MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhọc nhằn ghìm cương “con ngựa” lãi suất

06-09-2018 - 13:58 PM | Tài chính - ngân hàng

Gần đây, nhiều ngân hàng lớn đã tham gia tăng lãi suất huy động nhưng so với mức lãi suất cao nhất của các ngân hàng nhỏ thì mức lãi suất cao nhất của ngân hàng lớn vẫn thấp hơn nhiều.

“Rượt đuổi” lãi suất ?

Trần lãi suất cho kỳ hạn dưới 6 tháng vẫn là 5,5%/năm. Do đó, Vietcapitalbank áp lãi suất gần kịch trần với 5,4%/năm từ 1-5 tháng, còn lãi suất tiền gửi cao nhất 8,6%/năm công khai cho kỳ hạn 24 tháng, kỳ hạn 12 tháng 8%/năm.

Các ngân hàng nhỏ khác cũng đã điều chỉnh biểu lãi suất huy động, như: NamABank, VIB Bank, VPBank, SeABank… lãi suất được điều chỉnh mạnh nhất ở các kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên. Tại ngân hàng CB lãi suất kỳ hạn 6 tháng là 8%/năm, 15 tháng là 8,6%/năm.

Mới đây, nhiều ngân hàng lớn đã vào cuộc điều chỉnh biểu lãi suất huy động. Cụ thể, Sacombank ngày 5/9/2018 đã điều chỉnh lãi suất ngân hàng kỳ hạn 13 tháng tăng từ 7,6% lên 7,8%/năm và 18 tháng tăng từ 7,1% lên 7,2%/năm nhưng lại áp dụng cho số tiền gửi từ 100 tỷ đồng trở lên.

Trong khi đó, lãi suất kỳ hạn 3 - 5 tháng giảm từ 5,5%/năm xuống 5,3%/năm; Lãi suất kỳ hạn 6 - 8 tháng giảm từ 6,2% xuống 6,1%/năm; Lãi suất kỳ hạn từ 9 - 11 tháng giảm từ 6,4% xuống 6,2%/năm.

Tại các “ông lớn” ngân hàng như BIDV cũng chỉ điều chỉnh lãi suất tiền gửi cao nhất là 6,9%/năm kỳ hạn 12 tháng với số tiền gửi lớn. Ngoài ra, lãi suất kỳ hạn 13 tháng tăng từ 6,7%/năm lên 6,8%/năm.

Tại VietinBank ngày 05/9/2018, mức lãi suất tiền gửi cao nhất 7%/năm cho 36 tháng, 12 tháng là 6,8%/năm. Kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng tăng thêm 0,2 điểm phần trăm lên 4,3%/năm. Kỳ hạn từ 4 tháng đến dưới 6 tháng cũng tăng thêm 0,2 điểm phần trăm lên 4,8%. Ngoài ra, kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tăng 0,2 điểm phần trăm lên 5,3%.

Tại Agribank cũng đã tăng lãi suất thêm 0,1-0,2 điểm phần trăm ở nhiều kỳ hạn. Cụ thể, kỳ hạn 1 tháng tăng thêm 0,2%/năm lên 4,3%/năm; kỳ hạn 12 tháng tăng 0,2%/năm lên 6,8%/năm; kỳ hạn 24 tháng tăng thêm 0,1%/năm lên 6,8%/năm.

Tại Vietcombank duy nhất có lãi suất tiết kiệm tại kỳ hạn 12 tháng được điều chỉnh tăng từ 6,4% lên 6,5%. Tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn 1 - 2 tháng có lãi suất 4,1%/năm; 3 tháng là 4,6%/năm; 6 tháng là 5,1%/năm; 9 tháng là 5,5%/năm.

Nhọc nhằn ghìm cương “con ngựa” lãi suất - Ảnh 1.

Ngân hàng lớn tăng lãi suất nhưng vẫn thấp so với ngân hàng nhỏ, vì sao?

Trong cơ cấu nguồn vốn huy động của những ngân hàng lớn rất đa dạng, chẳng hạn theo BCTC quý II/2018, tính đến 30/6/2018, tại BIDV ngoài khoản mục “Tiền gửi của khách hàng ” là 964.542 tỷ đồng, thì khoản mục “Tiền gửi từ Kho bạc Nhà nước” là 55.907 tỷ đồng và “Tiền gửi của Bộ Tài chính” là 4.633 tỷ đồng, bằng 6,3% khoản mục “Tiền gửi của khách hàng” tại BIDV.

Tại Vietcombank, khoản mục “Tiền gửi thanh toán của Kho bạc Nhà nước” đến 30/6/2018 là 67.540 tỷ đồng, sụt giảm mạnh so với đầu năm là 165.081 tỷ đồng, bằng 8,8% so với 764.496 tỷ đồng khoản mục “Tiền gửi của khách hàng” tại Vietcombank.

Tại Vietinbank tính đến 30/6/2018, khoản mục “Tiền gửi của Kho bạc Nhà nước” là 46.337 tỷ đồng, tăng mạnh so với 11.099 tỷ đồng đầu năm nay, bằng  5,4% so với 852.448 tỷ đồng khoản mục “Tiền gửi của khách hàng” tại Vietinbank.

Các ngân hàng nhỏ có tổng tài sản ở mức 45.000 – 150.000 tỷ đồng, tiền gửi khách hàng bằng 50-70% tổng tài sản vẫn thua xa các “ông lớn” ngân hàng có tổng tài sản tới triệu tỷ đồng. Điều này cho thấy việc dẫn dắt lãi suất của các ngân hàng lớn vẫn là “ngọn hải đăng” trên thị trường.

Ngoài ra, lợi thế của các “ông lớn” ngân hàng là có lượng khách hàng doanh nghiệp lớn gửi tiền tại ngân hàng do đó có tình trạng doanh nghiệp lớn có số dư tiền gửi tại ngân hàng nhận được tiền lãi đủ để trả lãi vay cho khoản tiền đi vay ngân hàng.Vì với những doanh nghiệp lớn, tốt sẽ được vay vốn với lãi suất khá thấp, chỉ 5-6%/năm, trong khi lãi suất tiền gửi tiết kiệm từ 03 tháng trở xuống cũng nằm trong khoảng 4,3 -5%/năm. Đây là cách mà nhiều doanh nghiệp lớn có nguồn tiền mặt lớn dùng đòn bẩy tài chính để tối đa hoá lợi nhuận cho doanh nghiệp.

 Không có chuyện đột ngột tăng lãi suất

Thực ra, câu chuyện lãi suất tiết kiệm ngân hàng mức cao nhất tới 8,8%/năm đã được ngân hàng CB “dâng” lên vào tháng 12/2017. Tại thời điểm này, nhiều ngân hàng nhỏ đã có mức lãi suất huy động ở kỳ hạn 12-13 tháng đã xoay quanh 8,5-8,8%/năm. Nguồn tiền từ các ngân hàng lớn “chạy” về ngân hàng nhỏ giúp các ngân hàng nhỏ có được thanh khoản cuối năm.

Nhọc nhằn ghìm cương “con ngựa” lãi suất - Ảnh 2.

Lãi suất tiền gửi tiết kiệm đã được ngân hàng chào 8,8%/năm cuối năm 2017 đầu năm 2018 - Ảnh: LA.

Tuy nhiên, chốt chặn của mức lãi suất cao là kỳ hạn phải là 13 tháng. Đến nay, cuối quý III/2018, nhiều điều kiện từ thị trường, từ chính sách tín dụng của Ngân hàng Nhà nước như: không nới room tín dụng, áp lực lạm phát, tăng sự hấp dẫn của VND… là cơ hội để các ngân hàng lớn điều chỉnh biểu lãi suất, tận dụng nâng lãi suất đầu vào khiến lãi suất đầu ra có thể điều chỉnh để tạm thời hạn chế cho vay ra…

Theo Ngân hàng Nhà nước, tình hình hoạt động ngân hàng trong tuần từ 20/8 – 24/8/2018, hiện mức lãi suất cho vay VND phổ biến ở mức 6,0-9,0%/năm đối với ngắn hạn; 9,0-11%/năm đối với trung và dài hạn.

Dù lãi suất tiền gửi lại biến động, mức cao nhất hiện chưa đạt tới ngưỡng 8,8%/năm của thời điểm cuối năm 2017 đầu năm 2018, nhưng đã tăng cao so với thời điểm tháng 7/2016 khi đỉnh lãi suất cũng chỉ đạt mức 8%/năm cho kỳ hạn 24 tháng. Vấn đề ở đây lãi suất tiền gửi đã tăng thì đừng mơ lãi suất cho vay giảm.

Theo Lan Anh

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên