NHNN: Mục tiêu tín dụng 2019 tăng khoảng 14%, ưu tiên 'room' cho nhóm áp chuẩn Basel II sớm
Một loạt định hướng cho năm 2019 đã được NHNN công bố. Với hoạt động tín dụng, Thống đốc dự kiến tăng trưởng năm tới tiếp tục duy trì khoảng 14%. Các ngân hàng áp chuẩn Basel II sẽ có lợi thế khi phân bổ room tín dụng.
- 07-01-2019Tăng trưởng tín dụng năm 2018 đạt 14%, nợ xấu xuống dưới 2%
- 07-01-2019Gần Tết, 'tín dụng đen' bủa vây công nhân
- 05-01-2019Tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng tại Hà Nội đạt gần 17% trong năm 2018
14% là mức tăng "rất phù hợp", tiếp tục định hướng cho năm 2019
Chia sẻ tại cuộc họp báo Triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2019 diễn ra sáng nay (7/1), Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết Thống đốc đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2019 khoảng 14%.
Đây cũng là mức tăng trưởng tín dụng đạt được trong năm vừa qua. Theo nhận định của Phó Thống đốc, kết quả trên là "rất phù hợp" với bối cảnh hiện nay khi tỷ lệ tín dụng/GDP đã tăng lên 130%. Định hướng điều hành của Thống đốc năm 2018 vừa đáp ứng vốn cho nền kinh tế vừa tránh rủi ro cho hệ thống.
Theo NHNN, năm tới, tín dụng cũng cần phù hợp với chỉ tiêu định hướng, đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng. Thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng tổ chức tín dụng trên cơ sở đánh giá tình hình hoạt động và khả năng tăng trưởng tín dụng lành mạnh.
Năm 2019, NHNN sẽ tiếp tục phân bổ các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tới từng ngân hàng. Trong đó, TCTD thực hiện trước thời hạn các quy định về tỷ lệ an toàn vốn tại Thông tư 41 (Basel II) sẽ được ưu tiên chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức cao hơn. Đến nay, mới chỉ có 3 ngân hàng áp chuẩn Basel II sớm là Vietcombank, VIB, OCB.
NHNN cũng chỉ đạo các TCTD nâng cao chất lượng tín dụng; tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán…; tăng cường quản lý rủi ro đối với các dự án BOT, BT giao thông, tín dụng tiêu dùng. Hoạt động cho vay bằng ngoại tệ được kiểm soát và có lộ trình phù hợp giảm dần.
Trong công tác tái cơ cấu hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu, NHNN xác định mục tiêu tiếp tục triển khai và giám sát chặt chẽ việc thực hiện cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu. Đồng thời, kiểm soát và nâng cao chất lượng tín dụng gắn với tăng cường xử lý nợ xấu theo nguyên tắc thị trường. NHNN cũng tự đặt ra nhiệm vụ hoàn thiện hành lang pháp lý hỗ trợ xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các TCTD.
Việc xử lý nợ xấu phải gắn với việc triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh và nâng cao chất lượng tín dụng của các TCTD; phát huy vai trò của Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) trong việc xử lý nợ xấu để bảo đảm duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức an toàn, bền vững…
Điều tiết thanh khoản hợp lý để hỗ trợ ổn định thị trường tiền tệ
Ngoài mục tiêu về hoạt động cho vay và xử lý nợ xấu, NHNN cũng cho biết mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) năm nay tiếp tục là chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu bình quân dưới 4%; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.
Cụ thể, NHNN thực hiện điều hành nghiệp vụ thị trường mở nhằm điều tiết thanh khoản của các TCTD ở mức hợp lý để hỗ trợ ổn định thị trường tiền tệ, góp phần thực hiện mục tiêu CSTT. NHNN điều hành công cụ dự trữ bắt buộc đồng bộ với các công cụ CSTT khác, phù hợp với diễn biến thị trường tiền tệ và mục tiêu CSTT và tái cấp vốn cho TCTD để hỗ trợ thanh khoản, cho vay theo các chương trình đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hỗ trợ cơ cấu lại các TCTD và xử lý nợ xấu.
NHNN cũng sẽ chủ động thực hiện các giải pháp quản lý thị trường ngoại tệ, thị trường vàng hiệu quả, tiếp tục củng cố dự trữ ngoại hối nhà nước; triển khai tích cực các biện pháp hạn chế tình trạng đô la hóa trên lãnh thổ, góp phần ổn định thị trường ngoại tệ và kinh tế vĩ mô.
Người đồng hành