MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều nhà đầu tư Trung Quốc muốn mua lại những doanh nghiệp Việt có sẵn đơn hàng đi Mỹ

Nhiều nhà đầu tư Trung Quốc muốn mua lại những doanh nghiệp Việt có sẵn đơn hàng đi Mỹ

Nhiều nhà đầu tư thuộc các nước như Singapore, Mỹ và Trung Quốc cũng đang rất quan tâm đến việc góp vốn hoặc M&A với các doanh nghiệp Việt tiềm năng.

Ngày 12-3, tại hội thảo "Ngành hàng tiêu dùng và phân phối: Xu hướng M&A và chiến lược kêu gọi đầu tư bền vững cho doanh nghiệp Việt Nam" do Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức tại TP HCM, TS Nguyễn Tuấn Anh, Đại học RMIT Việt Nam, cho biết trong những năm gần đây, các doanh nghiệp Nhật Bản tích cực tham gia các thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) đối với ngành hàng tiêu dùng. Đơn cử, Tập đoàn Nhật Bản Sojitz thông qua Sojitz Asia Pte.Ltd. và Công ty TNHH Sojitz Việt Nam vừa mua lại toàn bộ Công ty CP Đại Tân Việt (New Viet Dairy), một doanh nghiệp xuất nhập khẩu và phân phối thực phẩm lớn ở Việt Nam. 

Nguyên do xảy ra xu hướng trên là do đồng Yên đang mất giá nên các doanh nghiệp Nhật tìm cách mang tiền đi đầu tư nước ngoài trong đó có Việt Nam. Họ xem Việt Nam là một lựa chọn tốt hơn. 

Theo ông Tuấn Anh, xu hướng này sẽ tiếp tục trong thời gian sắp tới, đặc biệt là các lĩnh vực như logistics, chuỗi cung ứng lạnh...

Nhiều nhà đầu tư Trung Quốc muốn mua lại những doanh nghiệp Việt có sẵn đơn hàng đi Mỹ- Ảnh 1.

Luật sư Đào Tiến Phong phát biểu

"Các thương vụ M&A sẽ tiếp tục sôi động trong năm 2024 bởi vì các nhà đầu tư vẫn đang hướng tới các doanh nghiệp có chiến lược đầu tư sản phẩm ổn định và lâu dài trong ngành nông nghiệp và thực phẩm. Ngoài ra, họ cũng để mắt đến lĩnh vực như: bất động sản, xây dựng nếu được định giá rẻ"- ông Tuấn Anh nói.

Ngoài Nhật Bản, LS Đào Tiến Phong, Giám đốc điều hành hãng luật Investpush, thông tin nhiều nhà đầu tư thuộc các nước như Singapore, Mỹ và Trung Quốc cũng đang rất quan tâm đến việc góp vốn hoặc M&A với các doanh nghiệp Việt tiềm năng.

Trong đó, các nhà đầu tư Trung Quốc muốn mua lại toàn bộ hoặc mua một phần cổ phần của các doanh nghiệp đang sở hữu chuỗi nhà hàng ăn uống hoặc nhà máy sản xuất nhưng có sẵn các đơn hàng đi Mỹ, châu Âu, chẳng hạn như ngành may mặc. 

"Ở khu vực phía Nam, để không mất thời gian trong việc xây dựng nhà máy sản xuất và đáp ứng các điều kiện về môi trường và phòng cháy chữa cháy, các nhà đầu tư ưa thích hoạt động M&A hơn đầu tư trực tiếp. Đặc biệt, với những doanh nghiệp Việt có đơn hàng xuất khẩu đi Mỹ hay châu Âu họ sẽ triển khai ngay"- ông Phong nói.

Theo số liệu từ KPMG, trong khi 3 năm trước đây, các nhà đầu tư nội vượt trội trên thị trường M&A thì trong năm 2023, tốp 5 thương vụ có giá trị cao nhất thuộc về nhà đầu tư ngoại.

Tổng giá trị giao dịch M&A trong 10 tháng đầu năm 2023 là 4,4 tỉ USD với hơn 260 thương vụ, trong đó 80% giá trị giao dịch từ các ngành y tế, tài chính và bất động sản. Giá trị trung bình các thương vụ khoảng 54,5 triệu USD.

Lê Tỉnh

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên