'NHNN giảm lãi suất chỉ là điều kiện cần chứ không phải điều kiện đủ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế'
Theo ACBS, giảm lãi suất có thể không có nhiều tác động nếu không có sự tăng trưởng nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng.
- 24-05-2023Loạt ngân hàng hạ lãi suất huy động trước ngày NHNN giảm lãi suất điều hành
- 23-05-2023NHNN giảm tiếp lãi suất điều hành, áp dụng từ 25/5
- 23-05-2023Nếu NHNN tiếp tục hạ lãi suất điều hành, thị trường chứng khoán sẽ ra sao?
Chiều ngày 23/5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phát đi thông cáo về việc điều chỉnh giảm thêm một loạt mức lãi suất điều hành áp dụng từ ngày 25/5.
Cụ thể, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng giảm từ mức 6,0%/năm xuống 5,5%/năm. Lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,0%/năm. Lãi suất tái chiết khấu giữ nguyên ở mức 3,5%/năm.
Trong khi đó, trần lãi suất đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,0%/năm. Trần lãi suất đối với tiền gửi bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ mức 6,0%/năm xuống 5,5%/năm. Trần lãi suất đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giữ nguyên ở mức 0,5%/năm.
Đây là lần thứ ba trong hơn 2 tháng qua NHNN giảm lãi suất điều hành. Trước đó, vào giữa tháng 3 và đầu tháng 4/2023, cơ quan này đã hai lần điều chỉnh một số loại lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ nền kinh tế.
Đánh giá về tác động của việc giảm lãi suất điều hành, Chứng khoán ACB (ACBS) cho rằng, việc NHNN giảm lãi suất chỉ là điều kiện cần chứ không phải điều kiện đủ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Cụ thể, sản xuất và tiêu dùng là hai lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, và hiện tại cả hai lĩnh vực đều đối mặt với sự suy giảm hoạt động. Do đó, người dân sẽ không có nhu cầu vay nợ để chi tiêu thêm và doanh nghiệp cũng không có ý định vay vay nợ để mở rộng hoạt động sản xuất. Do đó, giảm lãi suất có thể không có nhiều tác động nếu không có sự tăng trưởng nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng. Ngành sản xuất của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào các đối tác thương mại lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc.
“Vì vậy, chúng ta có thể phải đợi sự hồi phục nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn đó. Bên cạnh đó, khi ngành sản xuất hồi phục, nhu cầu tiêu dùng nội địa của Việt Nam cũng phục hồi. Những tác động trên mới là điều kiện đủ để thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023”, ACBS nhận định.
Bên cạnh đó, nhóm phân tích cho rằng, gần đây Chính phủ đã can thiệp để hỗ trợ kích thích tiêu dùng nội địa thông qua các chính sách khác như Nghị định 12/2023/N-CP gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và phí thuê đất trong năm 2023 và đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống còn 8% cho tất cả các hàng hóa và dịch vụ.
"Chúng tôi kỳ vọng những chính sách này sẽ giúp bù đắp cho sự suy giảm tiêu dùng nội địa. Hơn nữa, Chính phủ đã đưa ra các chính sách hỗ trợ cho lĩnh vực bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp, dự kiến sẽ thúc đẩy tăng trưởng và giải phóng dòng vốn", ACBS cho hay.
Cuối cùng, nhóm phân tích nhận định Chính phủ dự định đẩy mạnh đầu tư công trong năm 2023, đây cũng là một động lực cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023.
Nhịp sống Thị trường
- Đẩy nhanh vốn tín dụng ra thị trường
- Lãi suất tiền gửi và cho vay vẫn chênh lệch lớn
- Giá vàng nhẫn vọt lên mức kỷ lục 58 triệu đồng/lượng, người giữ vàng lãi đậm
- VietinBank hạ lãi suất huy động từ ngày 19/9, toàn bộ nhóm Big4 đã giảm về mức đáy lịch sử
- Giá vàng vượt mốc 69 triệu đồng/lượng, USD tiếp tục tăng mạnh