ngân hàng có lợi thế trong chuyển đổi số sẽ tiếp tục hái thêm nhiều trái ngọt ở nửa cuối năm 2021 cũng như các năm tiếp theo.

Ánh Dương - Ngọc Phương

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên