Nhóm nghiên cứu VinaCapital: Việt Nam đã "làm phẳng đường cong" Covid-19, kỳ vọng việc mở cửa lại kinh tế sẽ diễn ra khá suôn sẻ
Báo cáo của VinaCapital cho rằng Chính phủ của hầu hết những quốc gia hiện đang “phong tỏa” đã bắt đầu chuyển trọng tâm từ việc chống COVID-19 sang việc mở cửa lại nền kinh tế, điều mà các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam cũng cần phải bắt đầu lên kế hoạch.
- 15-04-2020Nhiều công ty nước ngoài đã tính đến việc chuyển nhà máy sản xuất sang Việt Nam sau dịch Covid-19
- 15-04-2020Tin vui: Nam phi công người Anh đã có dấu hiệu nhận biết xung quanh dù còn dương tính với virus SARS-COV-2
- 15-04-2020IMF: Việt Nam sẽ tăng trưởng 2,7% năm 2020 nhưng nhảy vọt lên 7% năm 2021
Việt Nam đã "làm phẳng đường cong" COVID-19
Biểu đồ dưới đây cho thấy số ca nhiễm COVID-19 còn lại của Việt Nam kể từ trường hợp đầu tiên xuất hiện vào ngày 23 tháng 1 đã phẳng hơn nhiều so với đường cong COVID-19 của các quốc gia khác (những quốc gia chậm trễ hơn trong việc ngăn chặn COVID-19 và/hoặc không tuân thủ những biện pháp tối ưu bảo vệ sức khỏe cộng đồng như đã được thực hiện tại Việt Nam, bao gồm: chiến dịch y tế cộng đồng rộng khắp trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội, các biện pháp lần theo dấu/cách ly có hiệu quả dựa trên khoanh vùng các mối quan hệ cũng như thực hiện xét nghiệm với số lượng hợp lý (tính đến ngày 5/4, Việt Nam đã xét nghiệm cho khoảng 0,1% dân số so với khoảng 0,2% ở Anh).
Ngoài ra, Việt Nam đã thiết lập một hệ thống theo dõi không chỉ những người bị nhiễm bệnh (các bệnh nhân F0), mà còn giám sát một loạt những người có tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với người bị nhiễm và/hoặc bị nghi nhiễm.
Nguồn: VinaCapital
Tại sao chiến lược "làm phẳng đường cong" tối ưu ở Việt Nam
Theo VinaCapital, một trong những ưu tiên chính của chính phủ các nước hiện nay là giảm bớt sự gia tăng đột ngột của tổng số ca nhiễm COVID-19 trong biểu đồ trên (đối với các nước Mỹ và châu Âu), bởi tình trạng quá tải tại các bệnh viện. Rõ ràng, bệnh nhân COVID-19 không thể điều trị tốt nếu bệnh viện bị quá tải, nhưng những người có vấn đề sức khỏe khác, như đau tim hoặc ung thư cũng sẽ không thể được điều trị đầy đủ khi các bác sĩ cũng đang bị quá tải với các ca nhiễm COVID-19 và các nguồn lực y tế cũng đang tập trung cho dịch COVID.
Thêm vào đó, một số dữ liệu mới được công bố vào tuần trước so sánh số người chết ở một số nước châu Âu trong tháng 3 năm 2020 so với tháng 3 năm 2019. Số người chết trong năm nay rõ ràng cao hơn năm 2019 , nhưng có vẻ như phần lớn số ca tử vong cao hơn trong năm 2020 thực tế là do những bệnh nhân cần điều trị cho các vấn đề y tế không phải COVID-19 - đã không thể được điều trị đầy đủ.
Hiện tượng này là một vấn đề thậm chí còn lớn hơn ở các nước đang phát triển như Ấn Độ, Philippines và Việt Nam, đó cũng là lý do khiến Chính phủ Việt Nam nhận được lời khen ngợi từ khắp nơi trên thế giới vì đã "làm phẳng đường cong" biểu đồ dịch COVID, ngăn không cho các bệnh viện bị quá tải.
Tác động của COVID-19 đối với nền kinh tế Việt Nam là nặng nề.. nhưng ít hơn các nước khác
Một cuộc thăm dò được thực hiện ở Mỹ vài ngày trước đã hỏi người Mỹ rằng họ lo ngại điều gì nhất liên quan đến COVID. Hơn một nửa số người Mỹ nói rằng lo ngại nhất về tác động của COVID-19 đối với họ là về mặt kinh tế, trong khi chỉ có 4% người dân ở Mỹ nói rằng mối lo ngại hàng đầu là bị nhiễm COVID.
Nếu cuộc thăm dò này được tiến hành tại Việt Nam, số người Việt Nam nói rằng mối lo ngại hàng đầu liên quan đến COVID-19 là tác động về mặt kinh tế COVID-19 - thay vì tác động về mặt sức khỏe - có thể còn cao hơn ở Mỹ, nhưng VinaCapital cho rằng việc xử lý khủng hoảng COVID-19 của Chính phủ Việt Nam sẽ phần nào giúp giảm bớt những lo ngại này.
Theo một nghiên cứu được xuất bản bởi nhà kinh tế học Robert Barro của Đại học Harvard vào tháng trước, nhiều quốc gia có thể phải chịu mức giảm tăng trưởng GDP tới 6% hoặc cao hơn trong năm nay, dựa trên tác động kinh tế của đại dịch nghiêm trọng trong quá khứ, như dịch Cúm Tây Ban Nha.
Ví dụ như, kinh tế Mỹ ban đầu được dự báo tăng trưởng 2% trong năm 2020, nhưng dịch COVID-19 bùng phát có thể làm giảm tăng trưởng GDP của Mỹ khoảng 7% và vì thế các nhà kinh tế dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ sẽ giảm xuống -5% năm nay. Tương tự như vậy, kinh tế Thái Lan ban đầu được dự báo tăng 3% trong năm 2020, hiện nay mức dự báo này được điều chỉnh giảm khoảng 8% do tác động của dịch COVID, và các nhà kinh tế dự báo tăng trưởng kinh tế Thái Lan sẽ giảm xuống -5% năm nay.
Trong khi đó, hầu hết các nhà kinh tế dự đoán kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng 3,5-4% trong năm 2020 và thậm chí có thể cao hơn nữa, tùy thuộc vào hiệu quả của các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng của Chính phủ. Lý do khiến kinh tế của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng ít hơn – chỉ giảm 3,5% tăng trưởng GDP từ COVID, so với mức giảm 6-7% của nhiều quốc gia khác trên thế giới là các biện pháp y tế cộng đồng của Việt Nam đã rất hiệu quả mà Chính phủ không cần thiết phải đóng cửa hoàn toàn nền kinh tế.
Trái ngược với hầu hết các quốc gia khác trên thế giới đang bị tấn công bởi COVID, nhiều nhà máy và trang trại của Việt Nam vẫn đang hoạt động và một số cửa hàng bán lẻ vẫn mở, do đó, tỷ lệ dân số vẫn tiếp tục làm việc cao hơn so với hầu hết các nước khác trên thế giới, mặc dù hiện nay nhiều trong số đó là làm việc tại nhà.
Thêm vào đó, số lượng thất nghiệp dự kiến ở Việt Nam được công bố bởi các hiệp hội ngành công nghiệp cho thấy tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng lên khoảng 5% vào cuối tháng này so với khoảng 2% vào đầu năm 2020. Sự gia tăng số lượng lao động thất nghiệp của Việt Nam sẽ là một thách thức lớn đối với các nhà hoạch định chính sách. Với tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ sẽ đạt khoảng 20% vào cuối tháng 4, là minh chứng cho thấy những kịch bản xấu hơn có thể đã xảy ra cho thị trường việc làm tại Việt Nam nếu không có các biện pháp y tế công cộng hiệu quả mà Chính phủ đã thực hiện ngay từ Tết.
Cuối cùng, một yếu tố nữa sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam vượt qua cơn bão kinh tế toàn cầu. Việt Nam sản xuất các sản phẩm cao cấp như điện thoại thông minh và máy ảnh kỹ thuật số, nhưng phần lớn các sản phẩm tiêu dùng được sản xuất tại Việt Nam vẫn là hàng hóa thứ cấp được xuất khẩu sang Mỹ và Châu Âu và được bán cho người tiêu dùng trong các chuỗi siêu thị giá rẻ như Walmart ở Mỹ và Carrefour ở Châu Âu.
Nhu cầu về các sản phẩm tiêu dùng thứ cấp được bán trong các cửa hàng giảm giá (chẳng hạn như thiết bị thể thao/thảm yoga, đồ chơi thú cưng, đồ làm vườn, dụng cụ nhà bếp thứ cấp, v.v.) thường vẫn ổn định trong thời kỳ suy thoái kinh tế. Đó là vì nếu trước khi suy thoái người tiêu dùng đã quen mua các sản phẩm xa xỉ đắt tiền, thì sau khi suy thoái kinh tế xảy ra, họ bắt đầu mua sắm các sản phẩm tiết kiệm hơn được bán trong các cửa hàng giảm giá, để giảm mức chi tiêu hàng tháng.
Bước đi tiếp theo?
Tuần trước, Tổng thống Trump đã tuyên bố thành lập một lực lượng đặc biệt có tên "Opening Up Our Country Task Force" bao gồm các chuyên gia y tế và lãnh đạo doanh nghiệp. Quyết định này của Tổng thống Trump đang được ủng hộ khi các chuyên gia điều chỉnh giảm dự báo về tổng số ca tử vong do COVID-19 ở Mỹ từ mức 2,2 triệu người vào tháng 3 xuống còn 250.000 người vào đầu tháng này, và xuống dưới 60.000 vào tuần trước. Một số quốc gia ở châu Âu cũng đã bắt đầu lên kế hoạch mở lại nền kinh tế dựa trên thực tế là đường cong biểu đồ dịch COVID-19 (số ca nhiễm còn lại) và số lượng tử vong dường như đã đạt đỉnh, như có thể thấy trong biểu đồ dưới đây.
Hầu hết các chính phủ đang hiệu chỉnh các biện pháp mở cửa lại kinh tế, dựa trên tốc độ giảm của số ca nhiễm COVID-19 còn lại và/hoặc số ca tử vong tính từ đỉnh (ví dụ, mức tăng đột biến trong các ca nhiễm COVID-19 còn lại của Ý trong biểu đồ trên, và tốc độ giảm dần sau đó là chỉ báo quan trọng cho những quyết định của các chính trị gia và giới chức y tế của Ý). Vì giới chức y tế của Việt Nam đã "làm phẳng đường cong" và vì Việt Nam chưa có trường hợp tử vong nào, VinaCapital hy vọng việc mở cửa lại kinh tế của Việt Nam sẽ diễn ra khá suôn sẻ.
Trí Thức Trẻ
Sự kiện: Giảm đau kinh tế
Xem tất cả >>- Nhân lúc giá dầu "rẻ như cho", TQ đã quyết định làm điều này: Cao thủ không bằng... tranh thủ?
- "Lột xác" căn studio ngoạn mục chỉ với 45 triệu đồng sau 1 tuần
- Thỏa thuận 600 triệu USD rơi vào cảnh "ngàn cân treo sợi tóc" sau vụ đụng độ biên giới Trung - Ấn
- PVFCCo vượt qua nhiều thách thức giữ vững vị thế đầu ngành
- Doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng công nghệ số để duy trì hoạt động trong mùa dịch Covid-19