NHNN đã chủ động đẩy lãi suất, tránh áp lực lên tỷ giá
Hoạt động thị trường tiền tệ tháng 8 thể hiện những bước đi rất thận trọng của NHNN, đặc biệt là việc chủ động điều hành lãi suất, không để xảy ra tình trạng chênh lệch lãi suất USD-VND cao gây áp lực lên tỷ giá.
- 04-08-2018Lãi suất USD đang bất lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu
- 09-07-2018Lãi suất USD liên ngân hàng cao gấp hơn 2 lần so với lãi suất VND
- 02-08-2017Tăng lãi suất USD: Hệ lụy khó lường
Đây là nhận định được đưa ra trong Báo cáo thị trường tài chính tiền tệ tháng 8/2018 của Bộ phận Phân tích và Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân - SSI Retail Research thuộc Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) vừa công bố.
Báo cáo cho biết, hoạt động thị trường tiền tệ tháng 8 thể hiện những bước đi rất thận trọng của NHNN. Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất VND qua đêm được đẩy dần từ 2% lên 4% và duy trì ở ngưỡng này từ giữa tháng 8. Trong khi đó, lãi suất USD vẫn ổn định quanh ngưỡng 2%, giúp tạo mức chênh lệch 2% khá an toàn. Như vậy, NHNN đã chủ động đẩy lãi suất VND không để xảy ra tình trạng chênh lệch lãi suất USD-VND cao gây áp lực lên tỷ giá.
Để đạt mức lãi suất mục tiêu này, NHNN đã sử dụng rất linh hoạt các công cụ thị trường mở để điều tiết thanh khoản. Bên cạnh tín phiếu các kỳ hạn 28 và 91 ngày vẫn phát hành trước đó, từ đầu tháng 8 NHNN mở rộng phát hành thêm kỳ hạn 7 ngày, 14 ngày và kỳ hạn rất dài 140 ngày, đáo hạn trong tuần cuối năm 2018. Khối lượng tín phiếu phát hành trong 2 tuần đầu tháng đạt hơn 52 nghìn tỷ, trong đó riêng kỳ hạn 140 ngày là 28.960 tỷ đồng.
Sau khi một khối lượng tương đối tiền được giữ lại trong tín phiếu dài ngày, NHNN hỗ trợ ngược lại với thanh khoản bằng OMO. Trong 3 tuần cuối tháng, đã có tổng cộng 36.355 tỷ đồng OMO được cho vay với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 4,75%. Kết thúc tháng 8, có 75.631 tỷ tín phiếu và 7.702 tỷ OMO đang lưu hành. Chênh lệch khối lượng lưu hành tín phiếu – OMO duy trì khá ổn định ở quanh mức 70.000 tỷ đồng. Thị trường tiền tệ đã tạm thời tìm được điểm cân bằng mới và lượng cung trên thị trường đủ để các thành viên có thể tự điều tiết với sự can thiệp không lớn từ phía NHNN.
Tỷ giá ngân hàng trong tháng 8 chỉ dao động quanh ngưỡng 23.270/23.350, tăng +0,17% so với cuối tháng 7 (tháng 7 tăng +1,4%). Tỷ giá trung tâm cũng được điều chỉnh không nhiều, chỉ tăng +9đ so với cuối tháng 7 lên mức 22.678đ/USD.
Tỷ giá tự do tăng mạnh vào đầu tháng 8 lên mức đỉnh 23.650 đ/USD. Thị trường tự do chịu tác động tâm lý từ những bất ổn liên tiếp trên thị trường thế giới. Tuy vậy nhờ sự ổn định trên thị trường chính thức, tỷ giá tự do đã hạ nhiệt trong nửa cuối tháng 8 về mức 23.480/23.500, tăng +0,13% so với cuối tháng 7 (tháng 7 tăng +1,6%).
Thanh khoản ngân hàng bị siết lại đã có phản ánh rõ nét hơn lên thị trường 1. Lãi suất huy động tăng không chỉ ở các NHTM cổ phần mà ở cả một số NHTM Nhà nước. Lãi suất tăng ở tất cả các kỳ hạn, tuy nhiên kỳ hạn dài 12 tháng tăng mạnh nhất do các ngân hàng có nhu cầu chuẩn bị nguồn vốn cho đợt cao điểm cuối năm, đặc biệt khi tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ bị phải giảm từ 45% về 40% từ năm 2019.
Trên thị trường trái phiếu, lợi suất có xu hướng tăng mạnh hơn ở các kỳ hạn ngắn. Trong đó, kỳ hạn 1 và 2 năm đã tăng hơn 50bps (điểm cơ bản) từ đầu năm và đạt mức cao nhất trong 1 năm, giao dịch ở 4,13% và 4,31% vào cuối tháng 8. Trong khi đó, các kỳ hạn 10 và 15 năm lại giảm nhẹ so với đầu năm. Đường cong lợi suất tiếp tục xu hướng thoải hơn phản ánh rủi ro trong ngắn hạn đang gia tăng.
NHNN cũng thận trọng trong điều hành tăng trưởng tín dụng. Chỉ thị số 04/CT-NHNN về việc triển khai các nhiệm vụ và giải pháp của ngành ngân hàng cho thấy NHNN sẽ không điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng trong năm 2018. Đây là biện pháp nhằm ổn định thanh khoản, kiểm soát lạm phát và quan trọng hơn là hướng dòng vốn tín dụng vào các mục tiêu hiệu quả. Số liệu từ TCTK ước tính tăng trưởng tín dụng toàn ngành trong 8 tháng mới đạt 8,18%, đây là mức thấp nhất trong 4 năm (10,8% trong 2017, 9,64% trong 2016 và 10,21% trong 2015). Nhiều khả năng tăng trưởng tín dụng thực tế trong năm 2018 sẽ thấp hơn tương đối mục tiêu 17%.
Cẩn trọng với những bất ổn từ thị trường thế giới
Báo cáo này chỉ ra 2 rủi ro bên ngoài chính là chiến tranh thương mại và thắt chặt chính sách tiền tệ. Về rủi ro chiến tranh thương mại, cuộc chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng và chưa cho dấu hiệu nhượng bộ. Thị trường tiếp tục thấp thỏm chờ đợi quyết định cuối cùng liên quan tới việc Mỹ áp thuế lên 200 tỷ USD tiếp theo và thậm chí 267 tỷ USD còn lại.
Bên cạnh đó, đàm phán thương mại nhóm Bắc Mỹ dù đã có bước tiến thành công giữa Mỹ và Mexico nhưng lại gặp vướng mắc khi Canada không sẵn sàng nhượng bộ. Trong khi đó, Nhật Bản có thể là mục tiêu tiếp theo Mỹ nhắm tới khi thâm hụt thương mại với Nhật Bản xếp thứ 3 chỉ sau Trung Quốc và Mexico.
Thị trường tài chính là nơi hứng nhanh chóng khi rủi ro thương mại gia tăng. Đồng CNY tiếp tục mất giá mạnh trong tháng 8, tỷ giá USD/CNY tăng lên mức 6,93CNY/USD, mất 9,6% trong vòng 4 tháng. Thị trường kỳ vọng tỷ giá CNY sẽ ổn định hơn trong thời gian tới khi PBOC mạnh tay hơn trong việc điều hành chính sách tỷ giá.
Về rủi ro thắt chặt tiền tệ, khởi đầu là Mỹ, sau đó nhiều nền kinh tế khác bao gồm cả các nước phát triển và nhóm thị trường mới nổi đang có xu hướng thắt chặt tiền tệ. Hiện đa phần thị trường tin rằng Mỹ sẽ tiếp tục nâng lãi suất thêm 2 lần trong năm 2018. EU giảm mua tài sản từ mức 30 tỷ EUR xuống 15 tỷ EUR/tháng vào tháng 9 và dự kiến sẽ kết thúc vào cuối năm nay. NHTW Anh đã nâng lãi suất 25bps lên 0,75% trong tháng 8 và Canada đã nâng lãi suất 2 lần trong năm nay…
Các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Philippines, Argentina… cũng liên tục nâng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát và bảo vệ đồng nội tệ. Đồng tiền của hầu hết các nước này đều đã mất giá đáng kể trong năm 2018.
Môi trường lãi suất thay đổi sẽ tác động tới sự dịch chuyển dòng vốn toàn cầu và có sức lan tỏa mạnh. Các nền kinh tế phát triển cần chuyển sang chính sách thắt chặt trước nguy cơ tăng trưởng nóng và lạm phát tăng cao sau một thời gian dài nới lỏng tiền tệ. Các thị trường đang phát triển cũng phải đối mặt với rủi ro lạm phát tăng nhanh và sự mất giá đồng nội tệ. Các thị trường này có thể chịu rủi ro lớn khi dòng vốn bị rút ra để tìm về các tài sản an toàn một khi thị trường có biến động mạnh. Báo cáo nhận định: Với độ mở lên tới 100%, Việt Nam khó có thể tránh khỏi những tác động từ bên ngoài khi nền kinh tế thế giới có bất ổn.
Trí Thức Trẻ