Nhiều sức ép lên lãi suất
Tại hội thảo "Kinh tế Việt Nam năm 2019 trước những khúc quanh quyết định" do Trường ĐH Ngân hàng TP HCM tổ chức ngày 8-1, các chuyên gia nhìn nhận đang có nhiều sức ép lên lãi suất trong năm nay.
- 08-01-2019Lãi suất đã qua giai đoạn cao điểm?
- 07-01-2019OCB "tặng" lãi suất cho khách hàng gửi tiết kiệm cuối năm
- 07-01-2019Lãi suất huy động tăng, Ngân hàng Nhà nước nói gì?
TS Bùi Quang Tín, Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, cho biết lãi suất đang có dấu hiệu tăng trong thời gian gần đây, nhất là lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn của các ngân hàng thương mại. Do đó diễn biến lãi suất cho vay trong năm nay và tác động lên doanh nghiệp thế nào đang được thị trường rất quan tâm.
Xu hướng tăng lãi suất huy động đã diễn ra từ vài tháng nay và chưa có dấu hiệu dừng lại. Hiện mức lãi suất tiền gửi trên 8%/năm xuất hiện ngày càng nhiều ở các ngân hàng, thậm chí lên tới 8,6%-8,7%/năm. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục kiểm soát tín dụng ở mức thấp 14% buộc các ngân hàng phải lựa chọn khách hàng, đánh giá rủi ro... nên lãi suất khó giảm.
Trên thị trường quốc tế, lãi suất của nhiều nước đang nhích lên theo đà điều chỉnh lãi suất đồng USD của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Đây là một rủi ro bởi trong bối cảnh này, rất khó kỳ vọng lãi suất VNĐ sẽ giảm.
Nhiều ngân hàng đã nâng lãi suất tiền gửi lên trên 8%/năm Ảnh: Tấn Thạnh
TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn của Thủ tướng, nhìn nhận có nhiều áp lực lên lãi suất cho vay trong năm nay. Tín dụng tăng thấp cũng là một áp lực bởi cung tiền ra thị trường tăng thấp sẽ tạo áp lực lên lãi suất cộng thêm lãi suất thị trường liên ngân hàng tăng, lợi suất trái phiếu Chính phủ cũng có xu hướng đi lên... Nhưng đổi lại, mức tăng sẽ không quá cao bởi mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước vẫn là giữ ổn định lãi suất cho vay.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước, cho biết một khảo sát với các tổ chức tín dụng vừa được Ngân hàng Nhà nước hoàn tất cho thấy 11/28 tổ chức tín dụng nhận định lãi suất sẽ đi xuống, 17/18 tổ chức tín dụng nói lãi suất sẽ tăng nhưng mức tăng không đáng kể. "Đây là tín hiệu tích cực khi các ngân hàng lạc quan với lãi suất. Thực tế, lãi suất đang tăng trong những tháng cuối năm mang tính chất mùa vụ nhiều hơn là yếu tố thanh khoản. Trong năm 2019, nếu thúc đẩy, giải ngân được dòng vốn từ đầu tư công sẽ làm giảm áp lực lên lãi suất huy động" - ông Tú Anh phân tích.
Theo Ngân hàng Nhà nước, năm 2018 mặt bằng lãi suất được duy trì ổn định trong bối cảnh lãi suất thị trường quốc tế gia tăng. Cơ quan quản lý đã điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và tiền tệ; tập trung điều tiết, đáp ứng kịp thời nhu cầu thanh khoản cho các tổ chức tín dụng, duy trì lãi suất thị trường liên ngân hàng ở mức hợp lý… Hiện lãi suất cho vay phổ biến khoảng 6%-9%/năm đối với ngắn hạn, trung dài hạn khoảng 9%-11%/năm.
Người lao động