Nhìn lại những “bê bối” nhân sự tại doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương năm 2016
Trong tháng 10/2016 có 2 lãnh đạo PV Power, Vinachem xin nghỉ “đi nước ngoài” với lý do học khoá dự bị MBA và chữa bệnh. Trước đó, hồi tháng 9, 4 cựu cán bộ chủ chốt tại PVC cũng bị tạm giam, hồi tháng 6, VAFI đã chất vấn Bộ Công Thương về các quyết định bổ nhiệm nhân sự tại Sabeco…
Cùng BizLIVE điểm lại những "bê bối" nhân sự tại các Tập đoàn, Tổng công ty như Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam, CTCP Hoá dầu và Xơ sợi Dầu khí... trong năm 2016.
Bổ nhiệm nhân sự tại Sabeco: “Mang tính vụ lợi”
Thông tin về việc bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải, Phó tổng giám đốc Tổng CTCP Bia - Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) được Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) nêu ra tại hàng loạt các văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, lãnh đạo Bộ Kế hoạch Đầu tư, Thanh tra Chính phủ.
VAFI sau khi tóm tắt quá trình bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải cho biết, việc bổ nhiệm ông Hải tại Cục Xúc tiến thương mại, bổ nhiệm chức danh Kiểm soát viên Vinataba hoàn toàn phi lý, sai luật và mang tính vụ lợi.
VAFI cũng đặt câu hỏi về cơ sở pháp lý nào để bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải làm Phó tổng giám đốc của Sabeco. Đặt giả thiết rằng, nếu Sabeco được chuyển giao về SCIC sẽ không có chuyện “bố bổ nhiệm con ruột vào vị trí quyền lực” tại Sabeco.
Đầu tháng 10/2016 vừa qua, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình đã có văn bản yêu cầu Bộ Công Thương kiểm tra, làm rõ căn cứ pháp lý, tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục liên quan tới việc tuyển dụng, bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải.
Cựu tổng giám đốc PVC bị bắt
Ngày 15/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C46, Bộ Công an) đã khởi tố vụ án hình sự “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Cùng ngày cũng đã khám xét, tạm giam 4 cựu cán bộ chủ chốt của Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (Tổng công ty PVC) là ông Vũ Đức Thuận (ủy viên HĐQT kiêm tổng giám đốc), Nguyễn Mạnh Tiến (phó tổng giám đốc), Trương Quốc Dũng (phó tổng giám đốc), Phạm Tiến Đạt (kế toán trưởng).
Theo kết luận của Uỷ ban kiểm tra Trung ương, trong giai đoạn 2007-2013, dù đã có kiến nghị, cảnh báo của các cơ quan thanh tra, kiểm toán về tình hình thua lỗ và tiềm ẩn thua lỗ nhưng người đứng đầu PVC là ông Trịnh Xuân Thanh và Ban Thường vụ Đảng uỷ, Hội đồng quản trị, Ban tổng giám đốc, Ban kiểm soát Tổng công ty đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý điều hành, thiếu kiểm tra, giám sát… hậu quả là doanh nghiệp này đã mắc nhiều sai phạm và thua lỗ hơn 3.200 tỷ đồng trong giai đoạn 2011-2013.
Theo kết quả điều tra ban đầu, sau khi nhận số tiền tạm ứng tại Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 với số tiền 1.312 tỷ đồng và 6,6 triệu USD, PVC đã sử dụng 1.080 tỷ đồng thanh toán nợ gốc vay ngân hàng 425 tỷ đồng, thanh toán lãi vay uỷ thác của PVN 55 tỷ đồng, hỗ trợ vốn nhà máy Nhiên liệu xăng sinh học Phú Thọ 74 tỷ đồng, hỗ trợ công trình Vũng Áng 103 tỷ đồng, hỗ trợ vốn các công trình khác 156 tỷ đồng.
Ngoài ra, PVC còn sử dụng số tiền trên để góp vốn vào 5 công ty con gồm PVC-MS, PVC-Land, PVC- Hoà Bình, PVNC và PVC-Mekong, có 3 trong số 5 công ty thua lỗ không thu hồi được vốn, PVC phải trích lập dự phòng và hạch toán kinh doanh thua lỗ.
Nguyên phó tổng PVC đi nước ngoài học MBA chưa về
Từ ngày 10-20/10 ông Lê Chung Dũng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Dầu khí (đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam) đã xin phép nghỉ để giải quyết công việc gia đình, không nêu rõ địa điểm nghỉ phép.
Tuy nhiên, hết thời hạn nghỉ phép, ông Lê Chung Dũng đã không đến cơ quan làm việc mà lại tiếp tục có đơn gửi Tổng Công ty xin đi học khóa dự bị MBA của trường Đại học SP Jain School Of Management tại Singapore trong thời gian 6 tháng, ngày nhập học 20/10/2016. Phía PV Power đã không chấp nhận đơn xin nghỉ và nhiều lần liên hệ qua điện thoại, email cũng như các văn bản nhưng ông Dũng vẫn chưa trở lại Tổng công ty làm việc.
Theo PV Power, thời điểm này cũng là thời hạn bổ nhiệm lại chức vụ Phó tổng giám đốc đối với ông Dũng vì các lý do trên, theo quy định quản lý cán bộ ông Lê Chung Dũng không được bổ nhiệm lại và không còn là Phó tổng giám đốc của PV Power.
Ông Lê Chung Dũng là nguyên Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xây lắp dầu khí (PVC), được điều động và bổ nhiệm giữ chức vụ Phó tổng giám đốc PV Power từ tháng 1/2011.
Buộc thôi việc nguyên tổng giám đốc PVTex đi nước ngoài chữa bệnh
Ngày 1/12 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký quyết định áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với ông Vũ Đình Duy, Thàng viên HĐTV Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem), nguyên Tổng giám đốc CTCP Hoá dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex) thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN).
Ông Duy vắng mặt tại cơ quan kể từ ngày 24/10/2016, thông tin từ Cục Quản lý xuất cảnh (Bộ Công an) cho biết, ông Vũ Đình Duy đã xuất cảnh từ ngày 22/10/2016.
"Trên cơ sở đề xuất của Hội đồng kỷ luật, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương đã thống nhất áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với ông Vũ Đình Duy. Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký quyết định số 4698/QĐ-BCT ngày 1/12/2016 áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với ông Vũ Đình Duy", Bộ Công Thương thông báo.
Ông Vũ Đình Duy nhận quyết định điều động về làm Thành viên HĐTV Vinachem hồi đầu tháng 4 năm nay, chỉ ít ngày trước khi ông Vũ Huy Hoàng nghỉ hưu.
Ông Duy từng làm Tổng giám đốc CTCP Hoá dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex) trong thời gian từ 15/7/2009 đến tháng 2/2014. Do doanh nghiệp làm ăn bết bát nên ông bị giáng chức xuống làm Phó tổng giám đốc và cuối năm đó chuyển sang làm Phó giám đốc Sở Công Thương TP. Hải Phòng trong khoảng nửa năm.
Giữa năm 2015, ông Duy được Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng (khi đó) bổ nhiệm làm Phó cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn môi trường và công nghiệp trước khi chuyển về làm việc tại Vinachem.
Liên quan đến PVTex, đầu tháng 10 vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã có quyết định thanh tra việc đầu tư xây dựng Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ do PVTex làm chủ đầu tư. Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ để điều tra, xử lý theo quy định pháp luật với những sai phạm tại đây.
BizLIVE