MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều nơi vẫn ì ạch giải ngân vốn đầu tư công

Năm tháng đầu năm, 33 bộ, cơ quan trung ương và 29 địa phương giải ngân vốn đầu tư công thấp. Bốn cơ quan chưa giải ngân đồng nào. Việc nhiều đơn vị ì ạch gây lo ngại về giải ngân của cả nước.

Tính chung 5 tháng, giải ngân vốn đầu tư công đạt gần 27% kế hoạch, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, cả nước còn tới 33 bộ, cơ quan trung ương và 29 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công dưới mức trung bình. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho thấy, TPHCM có tỷ lệ giải ngân thấp nhất, theo sau là Hưng Yên, Hải Dương, Phú Yên, Cao Bằng.

Nhiều nơi vẫn ì ạch giải ngân vốn đầu tư công- Ảnh 1.

Thi công công trình cầu Thạch Hãn 1 thuộc dự án Đường ven biển kết nối hành lang kinh tế Đông Tây tỉnh Quảng Trị. ẢNH: H. THƠ

Quảng Trị cũng là một trong 29 địa phương có tỷ lệ giải ngân đầu tư công dưới trung bình cả nước (5 tháng đạt hơn 17%). Vừa qua, đoàn công tác của Bộ KH&ĐT đã kiểm tra tiến độ một số dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Về dự án đường ven biển kết nối hành lang kinh tế Đông Tây, tỉnh Quảng Trị - giai đoạn 1, ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cho biết, năm 2024, kế hoạch vốn bố trí 327,7 tỷ đồng (ngân sách trung ương 300 tỷ đồng, ngân sách địa phương 27,7 tỷ đồng) dự kiến để chi trả cho khối lượng xây lắp. Phần kinh phí để chi trả giải phóng mặt bằng còn thiếu, nên dự án gặp nhiều khó khăn.

Tổ công tác số 5 về giải ngân vốn đầu tư công vừa báo cáo Thủ tướng kết quả giải ngân vốn đầu tư của 6 địa phương là: Bình Thuận, Gia Lai, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh. 5/6 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước trong tháng 5/2024. Các địa phương cũng còn nhiều dự án giải ngân 0%, như Lâm Đồng, Đồng Nai...

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương nhận định, các giải pháp mà Chính phủ cũng như các địa phương thực hiện đã toàn diện trên tất cả lĩnh vực, từ thể chế, tới công tác chỉ đạo điều hành… Tuy nhiên, theo ông Phương, giải pháp quan trọng nhất chính là sự tự giác, quyết liệt ở các đơn vị tổ chức, bộ, ngành, địa phương trong triển khai thi công.

Ông Phương cũng chỉ ra, đầu tư công có vô vàn tình huống phát sinh, như điều chỉnh dự án, thay đổi cơ chế chính sách, giải pháp... Với những thay đổi này, một cơ quan không làm được, mà phải có sự phối hợp nhịp nhàng từ Trung ương đến địa phương. Đây cũng là giải pháp quan trọng, làm sao cho quá trình đầu tư công không bị ngắt quãng.

Bộ KH&ĐT vừa có công điện về việc đẩy mạnh giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2024. “Riêng 33 bộ, cơ quan Trung ương và 29 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm 2024 dưới mức trung bình của cả nước, đề nghị lãnh đạo tập trung chỉ đạo quyết liệt các đơn vị trực thuộc, kiên quyết điều chuyển cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, gây ách tắc giải ngân vốn”, Bộ trưởng KH&ĐT đề nghị.

Dự án hơn 2.000 tỷ ở Quảng Trị gặp khó

Ông Nguyễn Thanh Bình-Giám đốc Ban Quản lý dự án (QLDA) Đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Trị cho biết, dự án Đường ven biển kết nối hành lang kinh tế Đông Tây tỉnh Quảng Trị có tổng chiều dài 48 km, chia thành 4 gói thầu đi qua các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và thành phố Đông Hà. Đến nay khối lượng xây lắp thực hiện với kinh phí 239 tỷ đồng, đạt 14,8%. Trong đó, đoạn qua thành phố Đông Hà có 4 trường hợp bị ảnh hưởng về đất ở, song chưa quy chủ sử dụng đất. Đoạn qua huyện Triệu Phong, các hộ gia đình bị ảnh hưởng đề nghị phải bố trí tái định cư (TĐC) mới bàn giao mặt bằng, trong khi công tác xây dựng khu TĐC thực hiện qua nhiều bước, mất nhiều thời gian nên ảnh hưởng đến tiến độ giải phóng mặt bằng. “Đoạn qua huyện Gio Linh hiện nay còn vướng công tác xác nhận nguồn gốc sử dụng đất, áp giá, công khai, lập phương án hỗ trợ và công tác TĐC”, ông Bình nói.

Đây là dự án trọng điểm của tỉnh, song thực tế cho thấy so với yêu cầu thì tiến độ thực hiện của dự án chưa đạt yêu cầu đề ra.

H.THÀNH

Theo Việt Linh

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên