MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lao động hồi hương được vay đến 100 triệu đồng

Thanh Hóa hiện có khoảng 166.000 người trở về từ vùng dịch, trong đó có hơn 44.000 người có nhu cầu việc làm và học nghề

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Phương án số 198/PA-UBND ngày 2-9-2021, về việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động (NLĐ) Thanh Hóa trở về từ vùng dịch, sau khi thực hiện xong cách ly. Việc này nhằm hỗ trợ, tạo sinh kế giúp NLĐ vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống, đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương.

Ồ ạt trở về từ vùng dịch

Thanh Hóa hiện có hơn 330.000 người đang lưu trú ở các tỉnh, TP khác trong cả nước. Trong đó, chủ yếu là lao động trẻ tập trung ở nhóm tuổi 15-35. NLĐ chủ yếu hành nghề tự do hoặc làm việc trong nhà máy, KCN-KCX. Trong đó tập trung nhiều nhất tại các tỉnh, TP như: Hà Nội (92.000 người), TP HCM (42.500 người), Bình Dương (60.200 người), Bắc Ninh (26.700 người), Đồng Nai (14.800 người)...

Lao động hồi hương được vay đến 100 triệu đồng - Ảnh 1.

Người lao động làm việc tại Khu Kinh tế Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hóa)

Đợt dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát, nhiều công dân ồ ạt trở về. Từ ngày 27-4 đến nay, Thanh Hóa có khoảng 166.000 người trở về từ vùng dịch. Trong đó có hơn 6.000 trẻ em, số người đang thực hiện cách ly là hơn 43.000 người và số người đã hoàn thành việc cách ly là hơn 123.000 người. Theo báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa, trong số 166.000 người trở về từ vùng dịch, có 2.580 người có nhu cầu đào tạo nghề (tập trung vào các nghề như lái xe, may công nghiệp, cơ khí, điện tử, điện nước); gần 42.000 lao động có nhu cầu tìm việc làm, trong đó nguồn lao động từ 15-35 tuổi có gần 24.000 người (chiếm 56,5%). Nhu cầu của NLĐ chủ yếu làm công việc như: may mặc, giày da, chế biến lương thực, thực phẩm, chế biến thủy hải sản, hàn xì, xây dựng, nhôm kính, điện dân dụng...

Qua khảo sát, đa số lao động trở về từ vùng dịch không có giao kết hợp đồng lao động, không có bằng cấp. Chỉ 35% lao động về từ vùng dịch có giao kết hợp đồng lao động với người sử dụng lao động. Tuy nhiên, phần lớn số lao động này cho biết sẽ trở lại chỗ làm việc cũ khi hết dịch. Theo đánh giá của ngành chức năng, dịch bệnh kéo dài gần 2 năm khiến các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất - kinh doanh không còn nhiều nguồn lực tài chính để chống đỡ cũng như làm sức bật để phục hồi, NLĐ mất việc kéo dài nên việc di chuyển ồ ạt về quê như thời gian qua và trong thời gian tới sẽ còn tiếp tục tăng. Trong số lao động ồ ạt về quê từ vùng dịch, dự kiến có hàng chục ngàn lao động có nhu cầu việc làm và đào tạo nghề.

Vay vốn tạo việc làm

Qua khảo sát của Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các KCN, LĐLĐ tỉnh và Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL), nhu cầu tuyển dụng lao động của các DN tại địa phương hiện nay khoảng 33.000 người. Một số DN sản xuất giày da, may mặc có nhu cầu tuyển dụng số lượng lao động lớn như: Công ty TNHH Rollsport 1 Việt Nam, Công ty TNHH Giày Rollsport 2 Việt Nam, Công ty TNHH Giày Aleron Hoàng Long, Công ty TNHH MTV TCE Jear, Công ty TNHH Giày Sunjade, Công ty CP Bao bì Đại Dương...

Ông Hoàng Đức Chung, Phó trưởng Phòng Tổ chức Công ty CP Bao bì Đại Dương (đóng tại Khu Kinh tế Nghi Sơn), cho biết công ty hiện có gần 1.000 lao động. Để đáp ứng cho toàn bộ dây chuyền hoạt động, công ty cần tuyển thêm 300 lao động. "Chúng tôi đã lên phương án tuyển dụng nhưng do tình hình dịch bệnh phức tạp nên tạm hoãn. Khi nào dịch được khống chế, công ty sẽ tuyển dụng, ưu tiên cho NLĐ từ vùng dịch trở về sau khi đã hoàn thành thời gian cách ly" - ông Chung khẳng định.

Chị Nguyễn Thị Hoa (ngụ xã Phú Nhuận, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa) cho biết nhiều năm qua, chị cùng chồng vào tỉnh Bình Dương mưu sinh. Chồng chị làm xây dựng bên ngoài, còn chị làm việc cho một công ty may mặc. Vừa qua, dịch Covid-19 kéo dài, công ty cũng đóng cửa nên vợ chồng chị buộc phải trở về địa phương. "Nhiều tháng qua, vợ chồng tôi chẳng có công ăn việc làm, cuộc sống bấp bênh. Chúng tôi mới nghe thông tin tỉnh nhà hỗ trợ tạo việc làm, hỗ trợ vay vốn cho NLĐ về từ vùng dịch nên cũng thấy yên tâm. Hy vọng những chính sách trên sớm đến với NLĐ như chúng tôi" - chị Hoa nói.

Mục tiêu mà UBND tỉnh Thanh Hóa đưa ra là 100% người trở về từ vùng dịch trong độ tuổi lao động có nhu cầu học nghề, giải quyết việc làm sẽ được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng. Tỉnh Thanh Hóa giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nắm bắt nhu cầu tuyển dụng lao động của các công ty, DN trên địa bàn; nhu cầu việc làm, học nghề của NLĐ để có kế hoạch cụ thể nhằm tư vấn, giới thiệu việc làm cho NLĐ, kết nối cung - cầu. Đặc biệt, trong phương án hỗ trợ người về từ vùng dịch, tỉnh Thanh Hóa đã ưu tiên cho NLĐ được vay vốn giải quyết việc làm tại Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội Thanh Hóa, với lãi suất cho vay bằng với lãi suất cho vay các hộ cận nghèo (0,66%/tháng), mức vay là 100 triệu đồng/lao động, thời hạn vay không quá 120 tháng. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lê Đình Tùng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa, cho biết NLĐ từ các tỉnh, TP có dịch trở về địa phương rất lớn, tuy nhiên các nhà máy, xí nghiệp tại Thanh Hóa cũng đang thiếu hụt nguồn lao động rất nhiều. Vì thế, NLĐ khi trở về địa phương không lo thiếu việc làm.

"Hiện chúng tôi đã phối hợp với Trung tâm DVVL, LĐLĐ tỉnh, các KCN và các huyện, thị xã, TP điều tra số lượng người trở về, các nhóm nhu cầu việc làm nhằm thông tin rộng rãi chủ trương, chính sách hỗ trợ để NLĐ nắm bắt, tìm kiếm những công việc phù hợp với khả năng của mình" - ông Tùng thông tin.

Ông Tùng cho biết nguồn vốn vay được thực hiện theo Nghị định 61/2015 do Ngân hàng Chính sách Xã hội triển khai. "Về quy trình thủ tục vay, điều kiện vay như thế nào, Ngân hàng Chính sách Xã hội sẽ hướng dẫn cụ thể. NLĐ có nhu cầu vay vốn chỉ cần làm hồ sơ vay và gửi đến Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội nơi cư trú và ngân hàng sẽ có trách nhiệm thẩm định trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, giải ngân theo quy định" - ông Tùng cho biết.

Ông LÊ ĐÌNH QUẢNG, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam: Tập trung tư vấn cho người lao động

Dịch bệnh diễn biến phức tạp tại các tỉnh, thành phía Nam khiến một số lượng lớn lao động ồ ạt về quê để tránh dịch. Không có việc làm, số tiền tích lũy cũng cạn dần khiến họ gặp rất nhiều khó khăn, do vậy rất cần sự hỗ trợ của các cấp chính quyền. Thời gian qua, nhiều địa phương đã liên tục có chính sách hỗ trợ lao động mất việc do dịch Covid-19, điển hình như TP Đà Nẵng triển khai gói hỗ trợ NLĐ vay để chuyển đổi nghề nghiệp và mới đây là tỉnh Thanh Hóa. Đây là sự hỗ trợ có ý nghĩa rất lớn nhằm giúp NLĐ trở lại thị trường lao động. Vấn đề các địa phương cần quan tâm khi triển khai chính sách là khảo sát kỹ đối tượng, nhu cầu vay để giao vốn. Các trung tâm DVVL và ngân hàng phải làm tốt công tác tư vấn nhằm hỗ trợ tốt nhất cho NLĐ.

N.Tú


Theo Thanh Tuấn

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên