Nhiều người Anh hối hận, đòi trưng cầu ý dân lại
Ân hận vì đã “bồng bột” lựa chọn nước Anh ra đi khỏi EU dẫn đến những hỗn loạn trong hiện tại và tương lai, nhiều người dân Anh đề nghị Hạ viện tổ chức thêm một cuộc trưng cầu ý dân.
Hơn nửa triệu người Anh ký tên đòi trưng cầu ý dân lại
Báo Guardian của Anh ngày 25-6 đưa tin có tới hơn nửa triệu người đã ký tên vào trang web của Hạ viện đòi tổ chức cuộc trưng cầu ý dân thứ hai về việc Anh ở lại hay rút khỏi EU. “Trang web của Hạ viện đã sập vì hàng trăm nghìn người cùng lúc truy cập và ký tên” - Guardian viết.
Theo báo này, ngay sáng sớm thứ bảy (giờ Anh), đã có hơn 520.000 người ký tên, gấp năm lần con số cần thiết để một vấn đề được trình ra quốc hội. Những người tham gia ký tên chủ yếu sinh sống ở các thành phố lớn ở Anh, trong đó thủ đô London chiếm số lượng nhiều nhất.
London cũng là thành phố mà đa số người đi bỏ phiếu ngày 23-6 vừa rồi mong muốn Anh ở lại EU.
“Số lượng người truy cập cùng một lúc lớn chưa từng có để cùng ký tên vào một đề nghị đã khiến trang web bị sập. Cho đến nay, đây là sự kiện thu hút người ký tên nhiều nhất trên trang web của chúng tôi” - một phát ngôn viên của Hạ viện Anh cho biết.
“Chúng tôi đã nhận thức được vấn đề và đang làm tất cả để giải quyết sớm nhất có thể” - bà này nói thêm.
Hệ thống ký tên đề xuất đưa các vấn đề ra quốc hội Anh do một cơ quan có tên là ủy ban đơn thỉnh nguyện phụ trách. Với những vấn đề có hơn 100.000 chữ ký, ủy ban này sẽ cân nhắc để đưa ra bàn ở quốc hội.
Thứ ba tới (28-6), ủy ban này sẽ họp để xem xét về đề nghị tổ chức thêm một cuộc trưng cầu ý dân về “mối tình” Anh - EU.
Trong một diễn biến khác, đến nay cũng đã có gần 100.000 người Anh ký tên vào một đề xuất, kêu gọi thị trưởng London, ông Sadiq Khan, tuyên bố độc lập và nộp đơn xin gia nhập EU.
Nhiều người hối hận
Gần 24 giờ sau khi nước Anh bỏ phiếu ủng hộ rời EU, nhiều người đã bỏ phiếu thuận đã bày tỏ sự tiếc nuối vì đã lựa chọn như vậy.
Theo Telegraph, nhiều người dùng Twitter đã lên mạng xã hội chia sẻ về sự nuối tiếc của họ về quyết định đã đưa ra trong lá phiếu khi ủng hộ ra đi.
Ngay sau quyết định, một cơn rung chấn đã làm chao đảo toàn bộ nền kinh tế Anh. Chỉ trong buổi sáng thứ sáu (24-6), đồng bảng Anh đã mất giá nhiều nhất so với đồng USD trong 31 năm.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn đài BBC, một người đàn ông tên Adam đã ủng hộ ra đi, nói: “Tôi đã không nghĩ lá phiếu của mình sẽ gây ra nhiều rắc rối như vậy vì tôi vẫn nghĩ rốt cuộc rồi chúng tôi cũng sẽ ở lại”.
Adam cho biết giờ đây anh đang rất lo lắng.
“Nếu đồng bảng Anh không thể phục hồi vào cuối tháng 7 này, chắc chắn tôi sẽ hối hận về quyết định bỏ phiếu của mình”, một người khác nói.
Một số người thậm chí còn nói họ cảm thấy mình như bị lừa dối như tài khoản Twitter có tên Khembe: “Cá nhân tôi đã bỏ phiếu "ra đi" vì tin vào những lời nói dối của phe vận động ra đi và tôi hối tiếc về điều đó hơn bất cứ thứ gì khác. Tôi cảm thấy thực sự giống như mình bị cướp mất lá phiếu vậy”.
Cùng với những dòng này là các biểu tượng nước mắt giàn giụa của người viết.
Chia sẻ của tài khoản Twitter có tên Khembe đưa ra sau khi chính trị gia Nigel Farage thừa nhận trên chương trình Good Morning Britain rằng ông không đảm bảo việc 350 triệu bảng Anh đáng lý phải nộp cho EU mỗi tuần sẽ được chi tiêu cho hệ thống y tế quốc gia như phe ủng hộ ra đi đã tuyên bố trước đó.
Nhắc tới điều này, một người khác viết: “Đó chính là lý do tôi bỏ phiếu để ra đi, và bây giờ thì tôi ước là mình đã không làm vậy”.
Tuổi trẻ