Nhiều người "tá hỏa" vì tài khoản ngân hàng không sử dụng vẫn bị tính phí
Để tránh phát sinh các khoản phí, người dùng nên chủ động đóng các tài khoản thanh toán, tài khoản thẻ tín dụng không sử dụng...
- 17-03-2024Vì sao vay ngân hàng trên 100 triệu đồng phải cung cấp thông tin người liên quan?
- 17-03-2024Thanh toán 1,5 tỷ đồng tiền hàng, cô gái trẻ không nhận được hoa hồng: Lại thêm một nạn nhân bị lừa
- 17-03-2024Lộ trình tuân thủ quy định giới hạn góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng
Sau vụ việc một chủ thẻ tín dụng có dư nợ 8,5 triệu đồng không thanh toán, gần 11 năm sau ngân hàng báo nợ lên tới 8,8 tỉ đồng, nhiều người bắt đầu kiểm tra tài khoản thanh toán, thẻ tín dụng xem có "bỗng dưng" mắc nợ hay không.
Anh Nguyễn Vũ (ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) cho biết sau vụ việc chủ thẻ tín dụng trên khiến anh tò mò kiểm tra lại tài khoản ngân hàng.
"Kết quả là tài khoản nhận lương qua Eximbank của tôi đã không sử dụng từ năm 2021 đến nay, thấy báo âm 740.000 đồng. Tôi khá bất ngờ vì không rõ quy định về phí quản lý tài khoản, do cơ quan chuyển nhận lương qua ngân hàng khác nên lâu không để ý", anh Vũ kể.
Không chỉ anh Vũ, một số đồng nghiệp trong cơ quan anh và bạn đọc cũng phản ánh tình trạng tương tự với tài khoản Eximbank, khi tiếp tục thu phí quản lý tài khoản dù tiền trong tài khoản của khách hàng đã về 0 đồng.
Được biết, trong biểu phí mở và quản lý tài khoản của Eximbank có phí tài khoản tiền gửi thanh toán không kỳ hạn VNĐ là 10.000 đồng/tháng (thu khi số dư bình quân trong tháng dưới 300.000 đồng). Điều này nghĩa là khi khách hàng không sử dụng và tài khoản dưới 300.000 đồng, mỗi tháng ngân hàng sẽ trừ phí 10.000 đồng…
Một nhân viên giao dịch Eximbank giải thích nếu không sử dụng, khách hàng nên chủ động đóng tài khoản, và phí đóng tài khoản (trong vòng 1 năm kể từ ngày mở) là 50.000 đồng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, phí quản lý tài khoản là chi phí mà khách hàng phải trả hàng tháng nếu muốn tiếp tục sử dụng tài khoản và các dịch vụ kèm theo của ngân hàng. Ở một số ngân hàng, khoản phí này sẽ khoảng 3.000 - 10.000 VND/tháng, một số ngân hàng khác miễn phí.
Chị Ngọc Cẩm (ngụ quận 3, TP HCM) cho biết do đặc thù công việc nên chị sử dụng khá nhiều tài khoản ngân hàng, trong đó TPBank, VIB, Đông Á nơi chị mở tài khoản đều thu khoản phí này. Như tại VIB, nếu số dư bình quân giao giao dịch trong tài khoản của khách hàng trên 2 triệu đồng/tháng, phí quản lý tài khoản thanh toán khi mở tại quầy là miễn phí. Ngược lại số dư dưới 2 triệu đồng/tháng, phí thu 9.000 đồng/tháng.
Tại TPBank, phí quản lý tài khoản là 8.000 đồng/tháng. Nếu tài khoản sau 6 tháng liên tục không hoạt động, mức phí này giảm xuống còn 5.000 đồng/tháng. OCB thu phí quản lý tài khoản 5.000 đồng/tháng nếu số dư dưới mức tối thiểu…
Một số ngân hàng cho biết, tài khoản dù không hoạt động liên tục trong thời gian dưới 12 tháng, tài khoản có số dư 0 đồng cũng không bị khóa. Nhiều ngân hàng vẫn thu các khoản phí duy trì tài khoản, bất kể tài khoản có phát sinh giao dịch hay không. Do đó, khi không có nhu cầu sử dụng, người dùng được khuyến khích cần đi đóng tài khoản với mức phí khoảng 50.000 đồng/tài khoản.
Tương tự, với thẻ tín dụng, các khoản phí thường niên vẫn được tính bất kể chủ thẻ có sử dụng hay không. Do đó, khách hàng được khuyến nghị nên đóng tài khoản thẻ nếu không có nhu cầu sử dụng.
Người lao động