Nhờ ‘bữa ăn nghìn tỷ USD’ của chuyên gia cọ toilet, CEO Nvidia Jensen Huang đã xây dựng nên doanh nghiệp lớn nhất thế giới và bài học chẳng có nghề nào thấp kém
Tổng vốn hóa thị trường của Nvidia đã vượt Apple để trở thành công ty giá trị nhất thế giới nhưng ít ai biết rằng CEO Jensen Huang từng phải đi rửa bát, cọ toilet kiếm sống qua ngày và thậm chí là có ‘bữa ăn nghìn tỷ USD’ tại chính nhà hàng mình từng làm để có thành công ngày hôm nay.
"Tôi từng làm mọi việc, từ nghề rửa bát, cọ nhà vệ sinh. Tôi thậm chí cọ toilet còn nhiều hơn tất cả các bạn ở đây cộng lại", CEO Jensen Huang của Nvidia nhớ lại về thời mới lập nghiệp.
Trong một cuộc phỏng vấn với trường Stanford, vị CEO của Nvidia đã thú nhận về thời gian khổ khi mới lập nghiệp của mình. Tuy nhiên thay vì xấu hổ, ông chủ của công ty giá trị nhất thế giới lại tự hào về quãng thời gian khó khăn đó.
"Tôi đã rửa bát để kiếm sống qua ngày", CEO Jensen Huang cho biết.
Hiện nay tổng giá trị tài sản của ông Huang vào khoảng 114 tỷ USD và hãng Nvidia của ông đã vượt Apple để trở thành công ty giá trị nhất thế giới với tổng vốn hóa 3.340 tỷ USD.
Tuy nhiên chính ông chủ Nvidia cũng phải thừa nhận rằng thành công ngày hôm nay là nhờ học được đạo đức làm việc trong thời gian làm nhân viên rửa bát, cọ toilet rồi được "thăng chức" lên làm nhân viên bồi bàn cho nhà hàng Denny’s.
"Tôi luôn luôn bận rộn, không lúc nào ngơi tay và luôn làm việc hiệu quả. Chính quan điểm làm việc này đã giúp tôi cuối cùng trở thành CEO. Thậm chí cho đến hiện tại, tôi vẫn đang nỗ lực để trở thành một CEO giỏi", CEO Jensen Huang thừa nhận.
Thế nhưng nhà hàng Denny’s còn có ý nghĩa lớn hơn nữa khi chính nơi đây đã diễn ra "bữa ăn nghìn tỷ USD" vào thời điểm Jensen Huang còn chẳng biết phải xây dựng công ty kiểu gì.
Bữa ăn nghìn tỷ USD
Huang tới Mỹ cùng gia đình khi 9 tuổi, gia đình của ông không thực sự dư dả nên ông buộc phải đi làm thuê cho quán Denny’s ở tuổi 15.
Chính công việc kiếm sống qua ngày này đã góp phần giúp ông Huang lấy được bằng đại học rồi học tiếp lên thạc sĩ năm 1992.
Trên thực tế, công việc ở nhà hàng Denny’s không chỉ là nơi kiếm sống qua ngày, góp phần định hình nên tính cách và văn hóa làm việc cho Jensen Huang mà còn là nơi diễn ra "bữa ăn nghìn tỷ USD", nơi ông chủ Nvidia cùng 2 người bạn bàn thảo xây dựng nên đế chế công nghệ như ngày nay.
Năm 1993, Jensen Huang gặp Chris Malachowsky và Curtis Priem tại một chi nhánh nhà hàng của Denny’s ở North Carolina để thảo luận việc tạo ra một con chip đồ họa 3D chân thực trên máy tính cá nhân.
Theo những gì CEO Jensen Huang nhớ lại, cả Chris và Curtis đều muốn rời bỏ công ty cũ vào một ngày nào đó và họ cùng thảo luận xem mình sẽ làm gì tiếp theo. Tuy nhiên do có quá ít kinh nghiệm xây dựng doanh nghiệp nên Huang đã quyết định ghé thăm một hiệu sách để tìm tài liệu về cách khởi nghiệp.
Ông chủ Nvidia này đã tìm thấy một cuốn sách có tựa đề "Cách viết một kế hoạch kinh doanh" của Gordon Bell nhưng tác phẩm dài đến tận 450 trang.
"Tôi chưa bao giờ đọc hết cuốn sách đó, nói chính xác hơn là còn chưa đụng vào. Tôi chỉ lật qua vài trang và tự nhủ nếu mình đọc xong thứ này chắc doanh nghiệp sẽ phá sản mất", CEO Jensen Huang cười nói.
Vì vậy ông Huang đã đến nhà hàng của Denny’s cùng với 2 người bạn tại chi nhánh North Carolina để tìm ý tưởng kinh doanh sau khi nghỉ việc.
Hiện tại chi nhánh của Denny’s tại North Carolina vẫn còn có hẳn một khu tri ân dành riêng cho Jensen Huang, nhấn mạnh rằng chính "bữa ăn nghìn tỷ USD" tại nhà hàng của họ đã sáng tạo nên công ty giá trị nhất thế giới.
Quay trở lại câu chuyện, CEO Jensen Huang cho biết cuộc cách mạng máy tính cá nhân vừa mới bắt đầu nên 3 người bạn đã nghĩ rằng tại sao không xây dựng một công ty có thể giải quyết các vấn đề mà một chiếc máy tính bình thường chạy bằng điện toán đa năng không thể làm được.
"Chính ý tưởng này đã trở thành sứ mệnh của Nvidia", CEO Jensen Huang cho hay.
Cũng theo vị CEO này, nhờ có Nvidia mà hàng loạt mảng công nghệ mới bùng nổ là nhờ sự đầu tư phát triển của hãng này, ví dụ như công nghệ mô phỏng thời tiết, thiết kế vật liệu, ô tô tự lái và đặc biệt là trí tuệ thông minh nhân tạo (AI).
"Đó là cả một cuộc hành trình dài để đi đến thành công như ngày hôm nay", ông Huang tự hào nói.
Thành công sẽ tự lên tiếng
"Công việc đầu tiên của tôi là rửa bát trong nhà hàng và tôi đã làm điều đó khá tốt", CEO Jensen Huang thừa nhận khi cho rằng không có công việc nào là thấp kém và mọi người nên chăm chỉ làm việc trong im lặng rồi thành công sẽ tự lên tiếng.
Thật vậy, dù Nvidia đã phát triển công nghệ thúc đẩy cuộc cách mạng AI nhưng công ty này thực hiện chúng khá lặng lẽ. Mãi đến sau khi ChatGPT bùng nổ thì cái tên Nvidia mới được ngày càng nhiều người biết đến.
Trước đó, cái tên này chỉ phổ biến trong giới game thủ, vốn cần bộ xử lý đồ hòa từ Nvidia để chơi trò chơi điện tử.
Đầu năm 2020, tổng vốn hóa của Nvidia chỉ vào khoảng 144 tỷ USD thì trong vòng 4 năm, con số này đã tăng lên 3.340 tỷ USD. Nếu chỉ tính trong vòng 1 năm qua, tổng vốn hóa của Nvidia đã tăng 209,47%.
Đà tăng quá nóng của Nvidia khiến nhiều người lo ngại về một bong bóng dotcom mới khi doanh nghiệp công nghệ bị thổi phồng bởi kỳ vọng quá đà từ nhà đầu tư.
Bất chấp điều đó, CEO Jensen Huang vẫn khá khiêm tốn về thành công hiện nay khi cố gắng duy trì một cơ cấu phẳng trong công ty, nơi đích thân ông Huang sẽ hỗ trợ công việc cho mọi người nếu có thể, điều mà không phải tập đoàn lớn nào cũng có.
Theo CEO Jensen Huang, những giám đốc điều hành như ông nên là người nhận được báo cáo trực tiếp nhiều nhất chứ không phải cấp dưới. Bản thân ông Huang hiện đang nhận khoảng 50 báo cáo trực tiếp mỗi ngày.
"Chẳng có nhiệm vụ nào của cấp dưới mà không xứng để tôi quan tâm cả. Không có nghề thấp kém ở đây. Tôi từng làm rửa bát và đi cọ toilet đấy... Có nhiều việc của cấp dưới mà bạn không thể làm như không thấy được", CEO Jensen Huang cho biết.
*Nguồn: Fortune
An ninh tiền tệ