Nhóm quỹ ETF bị rút ròng gần 1.300 tỷ đồng trong tuần 16-20/8
Trong tuần 16-20/8, Fubon FTSE Vietnam ETF đã bị rút ròng trong cả 5 phiên giao dịch với tổng giá trị 33 triệu USD (khoảng 765 tỷ đồng), nâng lũy kế rút ròng từ đầu tháng 8 tới nay lên 76 triệu USD (khoảng 1.763 tỷ đồng).
Tuần giao dịch 16-20/8 diễn ra không mấy tích cực với chứng khoán Việt Nam. Áp lực bán mạnh trong phiên giao dịch 20/8 khiến chỉ số VN-Index chốt tuần tại 1.329,43 điểm, giảm 2,04% so với tuần trước đó và chấm dứt chuỗi 3 tuần tăng liên tiếp.
Cùng với diễn biến kém tích cực về điểm số, giao dịch khối ngoại cũng là điểm trừ khi họ tiếp tục bán ròng khá mạnh, lên tới gần 5.700 tỷ đồng trên HoSE, đánh dấu tuần bán ròng mạnh nhất trong gần 3 tháng qua.
Áp lực bán ròng của khối ngoại có vai trò không nhỏ từ các quỹ ETF khi xu hướng rút vốn đang diễn ra khá mạnh, nổi bật tại bộ 3 quỹ ETF lớn nhất thị trường gồm Fubon FTSE Vietnam ETF; DCVFM VNDiamond ETF và DCVFM VN30 ETF.
Cụ thể, trong tuần 16-20/8, Fubon FTSE Vietnam ETF đã bị rút ròng trong cả 5 phiên giao dịch với tổng giá trị 33 triệu USD (khoảng 765 tỷ đồng), nâng lũy kế rút ròng từ đầu tháng 8 tới nay lên 76 triệu USD (khoảng 1.763 tỷ đồng).
Việc Fubon FTSE Vietnam ETF quay đầu bán ròng những ngày gần đây là động thái khá bất ngờ khi họ đã mua ròng khá mạnh cổ phiếu Việt Nam trong tháng 7.
Số liệu thống kê cho biết trong tháng 7, Fubon FTSE Vietnam ETF đã mua khoảng 175 triệu USD (~4.000 tỷ đồng) cổ phiếu Việt Nam, qua đó trở thành quỹ mua mạnh nhất thị trường trong cùng khoảng thời gian.
Khi đó, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc Fubon FTSE Vietnam ETF đẩy mạnh giải ngân cổ phiếu Việt Nam có thể đến từ kỳ vọng dịch Covid-19 sớm được kiểm soát và chứng khoán Việt Nam sẽ sớm tăng trở lại như những gì đã diễn ra tại các thị trường khu vực. Tuy vậy, có thể những diễn biến khó lường của dịch Covid-19 thời gian gần đây đã khiến quỹ ngoại này trở nên thận trọng hơn.
Diễn biến mới nhất, ngày 16/8 vừa qua, Fubon FTSE Vietnam ETF đã được chấp thuận phát hành thêm hơn 333 nghìn chứng chỉ quỹ, tương ứng 5 tỷ Đài Tệ (khoảng 180 triệu USD) để đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam. Tuy nhiên trong những phiên gần đây, quỹ vẫn chưa phát hành huy động thêm vốn, thậm chí vẫn đang bị rút vốn.
Cũng trong xu hướng rút vốn, DCVFM VNDiamond ETF do Dragon Capital quản lý đã bị rút ròng 17,1 triệu chứng chỉ quỹ, tương ứng giá trị 435,6 tỷ đồng trong tuần qua. Tương tự, DCVFM VN30 ETF cũng bị rút ròng 3,4 triệu chứng chỉ quỹ, tương ứng giá trị 84 tỷ đồng. Một quỹ ETF khác là SSIAM VNFinLead cũng bị rút 400 nghìn chứng chỉ quỹ, tương ứng giá trị 8,7 tỷ đồng trong tuần qua.
Như vậy, chỉ tính riêng 4 quỹ ETF kể trên đã bị rút vốn gần 1.300 tỷ đồng. Thống kê cho thấy xu hướng dòng vốn ETF thường khá đồng pha với diễn biến thị trường. Giai đoạn dòng vốn đổ mạnh vào các quỹ ETF thì thị trường thường biến động thuận lợi và ngược lại khi các quỹ ETF bị rút vốn, diễn biến thị trường cũng không quá khả quan. Do đó, nhà đầu tư cũng có thể tham khảo biến động dòng vốn ETF để quan sát biến động thị trường.
Ngoài việc các quỹ ETF đang bị rút vốn khá mạnh, cổ phiếu SSI trong tuần qua cũng bị khối ngoại bán ròng khá mạnh với tổng giá trị gần 800 tỷ đồng, lực bán chủ yếu đến từ En Fund L.P và Daiwa Securities.