MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhờ đâu lợi nhuận BIDV tăng hơn 70%, đạt xấp xỉ 1 tỷ USD trong năm 2022?

31-01-2023 - 07:37 AM | Tài chính - ngân hàng

Nhờ đâu lợi nhuận BIDV tăng hơn 70%, đạt xấp xỉ 1 tỷ USD trong năm 2022?

Riêng quý IV/2022, lợi nhuận BIDV đạt 5.381 tỷ đồng, gần gấp đôi cùng kỳ 2021.

Theo báo cáo tài chính quý IV mới được công bố, lợi nhuận hợp nhất trước thuế năm 2022 của BIDV (BID) đạt gần 23.058 tỷ đồng, tăng 70,2% so với năm 2021. Trong đó, lợi nhuận quý IV/2022 đạt 5.381 tỷ đồng, gần gấp đôi cùng kỳ 2021.

Lợi nhuận BIDV tăng trưởng mạnh trong năm 2022 nhờ việc cắt giảm 18,6% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, xuống còn gần 23.988 tỷ đồng (giảm 5.493 tỷ so với năm 2021); trong khi lãi thuần từ hoạt động kinh doanh tăng 9,3% đạt kỷ lục 47.045 tỷ đồng.

Trong năm 2022, thu nhập lãi thuần vẫn là nguồn thu lớn nhất của BIDV với 56.064 tỷ, tăng 19,7% so với năm trước và đóng góp tới 80,6% tổng doanh thu. Lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối cũng tăng gần 65,6%, mang về cho ngân hàng 3.140 tỷ.

Tương tự, mảng chứng khoán đầu tư và thu nhập từ hoạt động góp vốn, mua cổ phần cũng ghi nhận sự tăng trưởng, với mức lãi thuần đạt lần lượt 259 tỷ đồng và 291 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm 14,4%, xuống còn 5.659 tỷ. Lãi thuần từ các hoạt động kinh doanh khác giảm 31,8% xuống mức 4.212 tỷ đồng. Hoạt động chứng khoán kinh doanh lỗ gần 32 tỷ, trong khi năm trước lãi hơn 586 tỷ đồng.

Tổng hợp các mảng kinh doanh, thu nhập hoạt động của BIDV trong năm 2022 đạt xấp xỉ 69.593 tỷ, tăng 11,4%. Trong khi chi phí hoạt động tăng 15,8% lên 22.548 tỷ đồng. Tỷ lệ CIR tăng từ 31,1% lên 32,4%.

Tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản BIDV đạt hơn 2,12 triệu tỷ, tăng 20,4% so với hồi đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 12,4% lên hơn 1,522 triệu tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng đạt gần 1,474 triệu tỷ, tăng 6,8%

Trong năm qua, nợ xấu nội bảng ngân hàng tăng hơn 30% lên 17.622 tỷ đồng; qua đó kéo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng từ mức 1% hồi đầu năm lên 1,16%.

Dù vậy, ngân hàng cũng đã tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro cho vay khách hàng lên 38.198 tỷ đồng, tăng 31,2% so với năm trước. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng từ 215% lên gần 217%.

BIDV sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong năm 2023?

Tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ công tác Đảng và công tác kinh doanh năm 2023, lãnh đạo BIDV cho biết ngân hàng phấn đấu hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm nay với dư nợ tín dụng điều hành theo giới hạn tín dụng NHNN giao, dự kiến tăng 12% - 13%; Huy động vốn điều hành phù hợp với sử dụng vốn, đảm bảo an toàn, hiệu quả, dự kiến tăng 11%; Kiểm soát tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11 ở mức ≤1,4%...

Tại báo cáo triển vọng mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, chất lượng tài sản của BIDV đã được cải thiện tốt kể từ khi tất toán trái phiếu VAMC. Tỷ lệ nợ xấu hình thành ròng cũng như tỷ lệ nợ xấu và dư nợ cơ cấu Covid-19 đã cho thấy xu hướng đi xuống từ mức nền cao trước đó mặc dù có bật tăng trở lại trong một số giai đoạn căng thẳng.

Điều này được cho là nhờ cách tiếp cận thận trọng hơn đối với chính sách trích lập dự phòng khi tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu đã chuyển sang mức ba con số kể từ đầu năm 2021 và duy trì ở mức cao cho đến thời điểm hiện tại, điều này đã thúc đẩy khả năng phục hồi của ngân hàng để đối phó với những bất ổn sắp tới.

Về dài hạn, VDSC dự kiến chi phí tín dụng biên của BIDV sẽ giảm dần xuống mức bền vững hơn nhờ vào bộ đệm vững chắc trước đó và sự chuyển đổi toàn diện theo hướng mở rộng tài sản lành mạnh. Kế hoạch tăng vốn tiềm năng cũng sẽ góp phần thúc đẩy sự mở rộng hiệu quả cùng với hành trình nâng cao chất lượng tài sản thông qua tăng cường tỷ lệ an toàn vốn của ngân hàng

Độ nhạy với chi phí tín dụng sẽ mang lại động cơ tăng trưởng nhờ cắt giảm chi phí khi các điều kiện bên ngoài trở nên thuận lợi hơn. Mức độ tiếp xúc thấp đối với các lĩnh vực rủi ro bao gồm trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản cũng giúp giảm bớt áp lực trích lập dự phòng thông qua việc kiểm soát tổn thất tín dụng dự kiến.

Mặt khác, mạng lưới rộng lớn của ngân hàng và cơ sở tiền gửi giúp đảm bảo năng lực huy động vốn với khả năng định giá cạnh tranh trong môi trường chi phí cao hơn, do đó giảm thiểu áp lực về chi phí vốn và hỗ trợ NIM. Với định hướng bán lẻ và chuyển đổi số, BIDV cũng có thể kiểm soát hệ số rủi ro bình quân cũng như chi phí hoạt động và tiếp tục mở rộng cơ sở tiền gửi thông qua thâm nhập phân khúc khách hàng bán lẻ.

Nếu Dự thảo sửa đổi Thông tư 22 có hiệu lực, VDSC cho rằng áp lực huy động của BIDV sẽ phần nào được giảm bớt nhờ nguồn vốn được sử dụng hiệu quả hơn để khuyến khích hoạt động ngân hàng và tài trợ nền kinh tế, khi kể đến lượng tiền gửi Kho bạc lớn nhất của BIDV trong số NH quốc doanh niêm yết.

Quang Hưng

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên