MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Như ốc vít" nhưng Trung Quốc vẫn bó tay trước thứ này, phải mua giá cắt cổ từ Đức, Nhật?

06-10-2023 - 09:06 AM | Thị trường

Bài phân tích vừa được trang tin Sohu đăng tải ít giờ trước chỉ ra 1 thực tế ít biết về ngành sản xuất của Trung Quốc.

"Như ốc vít"?

Là linh kiện không thể thiếu trong các thiết bị công nghiệp hiện đại, vòng bi cao cấp hiện đang được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực.

Và mặc dù Trung Quốc đã có những bước tiến vượt bậc trong sản xuất công nghiệp nhưng vẫn chưa thể vượt qua được rào cản trong lĩnh vực này.

Thực tế là Trung Quốc đang phải nhập khẩu vòng bi giá cao từ Đức, Nhật Bản.

Nhưng hóa ra họ đang bán cho Trung Quốc mặt hàng này với giá cao gấp 10 lần - tình huống này đúng là đáng lo lắng.

"Như ốc vít" nhưng Trung Quốc vẫn bó tay trước thứ này, phải mua giá cắt cổ từ Đức, Nhật? - Ảnh 1.

Ảnh: Sohu.

Đầu tiên chúng ta cần hiểu rõ tầm quan trọng của vòng bi cao cấp. Đây là thành phần cốt lõi trong thiết bị công nghiệp hiện đại, nó thực hiện nhiệm vụ quan trọng là hỗ trợ chuyển động cơ học.

Sự có mặt của chúng không chỉ giúp giảm mức tiêu thụ năng lượng, nâng cao hiệu suất cơ học mà còn nâng cao độ ổn định và độ tin cậy của thiết bị cơ khí. Vì vậy chất lượng của vòng bi cao cấp ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất và tuổi thọ của toàn bộ thiết bị cơ khí.

Tuy nhiên, người Trung Quốc quả thực vẫn chưa thể chinh phục được lĩnh vực này.

Hiện thị trường này đang bị các công ty chủ yếu đến từ các nước như Đức, Nhật Bản "thống trị", và họ đang bán vòng bi cao cấp cho các công ty Trung Quốc với giá cao.

"Như ốc vít" nhưng Trung Quốc vẫn bó tay trước thứ này, phải mua giá cắt cổ từ Đức, Nhật? - Ảnh 2.

Hình minh họa (Nguồn: Sohu)

Trung Quốc mất 3 tỷ USD mỗi năm?

Theo thống kê, mỗi năm Trung Quốc nhập khẩu số vòng bi cao cấp trị giá gần 3 tỷ USD và các nhà sản xuất trong nước chỉ đảm bảo được 10% nhu cầu.

Nhiều người không thể hiểu được điều này, rõ ràng Trung Quốc có chỗ đứng riêng trong sự phát triển của khoa học công nghệ nhưng tại sao vẫn chưa thể chinh phục được vòng bi cao cấp?

Có một số nguyên nhân giải thích điều này.

Đầu tiên đó là các rào cản kỹ thuật. Để sản xuất vòng bi cao cấp, Trung Quốc cần làm chủ việc sản xuất nguyên vật liệu, công nghệ kiểm tra và công nghệ xử lý tiên tiến. Và về mặt này, rõ ràng Đức và Nhật Bản đang có khoảng cách lớn với Trung Quốc.

Xét đến cùng, người Đức và Nhật đã có nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu và phát triển, cũng như tích lũy kỹ thuật trong lĩnh vực vòng bi cao cấp. Các công ty của họ cũng đang dẫn đầu về nghiên cứu và phát triển vật liệu, gia công chính xác, kiểm soát chất lượng...

Nguyên nhân thứ 2 đó là thiếu nhân tài. Trung Quốc còn tồn tại những bất cập trong vấn đề đào tạo nhân tài trong lĩnh vực này.

Để so sánh, Đức và Nhật Bản có nguồn dự trữ nhân tài dồi dào hơn trong lĩnh vực này và các công ty của họ cũng sẽ dựa vào những tài năng này để liên tục đổi mới và nghiên cứu.

"Như ốc vít" nhưng Trung Quốc vẫn bó tay trước thứ này, phải mua giá cắt cổ từ Đức, Nhật? - Ảnh 3.

Hình minh họa (Nguồn: Sohu)

Nguyên nhân cuối cùng đó là cơ chế bảo vệ sở hữu trí tuệ của Trung Quốc chưa đủ hoàn hảo. Điều này khiến một số công ty phải đối mặt với nguy cơ bị xâm phạm công nghệ hoặc đứng trước nguy cơ thiệt hại về kinh tế khi phát triển vòng bi cao cấp.

Ngược lại, người Đức và Nhật sở hữu hệ thống bảo vệ sở hữu trí tuệ tương đối hoàn chỉnh, có thể bảo vệ hiệu quả thành tựu đổi mới của doanh nghiệp.

Trung Quốc cần phải làm gì?

Từ những điều nêu trên, chúng tôi (Sohu) tin rằng hầu hết độc giả đã có thể hiểu tại sao Trung Quốc vẫn chưa thể chinh phục được vòng bi cao cấp.

Và giải quyết triệt để những vấn đề này không phải là nhiệm vụ dễ dàng.

Tuy nhiên nếu đạt được bước tiến trong lĩnh vực này, khả năng cạnh tranh của ngành sản xuất Trung Quốc không những sẽ được nâng cao mà còn giảm sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu hàng hóa giá cao, góp phần vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế Trung Quốc.

"Như ốc vít" nhưng Trung Quốc vẫn bó tay trước thứ này, phải mua giá cắt cổ từ Đức, Nhật? - Ảnh 4.

Hình minh họa (Nguồn: Sohu)

Theo Hoài Giang

Báo Giao Thông

Trở lên trên