NHNN đã bơm trả thị trường gần 94.000 tỷ, duy trì thanh khoản dư thừa cho hệ thống ngân hàng
Trong bối cảnh trên, các ngân hàng đã đồng loạt thông báo giảm lãi suất huy động và cho vay trong những ngày cuối tháng 5 và đầu tháng 6.
- 05-06-2023Lãi suất ngày 5/6: Ngân hàng huy động 12 tháng cao nhất chỉ còn 8,5%, lãi suất cho vay mới bình quân giảm về 9,07%
- 04-06-2023Ngân hàng tuần qua: Lãnh đạo NHNN nhận định lãi suất sẽ tiếp tục giảm, cổ phiếu 'vua' nổi sóng
- 04-06-2023Lãi suất ngày 4/6: Thêm ngân hàng tiếp tục điều chỉnh giảm
Tính đến cuối tuần qua, 93.800 tỷ đồng trong tổng sổ 110.700 tỷ đồng tín phiếu mà Ngân hàng Nhà nước phát hành trong cuối tháng 2 và đầu tháng 3 đã đáo hạn, tương ứng với số tiền được Nhà điều hành bơm trả hệ thống ngân hàng.
Lượng tín phiếu lưu hành hiện đã giảm về còn 16.900 tỷ và sẽ đáo hạn hết trong tuần này.
Trước đó, từ ngày 15/2, NHNN đã triển khai việc phát hành tín phiếu kỳ hạn 91 ngày để hút bớt thanh khoản hệ thống trong bối cảnh lãi suất liên ngân hàng liên tục giảm sâu. Sau gần 1 tháng ròng rã hút thanh khoản, lượng tín phiếu 91 ngày lưu hành đến giữa tháng 3 đạt gần 110.700 tỷ đồng.
Với kỳ hạn 3 tháng, 110.700 tỷ đồng tín phiếu 91 ngày bắt đầu đáo hạn từ trung tuần tháng 5 và kéo dài đến đầu tháng 6. Qua đó làm dồi dào hơn thanh khoản hệ thống ngân hàng, góp phần giảm thêm các loại lãi suất trên thị trường.
Trong những tháng gần đây, NHNN luôn nhất quán với định hướng hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng khi giảm lãi suất điều hành, dừng phát hành tín phiếu mới và liên tục chào mua giấy tờ có giá trên thị trường mở.
Bên cạnh đó, NHNN cũng tăng lượng tiền cung ứng thông qua kênh mua ngoại tệ. Theo số liệu của NHNN, cơ quan này đã mua được khoảng 6 tỷ USD từ đầu năm tới nay. Với giá chào mua 23.450 đồng/USD, ước tính khoảng 140.000 tỷ VND đã được Nhà điều hành bơm đối ứng vào hệ thống ngân hàng thông qua kênh mua ngoại tệ.
"Vốn khả dụng của các tổ chức tín dụng được đảm bảo và thường trong tình trạng dư thừa (số dư tiền gửi của hệ thống TCTD tại NHNN liên tục vượt số dư dự trữ bắt buộc)", NHNN cho biết trong các thông cáo phát đi gần đây.
Thực tế, sự dồi dào về thanh khoản được thể hiện rất rõ khi những tuần gần đây khi gần như không có ngân hàng nào cần NHNN hỗ trợ vốn qua kênh thị trường mở. Đồng thời lãi suất liên ngân hàng cũng đã giảm mạnh vào cuối tháng 5, với kỳ hạn qua đêm xuống dưới 4%/năm.
Với thanh khoản dồi dào, các ngân hàng đã tiếp tục giảm lãi suất huy động trong những ngày cuối tháng 5 và đầu tháng 6 với mức giảm phổ biến từ 0,3 – 0,5 điểm % ở tất cả các kỳ hạn.
Khảo sát biểu lãi suất tại 34 ngân hàng trong nước sáng 5/6 cho thấy, lãi suất huy động cao nhất đối với kỳ hạn 1 năm tại các ngân hàng hiện là 8,5%/năm, được áp dụng tại ngân hàng GPBank.
Ngoài GPBank, chỉ còn một số ngân hàng niêm yết lãi suất trên mức 8%/năm cho kỳ hạn 12 tháng như ABBank (8,3%), VietABank (8,2%), VIB (8,2%), PVComBank (8,2%), OCB (8,1%), BaoVietBank (8,1%).
Các ngân hàng tư nhân lớn hiện áp dụng mức lãi suất 7,2 – 7,8% cho kỳ hạn 12 tháng. Trong khi nhóm Big4 huy động kỳ hạn này với lãi suất chỉ khoảng 6,8%.
Theo dữ liệu của Chứng khoán VnDirect, trong tháng 5, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng bình quân và kỳ hạn 12 tháng bình quân của nhóm ngân hàng tư nhân giảm mạnh lần lượt 0,57 điểm % và 0,28 điểm %; trong khi lãi suất tiền gửi bình quân tại các ngân hàng quốc doanh giảm 0,8 điểm % ở kỳ hạn 3 tháng và 0,4 điểm % ở kỳ hạn 12 tháng. Tính từ đầu năm 2023, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng bình quân giảm khoảng 1 điểm % trong khi lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng bình quân giảm khoảng 0,8 điểm %..
Sau những động thái quyết liệu của NHNN, VnDirect kỳ vọng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng bình quân hạ về mức 6,5-6,7%/năm vào cuối năm 2023, dựa trên những lý do sau: (1) nhu cầu tín dụng giảm do tăng trưởng kinh tế giảm tốc và thị trường bất động sản ảm đạm, (2) Chính phủ thúc đẩy đầu tư công qua đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế và (3) vẫn còn dư địa giảm thêm lãi suất điều hành vào cuối năm 2023.
Về phía lãi suất cho vay, nhiều ngân hàng mới đây đã cập nhật lãi suất cơ sở theo xu hướng giảm. Lãi suất cơ sở là cấu phần quan trọng để các ngân hàng tính tọa lãi suất cho. Như vậy, trong thời gian tới không chỉ các khoản vay mới mà các khoản vay hiện hữu cũng sẽ có lãi thấp hơn, giúp người dân doanh nghiệp được “dễ thở” trong quá trình trả nợ ngân hàng.
Trước đó, ngày 25/5, Ngân hàng Nhà nước đã có cuộc họp với lãnh đạo các ngân hàng thương mại tìm cách giảm lãi suất cho vay. Tại cuộc họp, NHNN đã đặt ra yêu cầu rất cao đối với việc giảm lãi suất cho vay.
Sau cuộc họp với NHNN, nhiều ngân hàng đã đồng thuận giảm lãi suất cho vay 0,3-0,5% đối với tất cả khách hàng hiện hữu. Nhóm dự kiến giảm lãi suất tuần tới sẽ tập trung ở các ngân hàng tư nhân từ đầu năm đến nay chưa điều chỉnh lãi với những khoản vay cũ.
Thông tin tại buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 3/6, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết, sau rất nhiều động thái điều hành của NHNN từ tháng 3 đến tháng 5, mặt bằng lãi suất cũng cho vay đã giảm, số liệu gần đây cho thấy lãi suất cho vay của các bảng vay mới bình quân hiện tại khoảng 9,07%, giảm 0,9% so với cuối năm ngoái.
“Với số liệu như thế này, chúng tôi tin tưởng rằng mặt bằng lãi suất đang giảm và cũng sẽ giảm trong thời gian tới”, ông Hà cho hay.
Nhịp sống Thị trường