Nhiều người Hàn Quốc thờ ơ với khẩu trang giữa dịch corona vì tâm lý "chắc virus nó chừa mình ra"
Khi được hỏi tại sao không đeo khẩu trang, một sinh viên họ Oh cho biết: "Khẩu trang làm lớp trang điểm của tôi bị nhem nhuốc nên tôi không đeo được".
- 24-02-2020Các hãng bay tổn thất chưa từng có, ngành hàng không toàn cầu chao đảo vì virus corona
- 24-02-2020Israel cấm du khách Hàn Quốc nhập cảnh
19h tối ngày 21/2, tại đường tàu số 5 bên trong ga Gwanghwamun. Hầu hết người dân Seoul đều đeo khẩu trang và bước đi với dáng vẻ bận rộn. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn rất nhiều người không trang bị khẩu trang cho bản thân. Trong số 100 người được quan sát thì có tới 15 người không đeo khẩu trang.
Khi được Money Today (Hàn Quốc) hỏi tại sao không đeo khẩu trang, anh Kim - (39 tuổi), nhân viên công ty - một trong số những người không đeo khẩu trang chỉ trả lời ngắn gọn "vì ngột ngạt" rồi vội bước đi.
Ảnh minh họa
"Ai nhiễm chứ có lí nào tôi lại nhiễm bệnh được"
Trong khi đó, quan sát khoảng 300 người ở ga Seoul, phố Ingeun chiều 21/2, có đến 67 người không đeo khẩu trang.
Theo Money Today, có "muôn hình vạn trạng" lí do cho hành động không đeo khẩu trang của người dân Seoul.
Diễn biến dịch bệnh do virus corona mới ở Hàn Quốc đang rất phức tạp. Ảnh: AP
Theo anh Choi (33 tuổi) nhân viên công ty, "vì có tiền sử viêm xoang nên nếu đeo khẩu trang sẽ rất khó thở". Chị Yang Soo Young (29 tuổi) cho rằng: "Đeo khẩu trang sẽ khiến kính tôi mờ đi vì hơi nước nên tôi không đeo". Một sinh viên họ Oh lại cho hay: "Khẩu trang làm lớp trang điểm của tôi bị nhem nhuốc nên tôi không đeo được".
Khi được hỏi tại sao không đeo khẩu trang trong khi dịch bệnh do virus corona đang diễn biến phức tạp, đa số đều trả lời rằng: "Đúng là có bất an nhưng có vẻ tôi sẽ không sao nên tôi không đeo".
Nhận định về điều này, Giáo sư Lim Myung Ho - Khoa tâm lí học, Đại học Dankuk phân tích: "Có lí nào tôi lại nhiễm corona được chứ’ là tâm lí phổ biến nhất của những người này. Nếu có khả năng không lây nhiễm hay người bị lây không phải mình thì người ta hoàn toàn nghiêng về khả năng không bị lây nhiễm đó và họ sẽ nghĩ theo hướng tích cực".
Về việc không đeo khẩu trang ở những nơi chuyên biệt như văn phòng công ty, Giáo sư Lim giải thích rằng, nếu đeo khẩu trang sẽ tạo nên tâm lí "tại sao lại có cảm giác như chỉ bản thân mình có vấn đề ở đây".
Chỉ rửa tay qua loa: Hoàn toàn sai lầm
Theo kết quả quan sát liên tục 20 phút tại nhà vệ sinh nam của một ga tàu ở Seoul ngày 20/2, vẫn có rất nhiều trường hợp không hề rửa tay hoặc nếu có cũng chỉ rửa qua loa rồi thôi.
Khi được hỏi, nam nhân viên họ Jung - chỉ rửa qua vài lần bằng nước rồi quay ra - cho biết: "Vì bận nên tôi chỉ rửa qua loa". Anh này còn hỏi ngược lại phóng viên: "Chỉ cần rửa tay thôi là đã có thể đảm bảo an toàn rồi đúng không?".
Một trường hợp khác thậm chí ra ngoài mà không rửa tay, anh Ho (60 tuổi) trả lời: "Bình thường tôi rửa tay rất kĩ nhưng hôm nay tự dưng quên mất". Phải sau khi nói chuyện với phóng viên, anh ấy mới rửa tay đàng hoàng.
Một đại diện của ngành y tế Hàn Quốc cho biết: "Dù người bị nhiễm vượt quá con số 300 hay 400 thì những lúc thế này càng nhất thiết phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản như đeo khẩu trang, rửa tay, che miệng khi ho" và đưa ra lời khuyên rằng "chỉ cần người dân hợp sức lại chúng ta hoàn toàn có thể vượt qua dịch bệnh lần này".
Trí thức trẻ