MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhìn lại những điểm nhấn của bức tranh tài chính – ngân sách năm 2018

Tính đến ngày 28/12, thu ngân sách nhà nước (NSNN) đạt xấp xỉ 1.397 nghìn tỷ đồng, bằng 105,9% dự toán Quốc hội giao, trong đó thu ngân sách Trung ương đạt 103,4% dự toán, thu ngân sách địa phương đạt 109,3% dự toán.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, kết quả đạt được năm 2018 trong lĩnh vực tài chính – ngân sách cũng rất tích cực, toàn diện.

Tính đến trưa ngày 28/12/2018, thu NSNN đạt xấp xỉ 1.397 nghìn tỷ đồng, bằng 105,9% dự toán Quốc hội giao, trong đó thu ngân sách Trung ương (NSTW) đạt 103,4% dự toán, thu ngân sách địa phương (NSĐP) đạt 109,3% dự toán.

Bộ trưởng nhận định kết quả trên có được nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương chỉ đạo cơ quan thuế, hải quan làm việc tích cực, hỗ trợ các doanh nghiệp đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời theo quy định.

Đồng thời, các cơ quan chức năng đã quyết liệt xử lý nợ đọng thuế, phấn đấu đưa số nợ thuế có khả năng thu hồi cuối năm 2018 về thấp hơn cuối năm 2017. Trên cơ sở đó, ước thu NSNN năm 2018 vượt khoảng trên 80 nghìn tỷ đồng (trên 6%) so với dự toán; Cả thu NSTW và NSĐP đều vượt dự toán. Quy mô thu NSNN đạt trên 25% GDP, thu từ thuế, phí đạt trên 21% GDP.

Các đơn vị cũng đã tiếp tục quản lý chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, trong phạm vi dự toán, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính – ngân sách, cơ cấu chi chuyển dịch tích cực, tỷ trọng chi đầu tư phát triển đạt trên 27%, chi thường xuyên còn dưới 62% tổng chi NSNN…

Đối với chi đầu tư, Bộ trưởng thẳng thắn cho biết dù Chính phủ, Thủ tướng đã có những chỉ đạo sát sao, liên tục nhưng công tác giải ngân vốn đầu tư năm nay vẫn rất chậm.

"Dự kiến đến 31/12/2018, giải ngân vốn NSNN mới đạt khoảng 66,6%. Trong đó, vốn trái phiếu chính phủ (TPCP) đạt khoảng 35,5%; Nhiều bộ, ngành, địa phương đề nghị bổ sung kế hoạch trung hạn vốn ODA, nhưng thực tế giải ngân năm 2018 mới đạt khoảng 40% dự toán", ông nói.

Về bội chi NSNN, theo Bộ trưởng, nhờ sử dụng các khoản tăng thu, tiết kiệm chi, nên ước cả năm dưới 3,6%GDP.

Đối với quản lý nợ công, ông chia sẻ rằng năm 2018, nợ công tiếp tục được cơ cấu lại, nâng cao tính an toàn, bền vững tài chính quốc gia. Với việc thực hiện huy động TPCP theo tiến độ giải ngân vốn đầu tư, kết hợp với kiểm soát và giảm bội chi NSNN, nên dư nợ công đến hết năm 2018 ước thấp hơn 61%GDP, nợ Chính phủ dưới 52%GDP, nợ nước ngoài quốc gia khoảng 49,7%GDP.

Cơ cấu nợ được cải thiện. Kỳ hạn bình quân TPCP năm 2018 là 12,6 năm; Lãi suất bình quân là 4,67% Đầu tư từ Quỹ bảo hiểm xã hội, các quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm,... vào TPCP năm 2018 đã tăng lên khoảng 50%. Nhờ phát triển thị trường vay trong nước, nên đã giảm dần phụ thuộc vào các khoản vay nước ngoài.

Ngoài ra, trong năm, ngành tài chính đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, quản lý, sử dụng hiệu quả NSNN, tài sản, nợ công, đổi mới khu vực DNNN, phát triển các thị trường tài chính, dịch vụ tài chính theo các nguyên tắc thị trường, phù hợp với các cam kết và hội nhập quốc tế.

Đến nay, quy mô thị trường chứng khoán (TTCK) bằng khoảng 80% GDP, tăng 13% so với cuối năm 2017 và đã vượt mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội là đến năm 2020 đạt 70%GDP, từng bước trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế.

Về nhiệm vụ cơ cấu lại DNNN, ngành đã quản lý chặt chẽ việc định giá doanh nghiệp, chống thất thoát, tham nhũng trong cổ phần hoá và thoái vốn; bán cổ phần lần đầu 21 doanh nghiệp thu về 21,6 nghìn tỷ đồng và thoái vốn thu về 18,3 nghìn tỷ đồng, thặng dư 18,2 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, Bộ trưởng lưu ý tiến độ triển khai chưa đạt yêu cầu. Theo kế hoạch, năm 2018 phải hoàn thành cổ phần hóa ít nhất 85 doanh nghiệp. Tuy nhiên, tính đến ngày 20/12/2018, mới có 15 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa.

Việc đăng ký, giao dịch niêm yết trên TTCK của các doanh nghiệp cổ phần hóa chậm. Đến nay, còn 667 doanh nghiệp đã cổ phần hoá nhưng chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK, ảnh hưởng tới mục tiêu đổi mới khu vực DNNN là tăng cường tính công khai, minh bạch, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp.

Bên cạnh việc điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ, hiệu quả, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước trong điều hành chính sách tài khoá và tiền tệ. Bộ cũng đồng thời cũng phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trong việc quản lý điều hành giá cả, sử dụng hợp lý các công cụ về thuế, quỹ bình ổn giá, lộ trình, mức độ điều chỉnh giá hàng hoá, dịch vụ Nhà nước còn quản lý nhằm đảm bảo yêu cầu kiềm chế lạm phát.

Dù thành công của năm 2018 là toàn diện và đáng ghi nhận, nhưng Bộ trưởng nhấn mạnh thách thức đặt ra cho năm 2019 còn rất lớn. Theo đó, trong năm 2019, Bộ sẽ tập trung 5 nhiệm vụ trọng tâm.

Thứ nhất là tiếp tục bám sát Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 25 của Quốc hội, đẩy mạnh cơ cấu lại NSNN.

Thứ hai là khẩn trương trình Chính phủ ban hành các Nghị định về tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập theo lĩnh vực; Thực hiện lộ trình điều chỉnh giá gắn với việc nâng cao chất lượng dịch vụ, hỗ trợ các đối tượng chính sách và kiểm soát lạm phát...

Thứ ba là thực hiện sắp xếp, cơ cấu lại DNNN theo đúng lộ trình đã được phê duyệt, gắn với việc đăng ký, niêm yết giao dịch trên thị trường chứng khoán, tăng cường công khai, minh bạch, đổi mới quản trị.

Trong năm 2019, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về quản lý và sử dụng nguồn thu cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Thứ tư là thực hiện quản lý chặt chẽ cung - cầu thị trường, bình ổn giá, chống đầu cơ tăng giá, chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất và tiêu thụ hàng giả, trước mắt là trong dịp Tết Nguyên đán.

Thứ năm là nâng cao kỷ luật, kỷ cương quản lý tài chính - ngân sách, kể cả trong thu - chi NSNN, đầu tư XDCB, quản lý sử dụng tài sản công, đất đai, tài nguyên, khoáng sản,...

Hà Thu

Theo Mof.gov

Trở lên trên