Nhiều triển vọng tươi sáng cho doanh nghiệp khai thác đá Đông Nam Bộ
Các phân tích cho thấy doanh nghiệp khai thác đá tại khu vực Đông Nam Bộ sẽ đạt được nhiều triển vọng tươi sáng trong năm 2018 cả về doanh thu và lợi nhuận.
Ở tầm vĩ mộ, theo quyết định được ban hành bởi Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch tổng thể phát triển ngành vật liệu xây dựng đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, tổng nhu cầu đá xây dựng cả nước có thể tăng lên 181 triệu m3 vào năm 2020. Trong đó, nhu cầu tiêu thụ đá xây dựng của các tỉnh Đông Nam bộ dự báo cần khoảng 45 triệu m3 vào năm 2020.
Các chuyên gia về ngành vật liệu xây dựng nhận định, những công ty có mỏ đá với thời hạn khai thác lâu dài/trữ lượng lớn sẽ chiếm ưu thế. Nguyên nhân do khu vực phía Nam chủ yếu là đồng bằng, các mỏ đá sau nhiều năm khai thác đã cạn kiệt, nhưng khó có khả năng bù đắp nguồn cung từ khu vực miền Bắc vào do chi phí vận chuyển cao.
Đồng thời, do tình hình các mỏ đá với sản lượng khai thác cao đang dần hết hạn sử dụng và Chính phủ hiện đang thắt chặt việc cấp giấy phép khai thác mỏ đá mới từ nay cho đến năm 2020. Điều này dẫn đến cầu vượt cung nên giá bán tăng cao, giúp các DN khai thác đá có kết quả kinh doanh khả quan.
Một yếu tố thuận lợi nữa đối với các công ty khai thác chế biến đá xây dựng tại Đông Nam Bộ là do được hưởng lợi từ sự phục hồi của thị trường bất động sản TP.HCM và vùng phụ cận, cũng như ít chịu cạnh tranh từ đối thủ nước ngoài như các ngành vật liệu xây dựng khác. Cùng với đó, nhiều công trình giao thông lớn được lên kế hoạch đầu tư như sân bay Long Thành, cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết…
Cộng hưởng những yếu tố thuận lợi như trên, nên đa số doanh nghiệp ngành khai thác như: KSB, C32 và CTI đều dự kiến đạt mức doanh thu, lợi nhuận và tỷ lệ chi trả cổ tức cao trong năm 2018.
Cụ thể, theo tài liệu ĐHCĐ thường niên 2018, CTCP Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (KSB) – đơn vị sở hữu 3 mỏ đá Tân Đông Hiệp, Phước Vĩnh và Tân Mỹ (Bình Dương) đề ra chỉ tiêu tổng doanh thu gần 1.170 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 320 tỷ đồng; lần lượt tăng trưởng 4% và 15,5% so với năm 2017. Tỷ lệ chi trả cổ tức dự kiến từ 10-25%.
Sản phẩm chủ lực của KSB là đá xây dựng được kỳ vọng sẽ tiếp tục đóng góp 75,5% doanh thu trong năm 2018 với giá trị khoảng 882 tỷ đồng.
CTCP Đầu tư Xây dựng 3-2 (C32) – đơn vị sở hữu mỏ đá Tân Đông Hiệp (Bình Dương) dự kiến trình ĐHCĐ thường niên năm 2018 thông qua kế hoạch đạt doanh thu thuần 680 tỷ đồng, tăng 21%; lợi nhuận sau thuế 115 tỷ đồng, tăng 25% so với thực hiện năm 2017. Tỷ lệ chi trả cổ tức là 24% bằng tiền mặt.
CTCP Đầu tư Phát triển Cường Thuận IDICO (CTI) – đơn vị sở hữu 3 mỏ đá bao gồm: Tân Cang 8, Đồi Chùa 3 và Xuân Hòa (Đồng Nai) cũng vừa công bố các nội dung trình ĐHCĐ thường niên năm 2018.
Theo đó, CTI đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất năm 2018 ở mức 1.203 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 148 tỷ đồng. Riêng công ty mẹ là doanh thu 790 tỷ đồng gồm chủ yếu từ xây lắp 350 tỷ và khai thác, gia công đá các loại 190 tỷ đồng. Theo đó, mức cổ tức cho năm nay là 12% tiền mặt.
Trong năm 2017, mảng kinh doanh khai thác đá của CTI có sự tăng trưởng vượt bậc với doanh thu gần 100 tỷ đồng, tăng hơn 3 lần so với mức 30 tỷ đồng của năm 2016. Đây là mảng có biên lợi nhuận rất cao và nhu cầu tiêu thụ lớn từ xây dựng, bất động sản và phát triển hạ tầng giao thông trong khu vực miền Nam. Triển vọng mảng này cũng được kỳ vọng nhiều dựa vào dự án sân bay quốc tế Long Thành.
Theo VCSC, CTI có kế hoạch tăng doanh thu của mảng này với tốc độ tăng trưởng kép CAGR 50% trong giai đoạn 2018-2019. Do các chính sách chặt chẽ hơn về khai thác cát và gia tăng nhu cầu xây dựng, công ty cũng đang thực hiện dự án cát nhân tạo, sử dụng đá để tạo ra vật liệu thay thế cát tự nhiên khai thác ở các sông.
So với các công ty đá niêm yết khác tại khu vực miền Nam, CTI có ít kinh nghiệm hơn trong vận hành, nhưng với giấy phép kéo dài đến năm 2035 và mức cơ sở thấp, công ty có tiềm năng cho tăng trưởng trong những năm tới so với các đối thủ cạnh tranh.
Nhịp sống kinh tế