MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhìn lại 2022: TP Hồ Chí Minh tự tin giữ vững đà tăng trưởng

Thành phố Hồ Chí Minh giữ vai trò đầu tàu phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Thành phố Hồ Chí Minh giữ vai trò đầu tàu phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Hòa chung niềm vui, phấn khởi của cả nước đạt nhiều kết quả khả quan trong thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - văn hóa - xã hội năm 2022, TP Hồ Chí Minh đã có nhiều dấu ấn, kết quả nổi bật đóng góp cho sự phát triển chung của cả nước.

Bước vào năm mới 2023, TP Hồ Chí Minh xác định tập trung cao độ, với quyết tâm mới thực hiện nhiệm vụ, trong đó nỗ lực phát huy kết quả đạt được, duy trì đà tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

Nhiều dấu ấn nổi bật

Trong những ngày cuối cùng của năm 2022, từ khu trung tâm đến vùng ngoại ô Thành phố Hồ Chí Minh sẽ dễ dàng bắt gặp không khí hối hả, tất bật chuẩn bị trang hoàng đường phố, các hoạt động chăm lo, mua sắm cũng như sự khẩn trương, nhộn nhịp ở các công trường, nhà máy xí nghiệp sản xuất để chào đón năm mới 2023 với nhiều kỳ vọng mới tốt đẹp, thành công hơn nữa.

Tết năm nay đến nhanh, hầu hết công nhân lao động Công ty Biti’s (Quận 6), Thành phố Hồ Chí Minh đều cảm nhận được không khí ấm áp, vui tươi. Chị Huỳnh Thị Mỹ Dân, công nhân Công ty Biti’s, chia sẻ: Chúng tôi rất vui bởi công ty vẫn hoạt động tốt, đơn hàng luôn được đảm bảo, việc làm ổn định, giúp cho người lao động yên tâm thi đua lao động, sản xuất kinh doanh. “Điều đáng trân quý hơn nữa là sự quan tâm của lãnh đạo doanh nghiệp không chỉ tạo công ăn việc làm ổn định mà còn luôn đảm bảo các chế độ chính sách về đời sống vật chất, tinh thần cho nhân viên. Đồng thời, không ngừng đổi mới về các trang thiết bị máy móc, tạo môi trường làm việc xanh, sạch, đẹp, thân thiện, đảm bảo an toàn trong sản xuất”, chị Huỳnh Thị Mỹ Dân cho biết.

Năm 2022, với sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Trung ương, với ý chí quyết tâm của hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp thành phố; trên tinh thần thích ứng linh hoạt, chủ động, quyết liệt, vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa triển khai các nhiệm vụ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện các biện pháp khắc phục các vấn đề tồn đọng, Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được những kết quả nhanh hơn kỳ vọng và dự báo, đồng bộ và khá toàn diện; quy mô, tốc độ tăng trưởng các ngành, lĩnh vực cơ bản đạt trạng thái trước khi có dịch COVID-19.

Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) ước tăng 9,03% so với cùng kỳ và vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch năm 2022 là 6+6,5%); thu ngân sách có sự tăng trưởng tích cực với 471.562 tỷ đồng, đạt gần 122% dự toán và tăng 23,6% so với cùng kỳ; xuất khẩu đạt 49,5 tỷ USD, tăng 10,3%...

Có thể nói, kết quả thu ngân sách là một trong những điểm sáng nhất của bức tranh kinh tế nhiều gam màu sáng năm 2022 của thành phố.

Cùng với đó, nhiều lĩnh vực sản xuất và dịch vụ của thành phố đã vươn lên mạnh mẽ. Các hoạt động văn hóa, xã hội, giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giảm nghèo bền vững được đẩy mạnh. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân tiếp tục cải thiện nâng lên.

Công tác đối ngoại được tăng cường. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững. Thành phố đã tạo chuyển biến tích cực, nhất là công tác xây dựng Đảng; mỗi cán bộ đảng viên làm đúng và làm tốt chức trách nhiệm vụ được giao, gắn với tự giác tu dưỡng, rèn luyện.

Thành phố từng bước điều chỉnh, sắp xếp bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, góp phần quan trọng tăng cường đoàn kết, thống nhất trong nội bộ.

Các dự án, công trình trọng điểm được triển khai theo đúng kế hoạch. Việc tháo gỡ khó khăn các dự án đầu tư đã tác động tích cực đến môi trường đầu tư thành phố, điển hình như đưa vào hoạt động cầu Thủ Thiêm 2 nối Quận 1 và thành phố Thủ Đức; dự án nâng cấp, mở rộng đường Đặng Thúc Vịnh (huyện Hóc Môn); dự án đường song hành Võ Văn Kiệt (Quận 1)…

Nhìn lại 2022: TP Hồ Chí Minh tự tin giữ vững đà tăng trưởng - Ảnh 1.

Đoàn tàu đầu tiên của tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên được các chuyên gia, kỹ sư của Nhà thầu Hitachi đã thực hiện các công đoạn kiểm tra kỹ thuật lần cuối cùng tại Nhật Bản. Ảnh tư liệu: MAUR/TTXVN phát

Trong năm 2022 cũng ghi nhận những nỗ lực đột phá của thành phố trong việc tạo chuyển biến tích cực phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện, đưa vào sử dụng các dự án kết cấu hạ tầng trọng yếu, nhất là dự án đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), dự án giải quyết ngập do triều cường khu vực Thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1); khẩn trương triển khai thực hiện dự án đường sắt đô thị số 2 (Bến Thành - Tham Lương), đường Vành đai 3 (dự kiến khởi công trong tháng 6/2023), cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài, dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, Rạch Xuyên Tâm và các công trình, dự án trọng điểm chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; tiếp tục thu hút nguồn lực đầu tư xây dựng thời gian tới.

Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận: Thực tế sau hơn 1 năm thực hiện chính sách thích ứng linh hoạt với dịch COVID-19, Thành phố Hồ Chí Minh đã có bứt phá rất lớn khi tăng trưởng kinh tế đạt hơn 9%, cao hơn mục tiêu đề ra ban đầu.

Điều đó chứng tỏ kinh tế Thành phố có sức mạnh nội lực về sự năng động, sáng tạo; đội ngũ doanh nghiệp thành phố có truyền thống và những kỹ năng để vượt khó thành công.

Theo ông Trần Việt Anh, năm 2022, ngoài ảnh hưởng kéo dài từ dịch COVID-19, kinh tế Thành phố chịu tác động của lạm phát, thị trường bất động sản, trái phiếu gặp khó khăn nhưng những doanh nghiệp sản xuất của Thành phố Hồ Chí Minh, doanh nghiệp xuất khẩu, dịch vụ về công nghệ số vẫn phục hồi sản xuất, kinh doanh khá tốt, có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển của thành phố.

Kết luận tại kỳ họp cuối năm 2022 của Thành ủy vừa qua, ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Sau một năm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đầy khó khăn, thành phố đã lấy lại được những gì đã mất sau đại dịch, tinh thần đoàn kết trong hệ thống chính trị và đồng thuận xã hội tăng lên, tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực đến niềm tin của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Lãnh đạo thành phố trân trọng cảm ơn những cống hiến, hy sinh, đóng góp tích cực và hiệu quả của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang; cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân và toàn thể nhân dân đã chung sức, đồng lòng, góp phần làm nên những kết quả quan trọng, tạo tiền đề để hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu kế hoạch 5 năm đã đề ra.

Trở thành hình mẫu của cải cách, đổi mới và phát triển

Bước vào năm 2023, Thành phố Hồ Chí Minh thống nhất 15 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) từ 7,5% - 8%, đồng thời xác định chủ đề năm 2023 là “Nâng cao chất lượng hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư”.

Trước mắt, Thành phố tập trung chia sẻ, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp; tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, nâng cao đạo đức công vụ và hành chính chuyên nghiệp của các cơ quan quản lý nhà nước và toàn hệ thống chính trị thành phố. Có thể nói, đây là những vấn đề luôn được người dân và cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt quan tâm, mong mỏi thành phố thực hiện thành công.

Dưới góc nhìn lạc quan vào năm 2023, ông Trần Việt Anh cho rằng, bất cứ năm nào cũng có những khó khăn riêng nhưng trong mọi bối cảnh, khó khăn đối với ngành này thì vẫn có cơ hội cho những ngành khác. Dù kinh tế khó khăn đến đâu thì những sản phẩm dân dụng, bình dân phục vụ các nhu cầu cơ bản của cuộc sống vẫn có thị trường tiêu thụ.

Những sản phẩm này không mang lại giá trị lợi nhuận cao nhưng giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, giữ được nguồn lao động để tái đầu tư sản xuất cho các chu kỳ phát triển tiếp theo. “Điều quan trọng là các doanh nghiệp phải nhạy bén, nắm được nhu cầu thực tế của thị trường để đáp ứng kịp thời”, ông Trần Việt Anh nhấn mạnh.

Nhìn lại 2022: TP Hồ Chí Minh tự tin giữ vững đà tăng trưởng - Ảnh 2.

Tuyến xe buýt vòng quanh TP Hồ Chí Minh phục vụ du khách. Ảnh tư liệu: Mỹ Phương/TTXVN

Vui mừng trước sự phục hồi mạnh mẽ của thành phố sau đại dịch COVID-19, song chị Huỳnh Thị Mỹ Dân cũng còn băn khoăn bởi thành phố vẫn còn không ít người còn khó khăn, đặc biệt là những công nhân, người lao động ở nhiều công ty, ngay trong cùng khu trọ của mình phải tạm ngừng việc, nghỉ việc hay lương, thưởng rất ít.

“Mong các cấp công đoàn, chính quyền địa phương cùng các đơn vị, doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn nữa các trường hợp này, nhất là công nhân ngoài tỉnh, người lao động có hoàn cảnh khó khăn để cái Tết đến với mọi người, mọi nhà, có công ăn việc làm ổn định trong năm tới”, chị Dân bày tỏ.

Năm 2023 là năm bản lề có ý nghĩa rất quan trọng, là năm tăng tốc và tạo đà phát triển cho 2 năm còn lại của nhiệm kỳ 2020-2025. Trong bối cảnh dự báo tình hình thế giới sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, Đảng bộ, chính quyền thành phố xác định chủ động, thích ứng hơn nữa, phát huy cao độ tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, không trông chờ, ỷ lại; tập trung tháo gỡ vướng mắc, chia sẻ khó khăn, khơi thông các nguồn lực, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy ý chí, nỗ lực vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân. “Thực tiễn cho thấy nếu có quyết tâm, đoàn kết ý chí và hành động, hành động vì dân, thì sẽ tạo nên bầu không khí đồng lòng, quyết tâm, làm tốt việc mình cần làm, nhất định nhân dân sẽ ủng hộ và thành công”, ông Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Trong kết luận chỉ đạo mới đây sau khi làm việc với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu: Thành phố phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để đề xuất cơ chế, chính sách trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, trình Quốc hội ban hành. Tập trung chỉ đạo ba động lực tăng trưởng có kết quả ảnh hưởng mạnh tới sự phát triển kinh tế-xã hội (dịch vụ tiêu dùng; đầu tư công; hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa).

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành hình mẫu đổi mới, sáng tạo về ứng dụng khoa học công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo; là đầu tàu, hình mẫu của cải cách, đổi mới và phát triển của cả nước; trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao mang tầm khu vực, quốc tế; xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.

Với tinh thần trách nhiệm “cùng cả nước, vì cả nước”, phấn khởi, phát huy những kết quả đã đạt được, cùng với động lực mới đang được xây dựng, triển khai, Thành phố mang tên Bác tự tin bước vào năm mới với mục tiêu tiếp tục duy trì các thành quả đạt được, gặt hái thêm nhiều thành quả mới tốt hơn nữa trong năm 2023, đúng với kỳ vọng của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, cũng như Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố.

Theo Hoàng Anh Tuấn

Báo tin tức

Trở lên trên