Nhìn lại nửa năm thị trường chứng khoán Việt
Thị trường chứng khoán tăng điểm bất chấp các sự kiện vĩ mô không tích cực từ bên ngoài như FED trì hoãn nâng lãi suất, Brexit, hay bên trong như GDP giảm tốc.
- 15-07-2016S&P 500 tiếp tục lập đỉnh, giá trị vốn hóa chứng khoán toàn cầu đạt 64.500 tỷ USD
- 14-07-2016Lên đỉnh 8 năm, thị trường chứng khoán Việt Nam có còn hấp dẫn?
- 14-07-2016Giải mã cơn sốt tăng giá của chứng khoán toàn cầu
Nhà đầu tư nước ngoài chuyển sang bán ròng
Trái ngược với cùng kỳ các năm trước, nửa đầu năm 2016, nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) đã chuyển sang bán ròng. Nguyên nhân nằm ở giao dịch thỏa thuận bán cổ phiếu VIC. Nếu loại các giao dịch của VIC thì giá trị mua ròng của năm 2016 là 3,5 nghìn tỷ, giảm so với cùng kỳ là 5,6 nghìn tỷ.
Trong khi đó, 2 ETF bị giảm chứng chỉ quỹ với tổng giá trị 55 triệu USD, trong khi cùng kỳ các năm từ 2010 2 ETF này đều tăng chứng chỉ quỹ. 6 tháng đầu năm 2015, giá trị mà 2 ETF mang lại là +60 triệu USD. Chiến lược phân bổ lại tài sản của NĐTNN đã khiến ETF ngưng giải ngân vào Việt Nam.
VN-Index “miễn nhiễm” với các sự kiện vĩ mô bất lợi
Kết thúc phiên giao dịch ngày 30/6/2016, chỉ số VN-Index đạt 632,26 điểm, tăng 9,2% so với phiên giao dịch cuối cùng của năm 2015.
Sau khi tăng lên đỉnh cao nhất 8 năm trong khi tổng lợi nhuận không tăng, mức định giá của VN-Index đang là PE 14,3, tăng 15% so với cuối 2015 và cao hơn 10% so với mức trung bình 5 năm.
6 tháng đầu năm 2016, 5 cổ phiếu có mức đóng góp nhiều nhất cho VNIndex là GAS (+34,8 điểm), VNM (+15,1), VIC (+13), VCB (+12) và HPG (+6). Ngược lại, các cổ phiếu giảm nhiều nhất bao gồm HNG (-9,3 điểm), BID (-6,7), MSN (-4,9), CTG (-3.3) và HAG (-1,7).
Hầu hết các cổ phiếu tăng điểm hay giảm điểm đều có câu chuyện riêng, như GAS là nhờ giá dầu tăng lên 50$, VNM nhờ nới room, HPG nhờ chính sách hạn chế thép Trung Quốc. Trong khi đó, HAG, HNG giảm điểm do nợ quá hạn. Riêng VCB diễn biến trái ngược hoàn toàn với nhóm các ngân hàng còn lại.
Thị trường chứng khoán tăng điểm bất chấp các sự kiện vĩ mô không tích cực từ bên ngoài như FED trì hoãn nâng lãi suất, Brexit, hay bên trong như GDP giảm tốc.
Theo nhận định của SSI Retail Research, lãi suất giảm và tín dụng tăng nhanh trong quý II có vẻ như là lý do vĩ mô khả dĩ nhất để giải thích cho tâm lý tích cực của thị trường. "Tuy nhiên chúng tôi thấy rằng lãi suất có giảm nhưng vẫn cao hơn mặt bằng của 2015 còn tăng trưởng tín dụng trong quý II chỉ cao hơn so với quý I và vẫn thấp so với yêu cầu”, SSI Research nhận định.
Câu hỏi đặt ra là liệu chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gồm giải ngân nhanh vốn nhà nước và đẩy mạnh tín dụng có giúp được thị trường tiếp tục giữ lửa trong nửa cuối năm?
Theo SSI Research, phần lớn số điểm tăng của VN-Index trong năm 2016 có được từ quý II. Trong quý II, Chính phủ mới được hình thành và cũng thời gian này nhiều sự kiện xảy ra từ khách quan lẫn chủ quan có ảnh hưởng đến giá cổ phiếu lớn….
"Chính phủ mới thể hiện quyết tâm hỗ trợ doanh nghiệp. Cổ phiếu lớn có thông tin tích cực trong khi giá dầu tăng trở lại. Có thể ví như “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” cho VN-Index tăng điểm dù kinh tế tăng trưởng chậm lại rõ rệt”, SSI Reasearch nhận định.
Thanh khoản thị trường đã tăng 17% về giá trị so với cùng kỳ 2015. Theo quan sát, dư nợ margin của hầu hết các công ty chứng khoán đều tăng mạnh trong năm 2016, đây có thể coi là một nguồn hỗ trợ giúp tăng thanh khoản và VN-Index. Các CTCK đều có chiến lược gia tăng số dư margin nên nếu không có rủi ro về chính sách thì nguồn tiền margin sẽ giúp thị trường ổn định.
Theo SSI Retail Research, trong 6 tháng còn lại của năm, việc kinh tế thế giới và Việt Nam tăng trưởng chậm có thể sẽ có ảnh hưởng rõ hơn đến tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp, trong khi các cổ phiếu lớn dẫn dắt đã phản ánh phần lớn tiềm năng tăng trưởng trong năm.
Tuy nhiên, chính sách nới lỏng tiền tệ và đẩy nhanh giải ngân vốn ngân sách sẽ tạo luồng tiền dồi dào và tâm lý tích cực cho thị trường.
Trong khi đó, một số cổ phiếu và nhóm ngành có cơ hội outperform thị trường chung nhờ nhu cầu của thị trường ổn định và yếu tố mùa vụ như nhóm ngành thuỷ sản, bất động sản, thép,…
Có thể đạt ngưỡng 800 điểm?
Chia sẻ mới đây trên trang cá nhân, ông Nguyễn Duy Hưng , Chủ tịch SSI cho rằng, mặc dù trong thời gian vừa qua, thị trường có rất nhiều bất lợi từ các thông tin vĩ mô không tích cực như tăng trưởng GDP không đạt, ngân sách khó khăn,… nhưng thị trường chứng khoán lại liên tục tăng. Nguyên nhân là do những bất lợi này đã tồn tại từ lâu và tất cả đều đã phản ánh vào thị trường. Nay Chính phủ công bố, nhà đầu tư phản ứng tích cực với sự thể hiện minh bạch không che giấu của Chính phủ.
Theo đó, các doanh nghiệp và nhà đầu tư bắt đầu có niềm tin vào những cam kết của Chính phủ mới như cam kết của Thủ tướng không hình sự các quan hệ kinh tế, Bộ trưởng Truyền thông cam kết báo chí không làm khó doanh nghiệp, nhiều tỉnh thực sự rải thảm đỏ mời chào các doanh nghiệp, Chính phủ kiên quyết xử lý hiện tượng bắt tay thực hiện các giao dịch gây thất thoát.
“Thị trường chứng khoán Việt Nam đã xuống thấp sau khủng hoảng và hiện nay mới ở mức khoảng 50% so với đỉnh, trong khi các thị trường khác đã lên vượt đỉnh cũ, và ở các thị trường ấy cũng luôn ẩn chứa các nhiều bất ổn chưa được giải quyết. Nên khi nhà đầu tư cảm nhận được những định hướng minh bạch từ Chính phủ mới sẽ có niềm tin và thị trường sẽ bùng nổ”, ông Hưng nêu ý kiến.
Theo đó, Chủ tịch SSI cho rằng, nếu các bộ ngành thực hiện tốt sự chỉ đạo của Thủ tướng cải cách hành chính, xoá bỏ giấy phép con, tất cả nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển thì ngưỡng 800 điểm cho năm nay là hoàn toàn có thể.