MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhìn lại tác động kinh tế của 5 cuộc khủng hoảng dầu mỏ trong quá khứ, sự biến động của giá dầu và TTCK trong thời gian tới sẽ ra sao?

Nhìn lại tác động kinh tế của 5 cuộc khủng hoảng dầu mỏ trong quá khứ, sự biến động của giá dầu và TTCK trong thời gian tới sẽ ra sao?

Báo cáo mới đây của BSC đã điểm lại những cuộc khủng hoảng dầu mỏ trước đây, những ảnh hưởng và phản ứng của các Ngân hàng Trung ương (NHTW) lớn trong từng bối cảnh lịch sử liên quan đến các cuộc khủng hoảng dầu mỏ. Từ đó, nhà đầu tư có thể đưa ra các quyết định đầu tư sáng suốt trong thời gian tới.

Trước những biện pháp trừng phạt của Mỹ, các nước trên thế giới đối với nền kinh tế Nga, đặc biệt hướng đến lĩnh vực năng lượng đã khiến giá cả hàng hóa trên thế giới nói chung đặc biệt là giá dầu tăng mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Điều này làm thế giới lo ngại về một triển vọng kinh tế đầy bất ổn phía trước khi đại dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc. 

Trước bối cảnh đó, báo cáo mới đây của BSC đã điểm lại những cuộc khủng hoảng dầu mỏ trước đây, những ảnh hưởng và phản ứng của các Ngân hàng Trung ương (NHTW) lớn trong từng bối cảnh lịch sử liên quan đến các cuộc khủng hoảng dầu mỏ. Từ đó, nhà đầu tư có thể đưa ra các quyết định đầu tư sáng suốt trong thời gian tới.

Nhìn lại tác động kinh tế của 5 cuộc khủng hoảng dầu mỏ trong quá khứ, sự biến động của giá dầu và TTCK trong thời gian tới sẽ ra sao? - Ảnh 1.

Biến động giá dầu, BCOM Index, vàng, lúa mì từ 1970 – nay. Nguồn: BSC

Báo cáo cho biết, từ năm 1970 đến nay, thế giới đã và đang trải qua 6 sự kiện địa chính trị có tác động lớn đến giá dầu cũng như nhiều hàng hóa khác, bao gồm: Khủng hoảng Trung Đông (1973); Căng thẳng Iran – Iraq (1979-1980); Chiến tranh Vùng Vịnh (1990); Khủng hoảng giá dầu (2007); Mùa Xuân Ả Rập (2010); và gần đây là xung đột Nga-Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Chuyên gia phân tích BSC nhận định, giá dầu đều tăng mạnh khi thế giới xảy ra các sự kiện địa chính trị, đặc biệt khi sự kiện có yếu tố liên quan đến các quốc gia/vùng lãnh thổ có trữ lượng sản xuất dầu thô lớn. Khi giá dầu leo thang thì giá các mặt hàng khác đa phần đều có diễn biến tương tự, đặc biệt là giá vàng. 

Báo cáo nhận xét, cả 5 cuộc khủng hoảng đều có tác động làm giá dầu tăng. Nguyên nhân của những đợt tăng giá này hầu hết đến từ lo ngại về thiếu hụt nguồn cung khi các sự kiện địa chính trị này đều xảy ra ở khu vực Trung Đông – khu vực sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới.

Trong 5 sự kiện khủng hoảng dầu mỏ thì cuộc khủng hoảng Trung Đông (1973), Căng thẳng Iran-Iraq (1979-1980) và Cuộc khủng khoảng giá dầu (2007), giá dầu có sự biến động rất mạnh trên 130% so với thời điểm trước khi xảy ra sự kiện. Điều này đã kìm hãm đà tăng trưởng của thế giới cũng như tác động đáng kể lên Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Còn ở thời điểm hiện tại, sự kiện Nga – Ukraine đã ảnh hưởng lớn đến giá dầu khi Nga là một trong 3 quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, giá dầu đã có thời điểm tăng từ 95 USD/thùng lên gần 140 USD/thùng và hiện tại đang điều chỉnh về quanh ngưỡng 97- 100USD/thùng.

GDP của các quốc gia đã bị ảnh hưởng như thế nào?

Trong cuộc khủng hoảng Trung Đông (1973), tăng trưởng GDP tại các nền kinh tế G7 (7 nền kinh tế lớn nhất thế giới, bao gồm Hoa Kỳ, Canada, Đức, Pháp, Anh, Ý, Nhật) sụt giảm mạnh trong năm 1974, kéo theo GDP thế giới cũng đi xuống trong giai đoạn này. Tuy nhiên, các nước xuất khẩu dầu lại hưởng lợi trong thời gian này do giá dầu tăng cao. Sự suy giảm của nền kinh tế thế giới không tác động mạnh đến các quốc gia này.

Khi căng thẳng Iran-Iraq (1979-1980) xảy ra, tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu đã khiến cho giá dầu tăng cao, giá cả hàng hóa theo đó cũng tăng lên. Các nước nhập khẩu dầu buộc phải thắt chặt chính sách tiền tệ (CSTT) để kiềm chế lạm phát, do đó làm suy giảm đà tăng trưởng GDP.

Thời điểm khủng hoảng giá dầu xảy ra vào năm 2007, tăng trưởng GDP ở các nước nhập khẩu dầu suy giảm trong năm 2008 do suy thoái kinh tế tại Mỹ lan ra các nước khác. Tuy nhiên, các nước xuất khẩu dầu lại không bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng này.

Nhìn lại tác động kinh tế của 5 cuộc khủng hoảng dầu mỏ trong quá khứ, sự biến động của giá dầu và TTCK trong thời gian tới sẽ ra sao? - Ảnh 2.

Diễn biến tăng trưởng GDP các nước trong 5 cuộc khủng hoảng (Đơn cị: %)

Phản ứng của FED ra sao ở mỗi cuộc khủng hoảng?

Trong những cuộc khủng hoảng làm giá dầu tăng, tùy vào bối cảnh kinh tế trong nước, NHTW Hoa Kỳ đã có những CSTT khác nhau. Cụ thể, trong giai đoạn Khủng Hoảng Trung Đông (1973) và Căng thẳng Iran – Iraq (1979-1980), hai cuộc khủng hoảng dầu mỏ khiến lạm phát thế giới nói chung và Hoa Kỳ nói riêng tăng nóng trong giai đoạn này. Ở cả hai thời điểm này, FED đều thực hiện CSTT thắt chặt với nhiều lần tăng lãi suất. 

Nhìn lại tác động kinh tế của 5 cuộc khủng hoảng dầu mỏ trong quá khứ, sự biến động của giá dầu và TTCK trong thời gian tới sẽ ra sao? - Ảnh 3.

Diễn biến lạm phát Hoa Kỳ và lãi suất của FED

Trong giai đoạn Chiến tranh Vùng Vịnh 1990, Khủng hoảng giá dầu năm 2007, Mùa Xuân Ả Rập năm 2010, lạm phát trong giai đoạn này đều giảm nên FED đã thực hiện CSTT nới lỏng, bao gồm hạ lãi suất và đưa ra gói nới lỏng định lượng QE. Đặc biệt, trong giai đoạn đầu những năm 1990 và giai đoạn 2007- 2009, hai cuộc suy thoái diễn ra khiến tăng trưởng GDP Hoa Kỳ ở mức thấp, nên FED đã thực hiện nới lỏng CSTT nhằm khôi phục nền kinh tế.

Giá dầu sẽ còn tăng đến bao giờ?

Dựa theo lịch sử tham khảo từ 5 sự kiện khủng hoảng trước, báo cáo BSC dự đoán, giá dầu có thể duy trì đà tăng trong khoảng 6 tháng đến 2 năm. Bên cạnh đó, CPI sẽ tiếp tục tăng dựa theo đà leo thang của giá dầu và gây áp lực lên chính sách tiền tệ của NHTW trên thế giới. Ngoài ra, GDP thế giới dự kiến sẽ chịu ảnh hưởng khi giá cả lạm phát tăng cao làm suy yếu nhu cầu tiêu dùng. 

Đồng thời, các NHTW sẽ đứng trước lựa chọn tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, hay tiếp tục hạ lãi suất để thúc đẩy nền kinh tế. Nhiều khả năng sẽ duy trì xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ khi tốc độ tăng trưởng kinh tế khá tích cực trong năm 2021. 

Đối với TTCK, các chuyên gia BSC đánh giá, thị trường sẽ biến động mạnh nhất là trong 3 tháng đầu tiên, sau đó có dấu hiệu phục hồi dần.

https://cafef.vn/nhin-lai-tac-dong-kinh-te-cua-5-cuoc-khung-hoang-dau-mo-trong-qua-khu-su-bien-dong-cua-gia-dau-va-ttck-trong-thoi-gian-toi-se-ra-sao-20220323093500119.chn

Giang Anh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên