MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều ngành "hot" thiếu nhân lực

Các doanh nghiệp công nghệ thông tin đến các trường đào tạo để tìm kiếm nhân sự

Các doanh nghiệp công nghệ thông tin đến các trường đào tạo để tìm kiếm nhân sự

Khi nền kinh tế cả nước đang phục hồi mạnh mẽ thì nhiều ngành mới và ngành trọng điểm đối diện với tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực trầm trọng

Vào thanh công cụ tìm kiếm của Google gõ cụm từ "việc làm trí tuệ nhân tạo AI", chúng ta sẽ nhận được khoảng 28 triệu kết quả chỉ trong 0,57 giây, gõ cụm từ "việc làm blockchain", thì sau 0,47 giây sẽ thấy có gần 14 triệu kết quả. Đó là 2 trong những công việc đang được xem là "hot" nhất hiện nay của giới trẻ trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT). Nhiều ngành nghề khác cũng đang "đỏ mắt" tìm nhân sự khi nền kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ.

Nhân lực du lịch khan hiếm

Trái với dự đoán dư thừa lao động sau dịch Covid-19, ngành du lịch đang đối diện nguy cơ thiếu nguồn nhân lực (NNL) trầm trọng khi thị trường mở cửa trở lại. Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho biết rất nhiều người lao động (NLĐ) rời bỏ lĩnh vực du lịch để làm công việc khác sau 2 năm đóng băng vì đại dịch Covid-19. Đây thực sự là thách thức đối với các doanh nghiệp (DN) lữ hành và cả ngành du lịch Việt Nam trong bối cảnh đẩy mạnh phục hồi ngành du lịch.

Theo số liệu khảo sát của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, số lượng tuyển sinh của 15 cơ sở giáo dục nghề nghiệp có đào tạo ngành du lịch thì số lượng tuyển sinh ngành bị sụt giảm đến 32%. Điều này cho thấy tình trạng thiếu hụt NNL du lịch không chỉ diễn ra ở những DN kinh doanh, hoạt động du lịch mà còn ở cả những cơ sở đào tạo nhân lực ngành, đặt ra nhiều thách thức cho sự phát triển bền vững của ngành "công nghiệp không khói" này.

TS Vũ Xuân Hùng - Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cho rằng cách nhanh nhất để lấp lỗ hổng này là đẩy mạnh liên kết đào tạo giữa cơ sở đào tạo với DN để phát triển NNL du lịch bền vững, trong đó ưu tiên tăng thời lượng thực hành cho NLĐ. Nhanh chóng nghiên cứu thị trường sau đại dịch Covid-19 để làm cơ sở định hướng cho việc liên kết đào tạo NNL phù hợp, bảo đảm chất lượng.

Hiện nhiều trường nghề đang cung cấp NNL du lịch chất lượng cao nhờ vào những mô hình liên kết đào tạo hiệu quả. Theo TS Hùng, việc tuyển sinh tại một số trường đào tạo du lịch thời gian qua giảm nên không thể ngày một ngày hai có được lực lượng lao động để đáp ứng nhu cầu khi du lịch hồi phục. Chính vì thế, để hoạt động du lịch phát triển, DN phải tìm mọi cách giữ chân NLĐ, có chính sách hỗ trợ NLĐ để họ gắn bó với ngành.

Không thể ngồi chờ, các DN du lịch đang gấp rút bổ sung NNL bằng nhiều cách khác nhau để chuẩn bị tốt cho các kế hoạch hoạt động, kinh doanh lữ hành, trong đó có hoạt động lữ hành quốc tế và trong nước. Đại diện Công ty Du lịch Viettourist (quận 4, TP HCM), cho biết ngoài việc kết nối lại các nhân viên cũ đang tạm thôi việc, công ty còn liên hệ với nhiều trường đại học có khoa du lịch để tổ chức tuyển dụng là hướng đi được xác định là lâu dài để bảo đảm NNL. Ngoài ra, công ty cũng đẩy mạnh các khóa đào tạo cho đội ngũ nhân sự thêm các kỹ năng ứng dụng công nghệ số trong quảng bá, xây dựng sản phẩm cũng như phục vụ khách hàng chuyên nghiệp hơn.

Lương cao chờ người lao động

Là quốc gia có sự phát triển vượt bậc về CNTT, Việt Nam đang là điểm đến của các dự án mới về CNTT nhưng NNL của ngành này cũng đang là bài toán nan giải.

Báo cáo mới đây về nhân lực CNTT của TopDev (chuyên trang việc làm về CNTT của Việt Nam) cho thấy thị trường Việt Nam cần hơn 450.000 lao động trong lĩnh vực CNTT nhưng tổng lượng nhân sự được đào tạo trong lĩnh vực này chưa thể đáp ứng nhu cầu. Trong khi đó, nguồn cung nhân lực trong lĩnh vực CNTT chưa đáp ứng được tốc độ tăng trưởng của ngành. Các công ty công nghệ đang tuyển về đào tạo lại mới có thể đáp ứng được yêu cầu công việc. Thị trường nhân lực CNTT tại Việt Nam đang khát những vị trí như: lập trình, AI (trí tuệ nhân tạo), blockchain (công nghệ chuỗi khối), kỹ sư cầu nối (BrSE), điện toán đám mây...

Mạng xã hội việc làm Linkedln cũng cho biết nhu cầu tuyển dụng lập trình blockchain trên thế giới sẽ bùng nổ trong năm 2022 và Việt Nam đang nằm trong nhóm 5 quốc gia đi đầu về công nghệ này. Báo cáo cho rằng nếu theo công thức một quốc gia cần 1% dân số để phát triển những ngành mới thì Việt Nam phải cần ít nhất 1 triệu nhân lực cho lĩnh vực này. Tuy nhiên, số lượng nhân sự hiện nay mới đáp ứng được 1%-2% nhu cầu của thị trường.

Độ khan hiếm nhân lực CNTT ở các vị trí công việc mới khiến mức lương liên tục được các DN CNTT đưa ra khá cao để thu hút NLĐ. Theo thống kê mức lương dựa trên chuyên môn do VietnamWorks thực hiện đối với nhân lực ngành CNTT, nhóm kỹ sư thuộc lĩnh vực công nghệ mới như blockchain đang nhận mức thu nhập cao nhất khoảng 2.200 USD/tháng (tương đương 51 triệu đồng). Đây là mức thu nhập tương đối cao tại Việt Nam nhưng thực tế các DN vẫn miệt mài tìm nhân lực. Khi không thể tìm thấy nhân sự trong nước, nhiều DN đã phải thuê nhân sự từ các nước như: Ấn Độ, Singapore, Đức...

Bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, chuyên gia nghiên cứu và phát triển thuộc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC; Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho biết rất nhiều DN công nghệ Việt Nam đang mở rộng sang các thị trường quốc tế nên họ cũng đẩy mạnh tìm kiếm đội ngũ lập trình, kỹ sư công nghệ ở đó để bổ sung vào đội ngũ nhân lực. Tuy nhiên, việc sử dụng nhân sự người Việt vẫn đang là ưu tiên hàng đầu của các DN Việt, thậm chí là các DN nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.

"Một số lĩnh vực mới nổi trong ngành CNTT chưa được giảng dạy nhiều trong các trường đại học công nghệ của Việt Nam. Vì thế, việc tăng cường đào tạo qua các chương trình hợp tác quốc tế trong giai đoạn này là rất cần thiết. Các DN công nghệ cũng cần chủ động trong việc đào tạo nhân lực công nghệ cho mình thay vì chờ từ các cơ sở đào tạo" - bà Dung nói.

Top 5 ngành nghề được Linkedln dự đoán sẽ khan hiếm nhân lực cho đến năm 2025 gồm các khối ngành: công nghệ thông tin; marketing; công nghệ thực phẩm; quản trị du lịch khách sạn; tư vấn tâm lý.

Theo Giang Nam

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên