MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhu cầu vàng Châu Á bật tăng trở lại

20-03-2021 - 16:34 PM | Thị trường

Nhu cầu vàng Châu Á bật tăng trở lại

Giá vàng giảm trong thời gian qua và kinh tế hồi phục sau đại dịch Covid-19 đã khiến nhu cầu vàng của các khách hàng Châu Á tăng trở lại.

Theo đó, tháng 2/2021, Thụy Sỹ đã xuất khẩu vàng đến Trung Quốc lần đầu tiên kể từ tháng 9 năm ngoái, trong khi xuất khẩu sang Ấn Độ và Thái Lan cũng đạt mức cao nhất nhiều năm, cho thấy nhu cầu vàng của Châu Á đang hồi phục sau "cú sốc" Covid-19.

Thụy Sỹ là Trung tâm tinh luyện và trung chuyển vàng lớn nhất thế giới, Ấn Độ và Trung Quốc là hai thị trường tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới, còn Thái Lan và trung tâm thương mại vàng của khu vực Châu Á.

Thống kê cho thấy, nhu cầu vàng từ cả 3 quốc gia này năm ngoái đều giảm do đại dịch Covid-19, trong đó ở Trung Quốc nhu cầu hồi phục chậm nhất.

Nhu cầu vàng Châu Á bật tăng trở lại - Ảnh 1.

Lý do chính dẫn tới việc nhập khẩu vàng vào Châu Á tăng trở lại là bởi giá vàng đã giảm khá nhiều từ mức cao kỷ lục hồi tháng 8 năm ngoái. Hầu hết vàng tiêu thụ ở Châu Á dưới dạng đồ trang sức, và người mua bị ép với giá cao vì ngoài nguyên liệu còn phải tính thêm tiền chế tác.

Dữ liệu từ Hải quan Thụy Sỹ cho thấy, trong tháng 2, nước này đã xuất khẩu 56,6 tấn vàng sang Ấn Độ, 11,2 tấn sang Thái Lan, 2 tấn sang Trung Quốc đại lục và 1 tấn sang Hongkong.

Lượng vàng xuất sang Ấn Độ đó là mức cao nhất kể từ tháng 4/2019, sang Thái Lan cao nhất kể từ tháng 8/2018, sang Hongkong cao nhất kể từ tháng 9/2020, còn Trung Quốc thì đây là lần đầu tiên thị trường này nhập khẩu vàng trở lại kể từ tháng 9 năm ngoái.

Nhu cầu vàng Châu Á bật tăng trở lại - Ảnh 2.

Tình hình xuất khẩu vàng của Thụy Sỹ

Theo đó, Fitch dự báo giá vàng năm nay sẽ ở mức trung bình 1.780 USD/ounce, so với 1.850 USD/ounce dự báo trước đây. Tuy nhiên, ngân hàng này cho rằng giá vàng sẽ vẫn ở mức tương đối cao.

Theo Fitch, giá vàng sẽ tiếp tục được hỗ trợ trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 6/2021 do lạm phát có thể sẽ tăng lên. Mặc dù vậy, xu hướng đó sẽ chỉ diễn ra tạm thời còn triển vọng trong khoảng 6-12 tháng tới của giá vàng sẽ là giảm.

Theo ngân hàng này: "Giá vàng có chiều hướng giảm từ đầu năm 2021 trong bối cảnh lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng và triển vọng hồi phục kinh tế thế giới ngày càng rõ nét", "Tâm lý của nhà đầu tư đối với vàng cũng là giảm đáng kể sự quan tâm từ mấy tháng gần đây, sau khi giá tăng mạnh trong nửa đầu năm 2020 và đạt đỉnh cao của mọi thời đại vào tháng 8/2020".

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng mạnh trong 7 tuần trở lại đây do kỳ vọng tăng trưởng kinh tế khởi sắc, lên mức cao nhất 14 tháng là 1,742%. Lợi suất trái phiếu cao gây bất lợi cho giá vàng vì vàng là một tài sản không mang lợi suất.

Trong dự báo mới nhất, Fitch giữ nguyên các con số nhận định về giá vàng từ năm 2020 trở đi, với dự đoán là giá kim loại quý này sẽ có xu hướng giảm trong những năm tới, khi lợi suất trái phiếu và lãi suất tăng dần.

Ngoài ra, sự nổi lên của tiền kỹ thuật số, nhất là Bitcoin, cũng làm giảm sức hấp dẫn của vàng.

Giá vàng thế giới và trong nước đã giảm xa khỏi mức đỉnh cao 2.056 USD/ounce của ngày 6/8.

Tuần này, giá vàng giao ngay tại Thị trường vàng bạc London (giá tham chiếu quốc tế) kết thúc ở mức 1.742,14 USD/ounce. Mặc dù giá này đã tăng 0,9% so với tuần trước, song nếu so với mức đỉnh cao của tháng 8 năm ngoái thì giá vàng hiện đã giảm trên 15%.

Tương tự, vàng kỳ hạn tháng 4 kết thúc tuần ở mức 1.741 USD/ounce, tính chung cả tuần tăng 1,3%.

Tại Châu Á, giá vàng ở Ấn Độ tuần này tăng so với tuần trước, còn ở các thị trường khác giảm trong bối cảnh có nhiều thương gia bán chốt lời. Theo đó, giá vàng tại Mumbai (Ấn Độ) hiện quanh mức 45.000 rupee/10 gr, tăng so với 44.150 rupee hồi đầu tháng 3 (thời điểm giá thấp nhất kể từ ngày 7/4/2020); tại Trung Quốc đại lục, giá cộng 7-9 USD/ounce so với giá tham chiếu quốc tế, giảm nhẹ so với mức + 8 đến +10 USD/ounce của tuần trước; ở Hongkong (TQ), giá +0,5 đến 1,7 USD/ounce so với giá tham chiếu (tuần trước là +0,8 đến +2,5 USD); tại Singapore là +1,5 đến + 2 USD/ounce (so với +1,6 đến +2,5 USD); tại Nhật Bản là 0,50 đến 0,75 USD/ounce (so với 0,75 USD tuần trước).

Trong nước, giá vàng miếng SJC sáng nay tăng 150.000 đồng/lượng so với sáng qua. Lúc hơn 9h sáng, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 55,15 triệu đồng/lượng (mua vào) và 55,6 triệu đồng/lượng (bán ra). Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu cho thị trường Tp.HCM ở mức 55,1 triệu đồng/lượng và 55,6 triệu đồng/lượng. Tính cả tuần, giá vàng miếng giảm khoảng 150.000 đồng/lượng. So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ hiện cao hơn 6,9 triệu đồng/lượng.

Về triển vọng giá vàng tuần tới, ngân hàng Commerzbank nhận định thị trường vàng tiếp tục bị "giằng co" bởi 2 yếu tố tác động trái chiều, đó là lợi suất trái phiếu tăng - nhân tố gây áp lực giảm giá vàng, và tâm trạng lo lắng trên tị trường chứng khoán - nhân tố hỗ trợ giá vàng.

"Vàng vững giá trên mức 1.730 USD/oz nhờ quan điểm mềm mỏng của Fed và căng thẳng Mỹ-Trung", nhà phân tích Lukman Otunuga thuộc FXTM thông tin cho MarketWatch. "Kim loại quý này vẫn đang được hỗ trợ bởi tâm lý thận trọng trên thị trường chứng khoán. Việc triển khai gói kích cầu của Tổng tống Joe Biden cũng giúp làm nhẹ bớt áp lực giảm đối với giá vàng".

Trong cuộc họp mới đây diễn ra vào ngày 16-17/3, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tái khẳng định lập trường chính sách tiền tệ mềm mỏng nhưng không phát tín hiệu lo ngại nào về sự thắt chặt của các điều kiện tài chính trên thị trường.

Tham khảo: Reuters, MarketWatch

Vân Chi

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên