Nhóm người có nguy cơ cao mắc bệnh suy giảm trí nhớ, cần phải phòng bệnh trước 40 tuổi
Bệnh suy giảm trí nhớ không dễ phát hiện cho đến khi bạn trở thành bệnh nhân, làm bản thân khổ và người thân cũng khổ theo. Đây là nhóm người có nguy cơ cao và cách phòng tránh.
Đãng trí , mất trí, sa sút trí tuệ, suy giảm trí nhớ là những dấu hiệu thuộc bệnh mất trí. Là nhóm bệnh lý đáng sợ nhất của người cao tuổi. Bệnh không chỉ gây ra sự bất tiện trong sinh hoạt vì lúc nhớ lúc quên, mà còn gây ra nhiều hậu quả lớn khác, khi bạn thậm chí không biết mình là ai, theo đúng nghĩa đen.
Suy giảm trí nhớ: Điều khiến người cao tuổi sợ nhất!
Một khảo sát đã được thực hiện tại Trung Quốc đã hỏi người tham gia rằng, khi về già, họ sợ nhất bệnh gì? Câu trả lời chiếm đa số nhất lại là căn bệnh ít người quan tâm, đó chính là bệnh suy giảm trí nhớ, cũng có thể gọi là Alzheimer hoặc đãng trí.
Chuyên gia Tiểu Mễ, đại diện của nhóm khảo sát cho biết, bố của cô cũng mắc bệnh đãng trí. Việc ăn uống đều phải nhờ vào sự phục vụ của người khác, bản thân ông không có ý thức về thời gian và hầu như không có suy nghĩ. Đại tiểu tiện không kiểm soát. Ngoài việc ông thường xuyên mắng chửi, thì không nói thêm bất kỳ câu gì. Thậm chí ông cũng không nhận ra ai là người thân trong gia đình.
Theo chuyên gia Mễ, đây là căn bệnh mà bản thân người bệnh trước đó cũng không hề nghĩ rằng họ sẽ mắc bệnh. Thậm chí gần như không có một giải pháp phòng bệnh nào, nhiều người trong số họ còn không biết bản thân có bệnh. Điều này không chỉ hạn chế chất lượng sống của chính họ, mà còn làm khổ cho cả gia đình.
Bệnh sa sút trí tuệ có phải là một quá trình lão hóa tự nhiên? Những nhóm người nào dễ mắc bệnh mất trí nhớ? Làm thế nào chúng ta có thể ngăn chặn được? Sau đây là lời khuyên của bác sĩ Lý Thục Quyên, Phó Trưởng khoa Thần kinh nội khoa, Bệnh viện Triều Dương, Bắc Kinh, Trung Quốc.
Bệnh đãng trí không phải là lão hóa tự nhiên
Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng, ai rồi cũng già đi theo tuổi tác, và não cũng bị lão hóa trong điều kiện khách quan đó.
Khi chúng ta thấy một bộ phần người già bỗng một ngày mắc chứng "ngớ ngẩn", nhớ nhớ quên quên. Đó là dấu hiệu khởi đầu hoặc giai đoạn đầu của chứng mất trí nhớ, suy nghĩ chậm, dễ bị đi lạc và các triệu chứng khác.
Trong giai đoạn này, vì bệnh nhân vẫn duy trì được một số kỹ năng xã hội nhất định nên bệnh nhân và gia đình họ thường cho rằng đó chỉ là điều bình thường tất yếu của quá trình lão hóa tự nhiên.
Trong thực tế, theo bác sĩ Quyên, bệnh đãng trí hay nặng hơn là mất trí thường phát triển trong âm thầm, các triệu chứng tăng lên từ từ và không rõ ràng khiến người bệnh hầu như không để ý, không đề phòng, thậm chí coi nhẹ.
5 nhóm người dễ mắc bệnh nhất
1. Người bị di truyền từ tiền sử gia đình
Bệnh đãng trí/mất trí có liên quan đến di truyền từ tiền sử gia đình. Nếu trong gia đình có người mắc bệnh này, thì con ruột của họ có nguy cơ mắc bệnh cao tới hơn 3,5 lần.
2. Người có sở thích ăn uống nhiều năng lượng
Nhóm người thích ăn uống nhiều, hàm lượng calo cao sẽ làm cho họ dễ bị béo phì, từ đó dễ bị hội chứng chuyển hóa, làm giảm chức năng chuyển hóa cơ bản, dẫn đến tình trạng rơi vào một chu kỳ luẩn quẩn, ăn nhiều sẽ mắc bệnh tam cao (huyết áp cao, mỡ máu cao, đường huyết cao). Đây là một trong những nguyên nhân gây đãng trí trong tương lai.
3. Người từng bị chấn thương vùng đầu
Người nào trước 65 tuổi từng bị chấn thương vùng đầu như ngã, tai nạn, phẫu thuật liên quan có khả năng mắc bệnh đãng trí tăng cao đáng kể. Khi đã có lịch sử chấn thương vùng đầu, sẽ dễ gây ra chứng suy giảm nhận thức, trí nhớ sụt giảm và đãng trí.
4. Người có bệnh tim mạch, bệnh mạch máu não
Xơ vữa động mạch là một trong những yếu tố nguy cơ mất trí nhớ tương đối cao. Nghiên cứu cho thấy, người bị bệnh mỡ máu, cholesterol cao có tỉ lệ mắc bệnh mất trí cao hơn người khác.
Nhóm người có bệnh tim mạch, tăng huyết áp, loạn nhịp tim… cũng liên quan đến tỉ lệ mắc bệnh sa sút trí tuệ. Bệnh về mạch máu não còn liên quan đến rối loạn chức năng nhận thức. Bệnh tiểu đường nặng trong thời gian dài cũng có thể làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh đãng trí.
5. Người có tâm trạng bi quan
Cảm xúc rất quan trọng đối với sức khỏe con người. Nếu bạn không chú ý chăm sóc tâm trạng của mình để sống vui vẻ, thay vào đó là tâm trạng bi quan hoặc để bản thân rơi vào trạng thái trầm cảm, thì xác suất mắc bệnh đãng trí tăng lên rất nhiều.
Ngoài ra, nhóm người không chăm sóc tốt sức khỏe của não, hút thuốc lá , uống rượu nhiều cũng là yếu tố nguy cơ cao dễ mắc bệnh sa sút trí tuệ. Người thường xuyên mắc các triệu chứng viêm, estrogen, nhiễm các loại kim loại nặng cũng có thể tăng cao tỷ lệ mắc bệnh.
Ngăn ngừa bệnh đãng trí bằng cách nào hiệu quả nhất?
Bác sĩ Lý Thục Quyên
Theo bác sĩ Quyên, để ngăn ngừa bệnh đãng trí dẫn đến mất trí, việc đầu tiên bạn cần làm là xem mình có thuộc một trong 5 nhóm người có nguy cơ cao nêu ở trên hay không.
Nếu có, hãy lập tức thay đổi những thói quen xấu, tránh tự tạo áp lực cho bản thân quá sức chịu đựng. Nên tạo ra một môi trường sống vui vẻ và hài hòa cho gia đình.
Cần phải duy trì không khí gia đình, không gian sinh sống của bạn đầy ắp sự ấm áp, ngăn ngừa sự cô đơn và trầm cảm để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh.
Mỗi người đều cần tạo cho mình môi trường giao tế, ngoại giao xã hội phong phú, đặc biệt là người cao tuổi, cần tiếp xúc giao lưu nhiều hơn với người ngoài để rèn luyện trí nhớ, tham gia các hoạt động xã hội, các hoạt động văn hóa, thể thao, trau dồi các sở thích cá nhân, làm cho đời sống cá nhân thật sự phong phú và giàu ý nghĩa.
Cần phải phòng ngừa càng sớm càng tốt, ít nhất là trước tuổi 40, vì sau đó, bệnh đã bắt đầu tấn công bạn.
*Theo Health/TT
Trí thức trẻ