MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều yếu tố tích cực, vì sao khối ngoại vẫn chưa quá “mặn mà” trên thị trường chứng khoán?

Nhiều yếu tố tích cực, vì sao khối ngoại vẫn chưa quá “mặn mà” trên thị trường chứng khoán?

Theo ông Louis Nguyễn, việc KQKD sụt giảm cùng các quỹ ETF rút vốn là yếu tố khiến dòng vốn ngoại chững lại thời gian gần đây. Dù vậy, tiềm năng tăng trưởng dài hạn của kinh tế và TTCK Việt Nam sẽ sớm hấp dẫn nhà đầu tư trở lại.

Tại Talkshow Phố Tài chính trên VTV8, ông Louis Nguyễn, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc CTQLQ Saigon Asset Management (SAM) đã có những chia sẻ về xu hướng đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

BTV Mùi Khánh Ly: C hính sách thắt chặt tiền tệ của các nước đang dần hạ nhiệt, FED cũng tạm dừng tăng lãi suất… theo ông những yếu tố này sẽ hỗ trợ như thế nào cho kinh tế thế giới?

Ông Louis Nguyễn, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc CTQLQ Saigon Asset Management (SAM)

Như chúng ta đã thấy, tốc độ về lạm phát đã giảm xuống nhưng đối với FED thì mới tạm dừng chứ chưa đủ để nói là sẽ không tăng lãi suất nữa. Họ đang có mục tiêu “soft landing” là hạ cánh một cách an toàn để không có ảnh hưởng tiêu cực cho kinh tế Mỹ và cùng lúc kiểm soát được lạm phát. Tôi nghĩ, hiện các tín hiệu về nền kinh tế Mỹ và FED đang đi đúng đường. Tuy nhiên, những khó khăn nhất định vẫn còn nên Việt Nam, chúng ta vẫn nên tiết giảm chi phí và chi tiêu cho đến cuối năm, sang năm thì mọi thứ sẽ dần lạc quan hơn.

Trong bối cảnh vẫn còn khó khăn, nền kinh tế Việt Nam cũng đã phục hồi nhanh sau dịch và tiếp tục tăng trưởng tích cực trong những tháng đầu năm 2023, ông đánh giá như thế nào về điều này?

Tôi nghĩ chính sách Nhà nước đã đưa ra như thúc đẩy đầu tư công, giảm thuế giá trị gia tăng và giảm lãi suất cho vay tốt cho thị trường Việt Nam và qua đó hỗ trợ cho Việt Nam tiếp tục tăng trưởng khoảng 6,5% GDP như mục tiêu đã đề ra trong năm nay. Nhưng báo cáo tài chính của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán trong quý I thì con số này còn chưa “đẹp” lắm, đã giảm 18% lợi nhuận so với quý trước đó. Tôi nghĩ mọi người đang chờ đợi các vấn đề về trái phiếu, bất động sản được giải quyết …và khi mà giải quyết xong các vấn đề này thị trường sẽ bùng nổ trở lại. Theo chúng tôi, trong thời gian tới một số ngành sẽ phục hồi nhanh hơn các ngành khác như bất động sản, đặc biệt là bất động sản khu công nghiệp, giá cổ phiếu bất động sản đã giảm từ 50% tới 80%, và nhiều khả năng sẽ hồi phục trong thời gian tới.

Nhiều yếu tố tích cực là vậy nhưng vì sao khối ngoại có xu hướng bán ròng trên TTCK Việt Nam gần đây?

Tôi nghĩ có hai lý do. Một là trong báo cáo tài chính quý I công ty niêm yết giảm khoảng 18% so với quý trước đó, cùng lúc các quỹ ETF bán ròng cũng ảnh hưởng đến thị trường Việt Nam. Dù vậy, con số bán ròng không quá lớn và cần theo dõi theo quý II như thế nào. Tôi đánh giá đó chỉ là động thái tạm thời, không ảnh hưởng đáng kể đến thị trường. Nhà đầu tư nước ngoài bán ra thì cũng có người có chiến lược giữ tiền mặt, còn những người muốn đầu tư tiếp trong bối cảnh này họ chuyển về những thị trường khác thì sẽ chuyển vào đâu? Việt Nam vẫn đang là một điểm đến hấp dẫn. Theo tôi nghĩ, họ sẽ chờ đợi theo những dấu hiệu tốt dần lên và sớm quay trở lại.

Vậy theo ông, nền kinh tế Việt Nam sẽ như thế nào trong thời gian tới?

Theo tôi, GDP Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục tăng trưởng khoảng 6,5% năm nay nhờ những động thái hỗ trợ từ phía Chính phủ liên quan đến đầu tư công, giảm thuế, giảm lãi suất cho vay…bên cạnh đó, số lượng nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam không phải chỉ theo thị trường chứng khoán mà còn rất nhiều những công ty khác đang muốn chuyển nhà máy vào Việt Nam. Mới đây, tôi gặp 3,4 nhà đầu tư nước ngoài muốn chuyển nhà máy vào Việt Nam. Tôi nghĩ đó là những dấu hiệu tích cực cho Việt Nam trong những năm sắp tới. Việt Nam là một nước đang phát triển không chỉ về GDP, mà còn có vị trí chiến lược trong Đông Nam Á. Những cảng biển của mình với dân trẻ làm việc năng suất, có hiệu quả, cũng như chi phí hoạt động ở Việt Nam còn thấp hơn Trung Quốc nhiều…mỗi lần nói chuyện với nhà đầu tư nước ngoài, họ rất yêu thích và mong muốn đầu tư vào Việt Nam. Vấn đề bây giờ là làm sao có những chính sách để tiếp tục thu hút, hỗ trợ thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản của Việt Nam….

Với nhận định của ông thì đâu là những cơ hội đầu tư vào thị trường Việt Nam hiện nay?

Công việc của các quỹ đầu tư chúng tôi là đi săn những ngành nghề, công ty tốt có giá thấp hơn thị trường, những công ty kinh doanh những ngành cốt lõi của Việt Nam, ví dụ như ngân hàng, bất động sản, đặc biệt là bất động sản công nghiệp. Bất động sản thì chúng tôi đang nhìn vào những công ty có tên tuổi, có thương hiệu trên thị trường. Một số vấn đề trong thời gian qua sẽ sớm muộn cũng sẽ được giải quyết và sẽ phục hồi, không trong năm nay thì đầu năm sau. Đặc biệt là những công ty có thương hiệu, làm sổ đỏ sớm, minh bạch, rõ ràng sẽ được sự yêu chuộng của nhà đầu tư nước ngoài khi thị trường phục hồi. Thứ hai, chúng tôi thích những ngân hàng giá hiện vẫn đang còn thấp. Thứ ba, chúng ta có thể chú ý đến sự phục hồi về ngành du lịch, khách du lịch Trung Quốc và khách du lịch Nga sẽ sớm trở lại nhiều hơn khi đó thị trường du lịch bùng nổ.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang được định giá P/E, PB đang thấp và hấp dẫn…Tôi nghĩ hiện là thời điểm để đầu tư vào và nhà đầu tư phải kiên nhẫn khoảng chừng 6 tháng đến 9 tháng sẽ có được thành quả.

L à những thành viên tham gia vào thị trường Việt Nam, SAM sẽ có những đóng góp như thế nào cho sự phát triển của thị trường nói chung, cũng như góp phần thúc đẩy dòng vốn ngoại vào thị trường Việt Nam nhiều hơn?

Từ bốn năm nay chúng tôi tập trung vào vấn đề phát triển vững bền, về ESG, môi trường, xã hội, quản trị doanh nghiệp. Chúng tôi nhận thấy số vốn từ nước ngoài muốn đầu tư vào lĩnh vực này rất khổng lồ. Vấn đề ESG một số người sẽ nghĩ đó chỉ là trào lưu, đó chỉ là green washing rửa cho xanh để cho nó phù hợp. Nhưng đó không phải là trào lưu mà sẽ tồn tại mãi mãi và những công ty mà tôn trọng về môi trường xã hội, về phụ nữ, về môi trường xanh, năng lượng xanh và quản trị kinh doanh, quản trị doanh nghiệp sẽ được nguồn vốn rất lớn từ bên ngoài. Đó là những điều chúng tôi đang cố gắng để mà đẩy mạnh trên thị trường Việt Nam. Ngoài ra, đối với thị trường Việt Nam, để thu hút thêm nguồn vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài thì các doanh nghiệp cần nâng cao quản trị doanh nghiệp, có báo cáo tài chính, báo cáo thường niên, công bố thông tin cần phải minh bạch hơn nữa, phải có công bố song ngữ, có tiếng Anh và tiếng Việt. Và tiếp theo cần về giải quyết vấn đề mâu thuẫn giữa cổ đông lớn và cổ đông nhỏ, dù nhà đầu tư có cầm một cổ phiếu thì cũng phải có quyền trao đổi và nói chuyện với các lãnh đạo doanh nghiệp chứ không phải chỉ có cổ đông lớn mới có quyền. Và cuối cùng về vấn đề nới “room” cho nhà đầu tư nước ngoài. Hiện nay, những công ty hấp dẫn đã đầy room rồi rất khó để các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào. Chúng tôi mong muốn cơ quan quản lý xem xét lại các ngành nghề và các sản phẩm về tài chính để mở rộng hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam một cách mạnh mẽ.

Bảo Anh

Nhịp Sống Thị Trường

Trở lên trên