MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều tồn tại trong công tác quản lý các dự án BOT

25-05-2017 - 09:35 AM | Xã hội

Việc Bộ GTVT điều chỉnh một loạt các hợp đồng BOT đường bộ tại hàng chục dự án sau kiểm toán cho thấy công tác kiểm tra, kiểm soát tại những dự án BOT còn nhiều tồn tại.

BOT là việc nhà đầu tư xây dựng dự án, kinh doanh dự án đó và sau một thời gian sẽ chuyển giao dự án lại cho chính quyền, cộng đồng địa phương. Đây là hình thức nhằm huy động các nguồn lực trong xã hội vào các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế, trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách còn hạn chế.

Để dự án BOT phát huy hiệu quả, việc kiểm soát quá trình lập dự toán, đảm bảo chất lượng công trình, mức phí mà xã hội phải trả, có vai trò quan trọng, để đảm bảo sau thời gian kinh doanh, xã hội tiếp nhận được dự án đảm bảo chất lượng.

Tuy nhiên, việc Bộ Giao thông Vận tải vừa điều chỉnh một loạt các hợp đồng BOT đường bộ, trong đó có tăng - giảm thời gian thu phí tại hàng chục dự án sau kiểm toán đã cho thấy công tác kiểm tra, kiểm soát tại những dự án này còn nhiều tồn tại; giá trị quyết toán của nhiều dự án... còn thấp hơn tổng mức đầu tư.

Theo quy định, Bộ Giao thông Vận tải lập báo cáo khả thi để xác định tổng mức đầu tư, thời gian hoàn vốn dự án dựa trên lưu lượng xe, mức phí dự kiến để đàm phán với nhà đầu tư. Nhưng có nhiều dự án, các thông số trên đã bộc lộ nhiều bất cập chỉ sau một thời gian đưa vào khai thác. Điển hình, dự án tuyến tránh thành phố Thanh Hóa, với giá trị quyết toán 786 tỷ đồng, dự án được thu trong 26 năm 5 tháng. Nhưng thực tế công bố, thời gian thu phí chỉ là 7 năm 7 tháng, nghĩa là có sai số 70% về thời gian thu phí.

Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, trong tổng mức đầu tư bao gồm cả giá trị dự phòng và việc điều chỉnh sau khi quyết toán là có thể hiểu được. Hợp đồng cũng sẽ được xem lại sau 3 năm.

Nhiều ý kiến cho rằng, các dự án BOT cần công khai tổng mức đầu tư, mức phí, thời gian thu phí ngay từ khi bắt đầu triển khai và chỉ được thu phí khi đã nghiệm thu, kiểm toán, sẽ giảm thiểu được việc điều chỉnh lại hợp đồng.

Giai đoạn 2011 - 2015, trong bối cảnh ngân sách nhà nước dành cho đầu tư cơ sở hạ tầng bị thiếu hụt, các dự án BOT đã mang lại diện mạo mới cho cơ sở hạ tầng giao thông, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Thời kỳ này có 62 dự án đã được ký kết, trong đó 26 dự án hoàn thành.

Tuy nhiên, việc thực hiện các dự án BOT giao thông thời gian qua cũng xuất hiện không ít tồn tại. Bên cạnh tổng mức đầu tư như đã đề cập, vẫn còn những bất cập khác như: khoảng cách giữa các trạm thu phí không đảm bảo 70km; hầu hết các dự án được chỉ định thầu; cá biệt có vị trí đặt trạm thu phí khiến người dân bức xúc.

Theo PV

VTV1

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên