Nhu cầu tiêu thụ chậm, giá thịt lợn hơi tiếp tục giảm mạnh
Tính đến nay, dịch tả lợn đã xuất hiện tại 34 tỉnh, thành phố và 1,5 triệu con lợn bị tiêu huỷ trong vòng 4 tháng,
- 17-05-2019Trung Quốc hủy mua hơn 3.200 tấn thịt lợn Mỹ để trả đũa Trump
- 13-05-2019Đề xuất cấp đông hàng triệu tấn thịt lợn để dự trữ đối phó dịch tả lợn
- 13-05-2019Cấp trữ đông để giảm áp lực tiêu hủy, đảm bảo nguồn thịt lợn cuối năm
Bộ Công thương cho biết, từ đầu tháng 5/2019 đến nay, giá lợn hơi trên cả nước giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi (ASF).
Hiện giá lợn hơi tại khu vực miền Bắc dao động trong khoảng 25.000 - 34.000 đồng/kg tuỳ khu vực, giảm 3.000 – 6.000 đồng/kg so với cuối tháng 4/2019. Tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên, giá lợn hơi dao động trong khoảng 29.000 - 40.000 đồng/kg, giảm 4.000 – 7.000 đồng/kg so với cuối tháng 4/2019.
Tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi tiếp tục giảm mạnh trên diện rộng, đưa giá lợn tại nhiều địa phương xuống dưới 35.000 đồng/kg, giảm 5.000 - 10.000 đồng/kg so với cuối tháng 4/2019.
Do giá lợn đã xuống thấp như hiện nay, dự báo có khả năng thị trường miền Bắc sẽ duy trì ổn định trong ngắn hạn và có thể tăng khi nhu cầu phục hồi trong khi nguồn cung hạn hẹp do đã có 1,5 triệu con lợn bị tiêu huỷ trong vòng 4 tháng, chiếm 5% tổng đàn lợn toàn quốc. Tính đến nay, dịch tả lợn đã xuất hiện tại 34 tỉnh, thành phố.
Dịch bệnh có thể sẽ tiếp tục lan tới các vùng chưa xuất hiện bệnh và trở nên ngày càng phức tạp; tại nhiều địa phương đang diễn ra các trường hợp tái dịch và có thể dịch tả lợn cũng sẽ lan tới các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn, tập trung.
Theo Rabobank, ngành chăn nuôi lợn của Việt Nam đang phải chịu sức ép suy giảm năm thứ 3 liên tiếp do dịch tả lợn. Trong báo cáo quý II/2019 cho ngành thịt lợn, Rabobank dự báo sản lượng thịt lợn Việt Nam năm 2019 giảm ít nhất 10%. Mặc dù Chính phủ đã nỗ lực kìm chế dịch bệnh, các ổ dịch mới vẫn liên tục được phát hiện. Rabobank cho rằng suy giảm sản xuất sẽ dẫn tới suy giảm 7% tiêu dùng thịt lợn trên đầu người của Việt Nam. Để bù đắp thiếu hụt nguồn cung thịt lợn, nhập khẩu thịt lợn Việt Nam dự báo tăng lên trong năm 2019. Rabobank cũng nhấn mạnh nhập khẩu thịt gà tăng 123% trong năm 2018 và dự báo mức tăng trưởng nhập khẩu năm 2019 vẫn duy trì ở mức cao.
Mặc dù dịch tả lợn châu Phi không lây sang người, thế nhưng giá thịt lợn mấy ngày gần đây bị ép giảm khá mạnh.
Theo các tiểu thương, do lo ngại bệnh tả lợn châu Phi cho nên người dân ngại tiêu thụ thịt lợn, chuyển sang dùng các thực phẩm khác như thịt bò, thịt gà, tôm, cá, trứng... Hiện nay, do sức mua kém, giá thịt lợn tại các chợ cũng giảm từ 40 đến 50% so với trước đây. Các loại thịt ba chỉ, thịt băm, thịt nạc... chỉ khoảng 60 nghìn đến 80 nghìn đồng/kg, xương sườn khoảng 90 nghìn đồng/kg... Không chỉ các quầy hàng thịt lợn tươi sống, các sản phẩm chế biến từ thịt lợn như giò chả, nem tai, nem chạo, xúc xích... cũng giảm lượng tiêu thụ.
Giá thịt lợn hơi xuống thấp và có chiều hướng tiếp tục giảm sâu đang khiến các hộ chăn nuôi không khỏi lo lắng. Anh Nguyễn Văn Cường, chủ trang trại tại xã Cấn Hữu – Quốc Oai – Hà Nội cho biết, thương lái liên tục ép giá, giá giảm từng ngày.
"Họ nói do gần đây dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện, sức tiêu thụ thịt lợn trên thị trường giảm khá mạnh dù cơ quan quản lý đã khuyến cáo ăn thịt lợn không ảnh hưởng đến người. Giá giảm nên giá mua buôn lợn hơi tại các trang trai cũng phải giảm theo. Dù biết bị ép giá nhưng tôi cũng phải bán mấy chục con tới lứa, chứ nếu để nuôi tiếp thì chỉ thêm lo thêm lỗ", anh Cường lo lắng.
Trí Thức Trẻ