MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhộn nhịp chia cổ phiếu thưởng cuối năm

30-12-2021 - 08:10 AM | Tài chính - ngân hàng

Một số ngân hàng đã, đang lên kế hoạch phát hành cổ phiếu thưởng (ESOP) cho người lao động vào dịp cuối năm. Đây là một hình thức khen thưởng nhằm động viên người lao động trong một năm đầy khó khăn vừa qua, song lại tiết kiệm được chi phí, giúp các ngân hàng nâng cao năng lực tài chính để có thể tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong năm tới.

Đơn cử như NHTMCP An Bình (mã chứng khoán ABB) lên kế hoạch phát hành hơn 11,4 triệu cổ phiếu thưởng dành cho người lao động năm 2021 với mức giá 13.000 đồng/cp tương đương với 2% vốn điều lệ đã được kiểm toán theo báo cáo tài chính năm 2020. Trong khi đó, giá cổ phiếu ABB hiện nay giao dịch trên sàn ở mức hơn 22.700 đồng/cp (phiên ngày 28/12); PE ở mức 10.74; EPS 1,956 điều này thấy rõ lợi ích của sự chênh lệch về giá. Ngoài ra, ngân hàng này còn chào bán trên 114 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với mức giá 10.000 đồng/cp tương đương với tỷ lệ phát hành 20% vốn điều lệ. Theo đó, số vốn tăng thêm trong đợt chào bán này 1.143 tỷ đồng nâng tổng vốn điều lệ của ABB lên mức 6.856 tỷ đồng.

HDBank và Techcombank cũng đang có kế hoạch chia cổ phiếu cho người lao động với mức giá 10.000 đồng/cp. Theo đó, đợt chia cổ phiếu ESOP của HDBank lần này chiếm tỷ lệ 1,004% so với số cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường, còn Techcombank tương đương với tỷ lệ phát hành là 0,1714%. Cả hai cổ phiếu này đều được bán bằng mệnh giá 10.000 đồng/cp cho người lao động, trong khi thị giá trên thị trường của cổ phiếu HDB đang ở mức 30.500 đồng/cp, TCB có giá hơn 49.150 đồng/cp (phiên ngày 28/12).

Nhộn nhịp chia cổ phiếu thưởng cuối năm - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Một số ngân hàng khác như LienVietPostBank, SeaBank, VPBank, OCB, MSB… cũng chọn thời điểm cuối năm để chia cổ phiếu thưởng cho người lao động theo kế hoạch đại hội cổ đông thông qua trước đó.

Theo các chuyên gia, đây là một hoạt động nhất cử lưỡng tiện của các ngân hàng, mặc dù hình thức chia cổ phiếu thưởng mỗi ngân hàng lại có cách xếp hạng người lao động để thưởng khác nhau. Những năm gần đây xu hướng những cán bộ cao cấp về công nghệ trong ngân hàng thường được tưởng thưởng nhiều cổ phiếu như một cách giữ chân nhân sự để phát triển ngân hàng số.

Cổ phiếu ESOP thường được lấy từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối chia cho cán bộ; và tỷ lệ cổ phiếu thưởng chiếm một tỷ lệ rất nhỏ so với lượng cổ phiếu của các ngân hàng đang lưu hành trên thị trường. Nhưng cổ phiếu thưởng lại có tác dụng tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu của ngân hàng, đơn cử như thông tin cổ phiếu thưởng đã làm các mã ngân hàng trở lại đường đua trong một số phiên cuối tháng 12/2021.

Cổ phiếu các ngân hàng có nền tảng kinh doanh tốt đang giao dịch trên thị trường hiện nay đa phần đều có mức giá trên 2.0. Theo các chuyên gia tài chính, những ngân hàng quy mô nhỏ mới lên sàn cũng xác định phải nâng giá trị vốn hóa trên thị trường nhằm củng cố các hoạt động cơ bản nên không ngân hàng nào để cổ phiếu xuống dưới ngưỡng 2.0.

Mặc dù nửa cuối năm nay cổ phiếu ngân hàng không có sóng như thời điểm đầu năm do giới đầu tư lo ngại về việc ngân hàng phải cắt giảm lợi nhuận để giảm lãi vay, giảm phí, cơ cấu lại nợ chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và nền kinh tế bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên theo bà Phạm Thùy Dương - Phó Giám đốc Bộ phận Phân tích của Dragon Capital, tiềm năng tăng trưởng của ngành Ngân hàng hiện nay vẫn hấp dẫn nhờ tín dụng khi nền kinh tế dần mở lại và tốc độ phủ vắc xin Covid-19 cao.

Những năm gần đây NHNN Việt Nam liên tục khuyến nghị các TCTD chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng thêm tiềm lực tài chính cho mở rộng kinh doanh và củng cố bền vững trong dài hạn cho cổ đông ngân hàng. Mới đây tại văn bản 6561/NHNN-TTGSNH về một số vấn đề trong hoạt động của TCTD. Trong đó, NHNN Việt Nam tiếp tục khuyến khích các ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ 100% đối với các khoản nợ được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN và các văn bản sửa đổi, bổ sung liên quan trong năm 2021. NHNN yêu cầu các TCTD tập trung tăng cường nguồn lực tài chính cho xử lý nợ xấu, tăng cường trích lập rủi ro. Theo đó, NHNN khuyến nghị thời gian tới các ngân hàng tiếp tục trả cổ tức bằng cổ phiếu, hạn chế hoặc không thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt để dành nguồn lực tăng vốn điều lệ. Qua đó, nâng cao năng lực tài chính và khả năng chống đỡ trước ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19.

Theo Minh Châu

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên