MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhìn cuộc đời như nhân viên cứu thương giữa lằn ranh sinh tử: Coi sức khỏe là tài sản, dùng lời nói làm vũ khí, sống như thể hôm nay là ngày cuối cùng

03-01-2021 - 19:00 PM | Sống

Nhìn cuộc đời như nhân viên cứu thương giữa lằn ranh sinh tử: Coi sức khỏe là tài sản, dùng lời nói làm vũ khí, sống như thể hôm nay là ngày cuối cùng

Cuộc đời là một ngôi trường, mà bài học khó nhất, lâu nhất, nhưng cũng đem lại nhiều phần thưởng nhất chính là sống sao cho thật tốt.

Tôi đã ở bên cạnh những người người này khi họ thập tử nhất sinh - đó vừa là trách nhiệm, vừa là đặc ân. Hiếm khi tôi trở về nhà mà không cảm thấy khiêm nhường; luôn có những bài học mới giúp tôi nhận ra bản thân đang xem nhẹ cuộc sống chỉ bởi nó dễ dàng với mình.

Nếu có điều gì tôi học được trong những năm tháng làm nhân viên cứu thương, đó là một góc nhìn khác về sự sống, về cái chết, về thứ quan trọng nhất với mỗi người.

Cuộc sống là không ngừng học hỏi, dù tôi thấy chúng giống như những lời nhắc nhở chúng ta đã quá quen, nhưng vẫn luôn cần được nghe lại.

1. Sức khỏe là tài sản

Chúng tôi được một quý ông gọi đến một căn nhà tuyệt đẹp nằm ngay trước biển. Dưới bầu trời xanh, nó trông giống một biệt thự ở Ý. Một con thuyền buồm xinh đẹp đang đậu tại bến. Mọi thứ xung quanh đều ngăn nắp, gọn gàng và tinh xảo.

Trên quãng đường chở bệnh nhân đến bệnh viện, tôi khen nhà ông ấy đẹp. Thế rồi, người đàn ông bật khóc.

"Tôi cống hiến cả đời mình để có được những thứ đó, nhưng giờ lại quá ốm yếu để tận hưởng".

Tôi cố gắng an ủi bệnh nhân, dù trong lòng không thể phủ nhận lời ông ấy nói. Người đàn ông này đã mất khả năng đi lại hay chăm sóc bản thân, nói gì đến chuyện dong buồm ra khơi một lần nữa.

Nhìn cuộc đời như nhân viên cứu thương giữa lằn ranh sinh tử: Coi sức khỏe là tài sản, dùng lời nói làm vũ khí, sống như thể hôm nay là ngày cuối cùng  - Ảnh 1.

Như triết gia Ralph Waldo Emerson từng nói, thứ tài sản đầu tiên chính là sức khỏe.

Nếu bạn có thể tự mình ra khỏi giường, mặc quần áo, ăn sáng và tận hưởng mỗi ngày mà không cần trợ giúp, bạn là người giàu có. Nếu bạn có thể nhìn thấy khuôn mặt của những người thân yêu, lắng nghe giọng nói của họ, ôm lấy họ trong vòng tay mình, bạn đang sở hữu thứ tài sản vô giá.

Sức khỏe là thứ tài sản mà người trẻ thường xem nhẹ, còn người già sẵn lòng bỏ cả tấn tiền mua lại. Tiền bạc, danh vọng, tiện nghi để làm gì, nếu bạn quá ốm yếu để tận hưởng chúng?

Tiền bạc cũng cần thiết, nhưng sức khỏe là thứ không phải lúc nào tiền bạc cũng mua được. Tuy nhiên, rất nhiều người trong số chúng ta lại sẵn lòng đánh đổi sức khỏe để làm giàu. Người giàu bỏ cả đống tiền để lấy lại sức khỏe, còn chúng ta từ bỏ sức khỏe để kiếm tiền triệu. 

Bạn cần coi sức khỏe như một loại tài sản. Mỗi ngày, hãy gửi một ít vào tài khoản sức khỏe - ăn uống lành mạnh, tập thể dục, ngủ ngon, tập thiền hay làm bất cứ thứ gì để giữ gìn thứ tài sản theo bạn từ lúc sinh ra . Bởi lẽ, bạn chỉ có nó một lần mà thôi.

2. Trong cuộc đời, chỉ có 4 thứ là quan trọng nhất

Có một cụ bà lên cơn đau tim. Chúng tôi đặt sẵn miếng khử rung tim lên ngực trong trường hợp bà ấy bị ngưng tim. Người phụ nữ này biết chuyện gì đang xảy ra. Bà hiểu, nhưng vẫn cười rất nhiều.

"Tôi đã sống một cuộc đời tuyệt vời", bà nói. "Một cuộc đời tươi đẹp".

Trên đường tới bệnh viện, chúng tôi nói chuyện. Bà kể về chồng mình - người bà đã chung sống trong khoảng thời gian dài gấp đôi số tuổi của tôi, về cuộc hôn nhân hạnh phúc của mình. Bà kể về những ngày làm giáo viên, về tình yêu với học trò, về việc giảng dạy đã truyền cảm hứng cho bà như thế nào. Bà kể về con cháu, về những chuyến du lịch, về những nơi đã đến, về hành trình và thách thức, về món bánh bà nướng rất ngon, về những điều bé nhỏ khiến bà cảm động.

Chưa một lần nào bà nhắc tới tiền bạc hay tài sản. Khi tôi hỏi bà có muốn sống khác đi không, bà chỉ mỉm cười và nói không.

Nhìn cuộc đời như nhân viên cứu thương giữa lằn ranh sinh tử: Coi sức khỏe là tài sản, dùng lời nói làm vũ khí, sống như thể hôm nay là ngày cuối cùng  - Ảnh 2.

Trong cuộc sống, tiền bạc cũng quan trọng ở một mức độ nào đó. Tuy nhiên, với những người sắp gần đất xa trời, chỉ có 4 thứ là quan trọng nhất: các trải nghiệm, các thành tựu, các mối quan hệ, và các đóng góp.

Đây chính là những yếu tố tạo nên niềm say mê cuộc sống. Những trải nghiệm chúng ta có, những thành tựu chúng ta đạt được và tự hào, những mối quan hệ chất lượng và những đóng góp vì một thế giới tốt đẹp hơn.

Hành trình nào khiến bạn nhớ mãi? Khoảnh khắc nào khiến bạn không thể quên? Thành tựu nào bạn đã đạt được sau khi vượt qua gian nan? Bạn yêu ai? Ai yêu bạn? Bạn đã cho đi những gì? Bạn để lại di sản gì phía sau?

Tiền bạc thực sự quan trọng. Nó đem lại những trải nghiệm và cơ hội, giúp bạn đóng góp và đạt thành tựu, nhưng không phải là thứ bắt buộc để sống một đời trọn vẹn. Điều bạn phải có là một trái tim cởi mở, rộng lượng, tràn ngập yêu thương để có thể cho đi nhiều hơn cả nhận lại.

3. Lời nói là một trong những vũ khí tuyệt vời nhất bạn có

Chúng tôi được gọi đến nhà của một người đã cố tự sát vô số lần. Khi chúng tôi tới nơi, cô ấy đang ngồi ngoài hiên nhà. Cô ấy rất hợp tác. Cô ấy muốn đến bệnh viện. Cô ấy muốn được giúp đỡ. Cô ấy biết mình cần điều đó.

Tôi đã làm gì trong suốt cuộc gọi ư? Trò chuyện. Càng trò chuyện, càng nhiều bí ẩn được hé lộ, đôi khi có cả nước mắt. Lần nào chúng tôi cũng chứng kiến cảnh này: bệnh nhân trầm cảm phải chịu đựng gấp đôi khi ở một mình, không có ai để chia sẻ, tồi tệ hơn là gặp phải những người không biết lắng nghe.

Nhìn cuộc đời như nhân viên cứu thương giữa lằn ranh sinh tử: Coi sức khỏe là tài sản, dùng lời nói làm vũ khí, sống như thể hôm nay là ngày cuối cùng  - Ảnh 3.

Công việc chăm sóc bệnh nhân phần lớn là trò chuyện. Giao tiếp là một kỹ năng sống quan trọng bạn nên rèn luyện. Lời nói của bạn có thể truyền tải rất nhiều thứ tới người khác: tình yêu, lòng biết ơn, ý tưởng, hy vọng, sự quan tâm, sự đồng cảm, sự hài hước, thông tin,...

Lời nói cũng có sức mạnh; truyền cảm hứng hay hủy hoại - đó là tùy vào lựa chọn của mỗi người.. Lời nói của bạn có thể kéo một người ra khỏi bóng tối, cũng có thể đẩy họ vào đó. Vì thế, hãy sử dụng ngôn từ một cách khôn ngoan, bởi chúng không chỉ thay đổi nhiều mạng sống mà còn cứu rỗi họ.

4. Đừng xem nhẹ cuộc sống

Chúng tôi được điều tới giúp một người đàn ông bị khó thở. Đi được nửa đường, chúng tôi nhận được tin anh ấy đã không còn dấu hiệu sống.

Khi chúng tôi tới hiện trường, lính cứu hỏa đang hồi sức tim phổi cho nạn nhân, xung quanh là gia đình đang đứng xem trong bàng hoàng. Chúng tôi cũng thử mở khí quản, tiêm thuốc cho bệnh nhân. Thế nhưng, chúng tôi cũng chẳng thể đem anh ấy trở về từ cõi chết.

Tối hôm ấy, người đàn ông xấu số ấy đã không qua khỏi.

Anh ấy mới chỉ hơn 20 tuổi.

Nhìn cuộc đời như nhân viên cứu thương giữa lằn ranh sinh tử: Coi sức khỏe là tài sản, dùng lời nói làm vũ khí, sống như thể hôm nay là ngày cuối cùng  - Ảnh 4.

Đó là lần đầu tiên tôi chứng kiến cái chết của một người trẻ hơn mình. Nó nhắc nhở tôi một điều mà thanh niên nào cũng nên ghi nhớ. Chúng ta không hề bất khả chiến bại. Chúng ta không bất tử. Cái chết không chừa một ai.

Nhà hiền triết Seneca từng nói: Chúng ta không biết khi nào cái chết sẽ tìm tới mình, vì thế đừng xem nhẹ cuộc sống, dù là hôm nay hay ngày mai.

Cuộc sống là một món quà đẹp đẽ và tinh tế. Dù bạn là ai, bao nhiêu tiểu, khỏe mạnh ra sao, cũng đừng xem nhẹ cuộc sống. Hãy sống hết mình, coi đó là trách nhiệm vô giá mỗi ngày.

Hãy cứ mơ ước sống lâu trăm tuổi, nhưng cũng đừng quên tận hưởng cuộc đời như thể mỗi ngày đều là lần cuối được sống. Bởi lẽ, một ngày nào đó, điều ấy sẽ trở thành sự thật.

5. Hãy chăm sóc cho tinh thần, bởi không phải vết thương nào cũng có thể nhìn thấy

Tôi đi làm mà không biết rằng ca trực hôm đó sẽ biến từ 8 tiếng thành 12 tiếng, cũng chẳng ngờ mình sẽ ngồi khóc một mình. Không ai có thể đoán được, nhưng điều đó vẫn luôn xảy ra.

Chúng ta chẳng bao giờ biết chắc chắn bản thân đang dấn thân vào điều gì, điều gì ảnh hưởng tới mình, điều gì chạm vào vết thương lòng hay điều gì sẽ khiến chúng ta phản ứng. Tôi đã rơi vào trường hợp như thế.

Khi ấy, tôi đã có 1001 suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực dẫn đến những quyết định thiếu sáng suốt. Tôi biết chuyện gì đang xảy ra; tôi đã thấy các dấu hiệu. Vì thế, tôi gọi cho cấp trên và báo: "Tôi cần nghỉ một chút".

Nhìn cuộc đời như nhân viên cứu thương giữa lằn ranh sinh tử: Coi sức khỏe là tài sản, dùng lời nói làm vũ khí, sống như thể hôm nay là ngày cuối cùng  - Ảnh 5.

Sức khỏe tinh thần trở nên vô hình nếu bạn không nắm rõ những dấu hiệu.

Chúng ta thường mải mê chăm sóc cơ thể mà không để ý tới tinh thần. Trong khi đó, mọi thứ đều bắt đầu từ các suy nghĩ; công cụ diệu kỳ của trái tim chính là tinh thần. Bạn có để ý nó không? Bạn có nhận ra những dấu hiệu báo động không? Bạn có chủ động giảm stress không?

Hầu hết mọi người đều không. Thế nhưng, chúng ta không thể hoạt động mà thiếu tinh thần.

Các bệnh lý tinh thần không chừa một ai. Chúng ta phải để ý sức khỏe tinh thần của mình để có những biện pháp kịp thời. Bạn chỉ có một cơ thể và một trí óc, và chúng kết nối với nhau. Vì thế, hãy cố gắng chăm sóc tốt cho cả hai.

6. Đừng coi thường sức mạnh của sự động chạm

Thời học đại học, một giáo sư chuyên ngành sinh học công nghệ và trí tuệ nhân tạo tại trường tôi đã nói: Dù công nghệ có thể và sẽ thay thế rất nhiều lĩnh vực y tế, có một thứ sẽ không bao giờ mất đi - sự động chạm giữa người với người

Là một nhân viên cứu thương, tôi hiểu rất rõ điều này. Có không ít bệnh nhân đã xin tôi nắm tay họ vì sợ hãi. Một cử chỉ nhỏ cũng có thể tạo nên sự khác biệt.

Nhìn cuộc đời như nhân viên cứu thương giữa lằn ranh sinh tử: Coi sức khỏe là tài sản, dùng lời nói làm vũ khí, sống như thể hôm nay là ngày cuối cùng  - Ảnh 6.

Sức mạnh của sự động chạm không nên bị xem nhẹ. Đó là một trong những món quà mạnh nhất mà tự nhiên trao tặng chúng ta, là thứ ngôn ngữ đầu tiên bạn được học. Một cái chạm nhẹ là cần thiết để con người trưởng thành và duy trì những mối quan hệ lành mạnh.

Các nghiên cứu đã phát hiện, chỉ 15 phút trị liệu cảm ứng mỗi ngày trong vòng 5-10 có thể giúp trẻ sinh non tăng cân nặng thêm 47% so với những đứa trẻ sinh non điều trị theo phương pháp thông thường.

Sự động chạm báo hiệu cảm giác an toàn, niềm tin, tình yêu, đam mê và rất nhiều thứ khác. Một cái chạm nhẹ đầy chân thành cũng có thể giảm stress, kích thích dây thần kinh phế vị, giúp giải phóng hormone oxytocin. Một cái chạm nhẹ đúng thời điểm cũng có thể khiến cuộc đời trở nên khác biệt.

Dù không thể thay đổi hiện thực hay thậm chí là tương lai, một trong những liều thuốc tốt nhất mà chúng ta có là nắm lấy tay nhau.

7. Ai cũng có nỗi khổ riêng, chỉ là bạn không thể nhìn thấy

Đó là một trong những khu chung cư đắt đỏ nằm ở tầng trên, có tiền sảnh tuyệt đẹp, được bảo vệ 24/7. Nó đem lại cảm giác quyền lực và giàu có. Thế nhưng, khi chúng tôi gõ cửa căn hộ cần đến và bước vào, nơi đó chẳng khác gì một khu ổ chuột.

Căn hộ này tràn ngập rác thải và thùng carton, đầy ắp khói thuốc và mùi nước tiểu. Nhìn từ ngoài vào, ai cũng ngỡ chủ nhân của ngôi nhà này là người có tất cả. Thế nhưng, sự thật bên trong lại không giống như vậy

Chẳng có thứ gì là giống hệt bên ngoài; ai cũng trải qua những thứ mà người khác không thấy.

Nhìn cuộc đời như nhân viên cứu thương giữa lằn ranh sinh tử: Coi sức khỏe là tài sản, dùng lời nói làm vũ khí, sống như thể hôm nay là ngày cuối cùng  - Ảnh 7.

Tôi đã chứng kiến cảnh nghèo lẫn cảnh giàu, những căn hộ tồi tàn lẫn những biệt thự ngoại ô, những chiếc Honda cà tàng lẫn những chiếc Porsche hào nhoáng. Ai cũng có khó khăn của riêng mình, dù họ là ai, giàu có ra sao, thành công như thế nào, đã tới đích chưa.

Hãy nhớ điều ấy mỗi khi bạn ngang qua ai đó trên đường, mỗi khi bạn định đánh giá, coi thường và ghét bỏ ai đó. Tất cả chúng ta đều là con người. Chúng ta đều có nỗi khổ riêng. Chúng ta cố gắng hạnh phúc, nhưng đôi khi thất bại. Vì thế, hãy trở thành người tốt, tìm cách thấu hiểu mọi người trước khi được mọi người thấu hiểu.

8. Cuộc sống vốn tươi đẹp và đầy ý nghĩa, chỉ cần bạn nỗ lực tìm kiếm

Vài năm qua, đã có những khoảnh khắc khiến tôi ngạc nhiên và phần lớn chúng đều rất tuyệt vời.

Bạn có thể nhận thấy niềm vui từ một người mẹ mới sinh con, từ một cặp vợ chồng lớn tuổi vẫn tình cảm như thuở mới cưới, trong cảnh bình minh sau một ca làm đêm, trong đôi mắt của một người đàn ông đang chia sẻ câu chuyện cuộc đời mình, trong những lá thư bày tỏ lòng biết ơn, trong sức mạnh phi thường của con người trong thời khắc gian khó, trong tình bạn của những người luôn ủng hộ bạn, trong những giây phút quý giá mà người khác tin tưởng bạn. Dù ở hoàn cảnh nào, cuộc sống vẫn luôn tươi đẹp.

Nhìn cuộc đời như nhân viên cứu thương giữa lằn ranh sinh tử: Coi sức khỏe là tài sản, dùng lời nói làm vũ khí, sống như thể hôm nay là ngày cuối cùng  - Ảnh 8.

Dù khó khăn đến đâu, cuộc sống vẫn rất tươi đẹp, nếu bạn tìm thấy một lý do đáng để tiếp tục chiến đấu. Bác sĩ Viktor Frankle - người sống sót khỏi thảm họa diệt chủng - từng nói, ý nghĩa của cuộc sống là cho cuộc sống một ý nghĩa.

Cuộc sống không hề dễ dàng, cũng chẳng công bằng chút nào. Nó sẽ làm tổn thương bạn, thử thách bạn. Tuy nhiên, cuộc sống vẫn tươi đẹp và đáng để phấn đấu. Vì thế, hãy tiếp tục sống.

Bài chia sẻ của Spencer Sekulin - nhân viên cứu thương kiêm blogger mảng đời sống trên Medium.

(Theo Medium)

Ngọc Hà

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên